Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024 | 13:7

Điểm tựa Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: Trong những lúc khó khăn, những lúc gian nan, những lúc thử thách thì ai cũng cần một điểm tựa. Và đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ, sạt lở, ngập lụt luôn có những điểm tựa, đó chính là “Điểm tựa Việt Nam”.

Ấm áp nghĩa tình đồng bào

Mất mát từ cơn bão số 3 (Yagi) chưa kịp lắng dịu thì lũ lụt lại tràn về, các tỉnh miền Bắc tiếp tục oằn mình đối mặt với tình trạng ngập úng, lũ lụt và sạt lở đất. Dù trong hoàn cảnh thiên tai nối tiếp thiên tai nhưng tình nghĩa đồng bào một lần nữa lại sáng rực qua những hành động ấm áp tình người.

Bão số 3 mang theo trận cuồng phong dữ dội đổ ập lên Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Bắc, gây ra những thiệt hại nặng nề. Cảnh tượng đổ nát, hoang tàn vẫn còn hiện rõ, phản ánh những mất mát và khó khăn mà hàng triệu người dân đang phải gánh chịu. Những tưởng đó đã là đau thương tận cùng trong tháng 9, thế nhưng, cơn bão số 3 và hoàn lưu của nó gây mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất lại đến. Những tin dữ như lũ quét, sạt lở đất, cầu sập, người mất tích, người bị cô lập bởi nước lũ, xe khách bị cuốn trôi... liên tục ập tới. Tất cả tạo nên một khung cảnh đau thương, mất mát đến nghẹn lòng, cả nước như hòa chung nhịp đập với những nốt trầm buồn…

Cán bộ, chiến sĩ tham gia dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão tại Trường THSC xã Phục Lễ (Thuỷ Nguyên - TP. Hải Phòng). Ảnh: Vũ Nguyệt

Thế nhưng, bên cạnh những thông tin về sức ảnh hưởng và mức độ tàn phá khủng khiếp của bão lũ, những hình ảnh cảm động về tình người, về những nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ đồng bào giảm thiểu thiệt hại, chung tay vượt qua khó khăn, hoạn nạn cũng hiện diện khắp nơi. Một lần nữa, tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái của người dân Việt Nam trở thành điểm sáng giữa bão lũ, là minh chứng rõ nét cho sức mạnh dân tộc vượt qua thời điểm khó khăn, gian khổ.

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ một loạt video được chia sẻ trên các diễn đàn mạng vào ngày 7/9 ghi lại hình ảnh những chiếc xe ô tô nối đuôi nhau tạo thành lá chắn di động, che chắn cho xe máy lưu thông an toàn trên các cầu tại Hà Nội (Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân…) hay khoảnh khắc hai chiếc xe cùng chắn gió cho một người đi đường. Đây đều là những tư liệu quý giá ghi lại những hành động tuy nhỏ nhưng lay động lòng người của các tài xế giữa thời tiết giông bão.

Sau khi các video được chia sẻ, nhiều người trên các diễn đàn mạng xã hội đã gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe đến những tài xế. Trong hoàn cảnh mưa bão khắc nghiệt, đôi bên dù không hề quen biết nhau nhưng nhiều người vẫn được các tài xế tốt bụng giúp đỡ. Thậm chí, video về hành động nghĩa cử này không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong nước mà còn gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế. Họ bày tỏ sự cảm động trước tinh thần tử tế của người Việt Nam và cho rằng những hình ảnh này đã củng cố niềm tin của họ vào lòng tốt và tính nhân văn vẫn tồn tại trên thế giới.

Cảm động biết bao khi đọc, khi thấy những hình ảnh về nghĩa tình đồng bào trong lúc khó khăn, không kể già, trẻ, lớn bé, ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về miền Bắc thân thương. Đó là việc một thanh niên chèo thuyền lao ra giữa sông Hồng chảy siết để cứu nạn nhân bị rơi do sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Thượng úy Công an Nguyễn Đình Khiêm (27 tuổi)  liều mình cứu đồng đội khỏi nguy hiểm, anh đã hy sinh trong đợt tham gia phòng, chống bão Yagi. Có những chuyến xe từ Huế viết rằng để trả nợ ân tình người miền Bắc năm nào cũng cứu trợ miền Trung. Thuyền nan của người dân Quảng Bình chuyển ra miền Bắc. Có cả những chuyến xe từ Móng Cái, từ Hạ Long (Quảng Ninh) - nơi vừa hứng bão quét qua cũng lên đường tiến lên cứu trợ miền núi. Những người dân vùng ngập của Hà Nội cũng tình nguyện đi cứu trợ, vẫn gửi tiền, gửi hàng tới nơi miền núi khó khăn hơn. Hay tại nơi khúc ruột miền Trung gánh chịu lũ lụt thường xuyên, không chỉ gửi lương thực cứu trợ, người dân nơi đây còn tình nguyện ra miền Bắc hỗ trợ vùng bão. Có lẽ câu nói “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá… tả tơi” bỗng nhiên thật đúng trong trường hợp này.

