Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 9 năm 2024 | 14:38

Đất kết hợp đa mục đích: Cơ hội để du lịch nông nghiệp “đẻ trứng vàng”

Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, được đánh giá là cột mốc quan trọng mở ra thời kỳ mới cho mô hình du lịch nông nghiệp. Các quy định mới đã khơi thông nhiều điểm nghẽn, tạo điều kiện cho HTX, doanh nghiệp, cá nhân làm trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp phát triển, từ đó thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Triển vọng du lịch nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Hưởng (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, hiện du lịch nông nghiệp là mô hình nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, trải nghiệm mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch.

Dự báo trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích. Từ đó góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp, hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ.

Theo các chuyên gia, có 4 thành tố để được gọi là “du lịch nông nghiệp”, đó là: Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.

Hòa mình cảnh sắc thiên nhiên trong lành và tham gia sản xuất với tour du lịch nông nghiệp.

Phát triển loại hình du lịch nông nghiệp giúp đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn, kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của ngành. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.

Tại Việt Nam, du lịch và nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.

Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp điển hình có thể kể đến như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn; trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, du lịch làng nghề ở An Giang; tour tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại dê, cừu tại tỉnh Ninh Thuận…

Cú huých để du lịch nông nghiệp “đẻ trứng vàng”

Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực được coi là bước chuyển quan trọng cho HTX, doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Bởi cụm từ “đất kết hợp đa mục đích” lần đầu tiên được xuất hiện trong Luật chính là “cơ sở để hợp pháp hóa mô hình du lịch nông nghiệp và các hoạt động thương mại, dịch vụ trên đất nông nghiệp – (Điều 218, Luật Đất đai 2024).

Luật cũng nêu rõ: “đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp thương mại dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh…”.

Anh Đào Thanh Phong, chủ một khu homestay nằm ven hồ Đồng Đò (Sóc Sơn - Hà Nội), cho biết, sau thời “chạm đáy nỗi đau”, tình hình kinh doanh của cơ sở đã khởi sắc, dù mới chỉ bằng khoảng 50% so với thời đỉnh cao (trước Covid-19).

Theo anh Phong, trước khi có những điều chỉnh trong luật, việc xây dựng trên đất nông nghiệp gần như không thể. Nhưng với quy định mới, anh dự định xin phép xây dựng thêm các công trình thiết yếu vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa phục vụ du lịch sinh thái.

“Khuôn viên khu homestay của tôi chủ yếu trồng cam, tôi dự định làm một xưởng chế biến rượu, nước giải khát từ cam…, vừa để có thêm sản phẩm để bán, vừa tạo không gian mới cho khách tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất, thưởng thức sản phẩm”, anh Phong chia sẻ.

Theo báo cáo của một số địa phương, doanh nghiệp, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp, nông thôn ngày một tăng. Hiện trong tổng thu nhập của người dân nông thôn thì thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, trong khi các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

Mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn, các miền quê trên cả nước… Đó được xem là tín hiệu tích cực bước đầu khi triển khai phát triển du lịch nông nghiệp ở nước ta.

Vừa duy trì sản xuất, vừa thu hút khách du lịch là nhiệm vụ kép trong lĩnh vực nông lâm nghiệp đối với huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Kiến trúc sư, Nhà hoạch định chiến lược Phạm Thanh Tùng, chuyên gia về farm và kiến trúc sinh thái, trước đây, đất thương mại chỉ được sử dụng vào mục đích thương mại, đất nông nghiệp chỉ được sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Muốn sử dụng vào mục đích khác thì nhà đầu tư phải làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mà muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư phải có đề án cụ thể mới được huyện, tỉnh thay đổi mục đích sử dụng của khoảnh đất đó. Nhưng điều này rất khó vì luật pháp chưa rõ ràng, cơ chế ở địa phương chậm thay đổi. Nhưng nay, khi làm du lịch trên đất nông nghiệp, HTX có thể xây dựng một số thiết chế cơ bản để làm các dịch vụ đón khách.

Ngoài ra, các khoản 7, 8, 9, Điều 248, Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi bổ sung cho Luật Lâm nghiệp 2017 về việc được tổ chức du lịch trong rừng đặc dụng, phòng hộ. Như vậy, từ đây, chính thức cho phép làm du lịch dưới tán rừng.

Ông Phạm Thanh Tùng cho rằng, nhờ Luật Đất đai 2024, có thể nói du lịch nông nghiệp được khơi thông, không còn tắc nghẽn về mặt pháp lý. Trong khi điều kiện khí hậu, kinh tế nông nghiệp, địa hình của Việt Nam rất thích hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn về mô hình này.

Dưới góc nhìn của HTX, anh Trần Văn Toàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông – Buôn Đôn (Đắk Lắk), chia sẻ, đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý tư vấn cho các đơn vị đầu tư về việc xây dựng mô hình này một cách phù hợp với điều kiện, kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương.

Còn về mặt thị trường, các quy định mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ tạo điều kiện cho HTX, doanh nghiệp, cá nhân làm trong lĩnh vực này phát triển, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương.

Điều kiện xây công trình, homestay, farmstay trên đất nông nghiệp

Theo quy định của Luật Đất đai 2024, sau ngày 1/8, người có đất nông nghiệp có thể xin sử dụng đất đa mục đích với diện tích không quá 50% đất sử dụng vào mục đích chính, tuy nhiên, chỉ được xây dựng công trình dễ tháo gỡ.

Cụ thể, Điều 99, Nghị định 102/2024 hướng dẫn Luật Đất đai 2024 nêu rõ: “Sử dụng đất kết hợp đa mục đích là việc sử dụng một phần diện tích đất của mục đích sử dụng đất chính vào mục đích khác quy định tại Điều 218, Luật Đất đai”.

Nghị định 102 cũng nêu rõ: “Cam kết, biện pháp theo quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; hạn chế ảnh hưởng bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề”.

Người dân muốn xin sử dụng đất đa mục đích cần làm hồ sơ, trình tự, thủ tục gồm: Văn bản đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo mẫu số 15 tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102; phương án sử dụng đất kết hợp; giấy chứng nhận đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai.

Cá nhân có nhu cầu sử dụng đất kết hợp đa mục đích nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện. Tổ chức có nhu cầu sử dụng đất kết hợp đa mục đích nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh… UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp.

Thời gian thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp không quá 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top