UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định số 61 quy định các nội dung quan trọng liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố. Theo quy định này, tách thửa đất ở, tại các phường, thị trấn, thửa đất phải có chiều dài và chiều rộng từ 4m trở lên, diện tích tối thiểu là 50m2, tăng 20m2 so với quy định hiện hành.
Theo đó tách thửa đất ở, tại các phường, thị trấn, diện tích nằm ngoài đường giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng, thửa đất sau khi tách không nhỏ hơn 50m2, chiều dài trên 4m và chiều rộng giáp đường giao thông từ 4m trở lên.
Với các xã vùng đồng bằng, diện tích sau tách thửa tối thiểu là 80m2, các xã vùng trung du 100m2, còn các xã miền núi tối thiểu 150m2.
Với đất phi nông nghiệp, quy định áp dụng cho các thửa đất không thuộc trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án. Tại phường, thị trấn, đất thương mại dịch vụ phải có chiều rộng giáp đường giao thông từ 10m trở lên, diện tích tối thiểu 400m2. Với các loại đất phi nông nghiệp khác, thửa đất phải có chiều rộng trên 20m, diện tích tối thiểu 1.000m2.
Tại các xã, đất thương mại dịch vụ phải có diện tích không dưới 800m2 và đất phi nông nghiệp khác không dưới 2.000m2.
Với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu với đất trồng cây hàng năm là 300m2 tại phường, thị trấn và 500m2 tại các xã; đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản lần lượt 500m2 tại phường, thị trấn và 1.000m2 tại các xã. Đất rừng sản xuất được tách thửa nếu diện tích không dưới 5.000m2.
Hiện việc tách thửa ở Hà Nội áp dụng theo quyết định số 20 năm 2017. Theo đó, lô đất sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30m2 với các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở mới (tối thiểu) với các địa bàn còn lại.
Trước đó, trong giai đoạn dự thảo lấy ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc chia tách thửa đất, ngoài tuân thủ tiêu chí về diện tích, hạ tầng kỹ thuật, còn phải cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.
Bên cạnh đó, việc tách thửa đất cần bảo đảm không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội nhằm tránh tình trạng quá tải và bảo đảm chất lượng cuộc sống trong các khu vực dân cư. Về lâu dài, cần tính đến các yếu tố phát triển bền vững, tránh phá vỡ quy hoạch chung hoặc gây ra sự mất cân đối trong hạ tầng kỹ thuật và xã hội, duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Một khu đất đấu giá Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Anh Tú
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh, khi đánh giá về một chính sách thì cần phải nhìn nhận trên nhiều khía cạnh, bao gồm tính hợp pháp và tính hợp lý.
“Về tính hợp pháp, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất là thực hiện đúng thẩm quyền được giao tại Điều 220 Luật Đất đai 2024”, ông Đỉnh nói.
Phân tích về tính hợp lý, vị chuyên gia cho rằng, Hà Nội đang xây dựng, thực thi các chính sách nhất quán nhằm giảm thiểu sự gia tăng dân số cơ học, đặc biệt tại khu vực nội đô, nhằm đảm bảo chất lượng sống và duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Việc nâng cao diện tích tối thiểu được tách thửa cũng có ý nghĩa tương tự, giúp hạn chế sự bùng phát dân số. Nếu không kiểm soát được dân số thì sẽ dẫn đến quá tải hạ tầng. Việc thành phố đặt ra các “hàng rào kỹ thuật” để kiểm soát gia tăng dân số là cần thiết và trong thẩm quyền”, ông Đỉnh nêu ý kiến.