Phát huy lòng nhân ái - giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc

Trong hoàn cảnh bão lũ hoành hành, những thông tin về sự tương trợ và đồng lòng của người dân trên khắp cả nước chợt làm lòng người dịu lại. Từ những hành động giúp đỡ nhỏ bé đến những lời kêu gọi lớn lao đều thật trân quý. Những câu chuyện, hình ảnh tưởng chừng như nhỏ bé ấy lại chứa đựng giá trị to lớn về lòng nhân ái và sự sẻ chia. Những người đang giúp đỡ nhau có thể không quen biết nhau và có thể sẽ không bao giờ gặp lại trong cuộc đời, nhưng họ vẫn sẵn sàng hỗ trợ vì họ hiểu rằng họ đang giúp đỡ đồng bào của mình trong thời điểm khó khăn.

Công an tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. Ảnh: Công an Lạng Sơn.

Thực tế, tình cảm thiêng liêng ấy không chỉ xuất hiện trong thời điểm hiện tại mà từ bao đời nay, con người Việt Nam luôn mang tình thương yêu đối với đồng bào, với những người gặp khó khăn và sẵn lòng giúp đỡ không màng chuyện trả ơn. Truyền thống “lá lành đùm lá rách” và “thương người như thể thương thân” vẫn được gìn giữ và phát huy, ngay cả trong cuộc sống hiện đại đầy đổi thay và xô bồ.

Vẫn còn nhớ trong đại dịch Covid-19, thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch được xem là bắt nguồn từ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một trong số đó chính là lòng nhân ái, một giá trị văn hoá lay động đến từng con tim, khối óc. Ngày đó, lòng nhân ái của người dân Việt Nam hiện lên rõ nét qua những hành động cụ thể và thiết thực của tất cả mọi người. Đặc biệt là những y, bác sĩ, y tá nơi tuyến đầu chống dịch, những chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; những sự giúp đỡ từ nhỏ đến lớn tới bà con gặp khó khăn nơi vùng dịch hoặc trong khu cách ly…

Đến hôm nay, lòng nhân ái đó lại được tiếp nối nhân lên thông qua hình ảnh anh công an vượt mưa rát mặt đến giúp người neo đơn; anh tài xế xe tải chở bà con miễn phí đi qua vùng ngập lụt; những người vượt dặm xa xôi, không quản nguy hiểm đến vùng rốn lũ; những lời kêu gọi từ khắp nơi gom hàng cứu trợ, quần áo, lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết gửi đến vùng lũ; những nghệ sĩ, người dân quyên góp ủng hộ; những tấm lòng hảo tâm luôn sục sôi khát vọng giúp đỡ đồng bào,… và nhiều lắm những nghĩa cử cao đẹp, ấm áp tình người trong thời gian qua. Nếu liệt kê ra có lẽ không đếm xuể nhưng toàn bộ nghĩa cử đó đều như một lời khẳng định về sức mạnh của cộng đồng, về sự đoàn kết, rằng lòng nhân ái luôn là “Điểm tựa” giúp người dân Việt Nam vượt qua khó khăn.

Biết rằng thiên tai là điều không thể tránh khỏi và lòng thương xót cho những mất mát, thiệt hại là vô hạn, nhưng mỗi cơn bão dù có dữ dội đến đâu rồi cũng sẽ qua đi. Chúng ta có thể phải chịu đựng những tổn thất nặng nề và bão lũ có thể cuốn trôi tất cả của cải, vật chất nhưng chắc chắn có một thứ mà nó không thể làm cuốn đi, đó là tình nghĩa đồng bào luôn tỏa sáng rực rỡ ở bất kỳ nơi đâu trên dải đất hình chữ S.

Điểm tựa Việt Nam

Tại chương trình truyền hình trực tiếp “Điểm tựa Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, trong những lúc khó khăn, những lúc gian nan, những lúc thử thách thì ai cũng cần một điểm tựa. Theo Thủ tướng, chúng ta đang có 6 điểm tựa:

Một là điểm tựa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” như Bác Hồ đã nói.

Hai là chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo gần 95 năm qua. Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Ba là truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”, “bầu ơi thương lấy bí cùng…”.

Bốn là Nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Năm là Quân đội, Công an. “Lúc cần, lúc khó có Quân đội, Công an”; “Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”; “Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, của mỗi người khi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua giới hạn của bản thân, với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”.

Với sáu điểm tựa Việt Nam nói trên, Thủ tướng kêu gọi đồng bào, đồng chí “làm việc bằng hai”, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3 tại 26 tỉnh, thành phố phía Bắc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top