Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 6 năm 2023 | 11:0

Giải pháp kiểm soát việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới

Dù có tên gọi là “thuốc lá” nhưng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới lại đang nằm ngoài tầm kiểm soát của pháp luật hiện hành. Tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường gây hại nghiêm trọng tới sức khoẻ người sử dụng…

Nhiều bất cập

Những năm gần đây, thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, kết quả của việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm hoàn toàn mới, ứng dụng công nghệ cao, đã xuất hiện ở nhiều quốc gia. Cách thức quản lý đối với nhóm sản phẩm thế hệ mới này của các quốc gia tương đối đa dạng.

Nhiều nước đưa TLTHM vào quản lý dưới luật hiện hành, một số nước cẩn trọng hơn bằng cách thí điểm trước khi cho phép kinh doanh chính thức. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Philippines, những nước đã hợp pháp hóa việc sản xuất kinh doanh mặt hàng này, sản phẩmTLTHM hiện đã khá phổ biến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện nay, dù TLTHM vẫn chưa chính thức được phép nhập khẩu và lưu hành tại nước ta, nhưng trên thực tế, các sản phẩm này vẫn đang được nhập lậu, xách tay và bày bán trên thị trường một cách phi pháp, từ các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, đến các cửa hàng công khai trên phố. Những sản phẩm TLTHM trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, thành phần hiện đang gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Do chưa có biện pháp quản lý và chế tài nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo phi pháp, vi phạm các quy định của pháp luật, Nhà nước không thu được thuế, người dân sử dụng thì tiếp cận sản phẩm không rõ nguồn gốc và ảnh hưởng tới sức khỏe.

Làm thế nào để kiểm soát TLTHM đầy đủ và toàn diện, hài hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan là vấn đề đang được đặt ra.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Bộ Công Thương đang đề xuất thí điểm có thời hạn đối với sản phẩm thuốc lá làm nóng sau một quá trình tiếp thu ý kiến xây dựng nghị định thay thế Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá, liên quan đến TLTHM, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Tuy nhiên, Bộ Y tế có quan điểm cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết, bao gồm: hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối..., các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng, an toàn đối với người sử dụng và e ngại sự ảnh hưởng đến giới trẻ và cộng đồng sau nhiều sự cố ngộ độc do thuốc lá điện tử lậu gây ra.

Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương) Thân Đức Công cho rằng, nhiều năm nay, trên thị trường xuất hiện tình trạng kinh doanh, mua bán, trao đổi các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu... Đây là các loại TLTHM chưa được phép kinh doanh theo quy định hiện hành tại Việt Nam.

Mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trên thị trường hiện nay được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu phi thương mại, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa.Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có khái niệm về thuốc lá hoặc thuốc lá “dạng khác” và chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm (trong đó có đề cập đến thuốc lá điếu nhập lậu), hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Do quy định chưa rõ đối với sản phẩm “TLTHM” nên trong quá trình xử lý, lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể áp dụng quy định tại Điều 15, Nghị định 98 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cần đưa TLTHM vào khuôn khổ quản lý

COP là sự kiện mang tính toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức với sự tham gia của 193 nước thành viên thuộc Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC), trong đó Việt Nam đã gia nhập từ rất sớm.

Từ Hội nghị COP6, WHO đã yêu cầu các quốc gia thành viên kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường, kể cả các sản phẩm thuốc lá mới nổi trên thị trường. Khuyến nghị này nhằm chống bình thường hóa việc sử dụng thuốc lá.

Một học sinh phả khói thuốc lá điện tử vào bạn cùng bàn. Nguồn: Vietnamnet

Từ năm 2005, Việt Nam đã chính thức tham gia và trở thành thành viên tích cực của FCTC, hướng đến mục tiêu chung về các giải pháp kiểm soát thuốc lá toàn diện như các vấn đề về bao bì, nhãn mác, kiểm soát buôn lậu, thương mại, phân phối, quảng cáo… Đến năm 2012, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) ra đời, một mặt nâng cao năng lực kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá trong nước, mặt khác thực thi các hướng dẫn do FCTC đề ra.

Dự kiến tại COP10 diễn ra vào tháng 11 tới, đại diện các nước sẽ tiếp tục chia sẻ cách thức để kiểm soát TLTHM cũng như nhấn mạnh lợi ích hiện thấy được kể từ khi cho phép các sản phẩm này thương mại hóa trên toàn cầu.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết,  COP10 là sự kiện quan trọng của quốc gia. Do đó, cần có sự thống nhất giữa các bên liên quan về việc xây dựng chính sách quản lý cụ thể đối với các sản phẩm thuốc lá mới trước khi COP10 diễn ra.

Ông Hoàn cũng thông tin thêm: Bộ Công Thương dự kiến trình Chính phủ trong quý 2/2023 trên cơ sở tiếp tục trao đổi về thống nhất với Bộ Y tế về dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Lê Đại Hải, nếu xét theo luật thì đã có quy định khái niệm thuốc lá là sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá; cũng có quy định nguyên liệu thuốc lá là gì, trong đó có bao gồm nguyên liệu thay thế khác. Như vậy, nếu các sản phẩm TLTHM như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá thì theo định nghĩa sẽ là đối tượng được điều chỉnh của Luật PCTHTL.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia và các bộ, ngành cho rằng, việc cấm hay không cấm còn dựa trên nhiều yếu tố. Trước tiên cần xác định cấu tạo của sản phẩm có phải là thuốc lá hay không, để từ đó đưa vào luật PCTHTL hiện hành, bởi thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện được pháp luật thừa nhận. Ngoài ra, còn cần có dữ liệu thực tiễn về tác động của sản phẩm đến từ nhà cung cấp chính danh, thay vì chỉ quan sát từ thị trường chợ đen, buôn lậu. Đồng thời, cần xem xét các văn bản pháp lý hiện hành cùng với các hiệp nghị, nghị định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Tham gia thảo luận tại Hội trường sáng ngày 23/5 vừa qua, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) kiến nghị Quốc hội nghiên cứu đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTHTL năm 2012 để kiểm soát việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top