Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 13:49

Định hướng phát triển và xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng cầu của người lao động

Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Theo dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, tỉnh dự kiến thành lập mới 14 khu công nghiệp.

Nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng, trong quy hoạch vùng Thủ đô với trục giao thông quan trọng xuyên Bắc Nam, Hà Nam được định hướng phát triển công nghiệp đa ngành, là trung tâm thương mại đầu mối với hệ thống giao thông liên kết với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Bắc Trung bộ.

Bên cạnh đó, Hà Nam cũng tích cực triển khai thực hiện các chương trình, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đối tượng yếu thế...

Nhu cầu lớn

Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Theo dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, tỉnh dự kiến thành lập mới 14 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.465ha, thành lập mới 14 cụm công nghiệp với diện tích 805ha. Hiện, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN khoảng 80 nghìn người; trong đó số lao động trong tỉnh gần 50 nghìn người (chiếm 62%), số lao động ngoài tỉnh và lao động nước ngoài khoảng 30 nghìn người (chiếm 38%). Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở ổn định đối với người lao động là vô cùng lớn, nhất là các khu vực đầu mối giao lưu về kinh tế, nơi tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp lớn của Hà Nam.

 

z3722972429642_e4d1e783b505b7f4bcbc4ae30fa7be7e.jpg

Khởi công khu nhà ở xã hội quy mô 564 căn hộ tại Hà Nam.

z3722971751153_1f6df639c2602d78845ccd706f4170d8.jpg

 

Trong những năm qua, Hà Nam được đánh giá là một trong những địa phương tích cực triển khai thực hiện các chương trình, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đối tượng yếu thế. Chủ trương phát triển Nhà ở xã hội luôn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh quan tâm, thể hiện qua việc đẩy mạnh xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo nguồn vốn, quỹ đất phát triển dự án… nhằm kêu gọi nhà đầu tư, song song với việc kết nối với các ngân hàng giúp người dân có nhu cầu nhà ở xã hội được hưởng lãi suất vay vốn ưu đãi.

Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 03/10/2021 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng “chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động trong các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp; quy hoạch, tạo quỹ đất để phát triển đa dạng các loại hình nhà ở để thu hút công nhân, người lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao…”.

UBND tỉnh Hà Nam cũng đã ra Quyết định số 16/2022/QĐ-UBND ngày 21/6/2022 quy định chính sách phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chủ đầu tư được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi của dự án (trường hợp chủ đầu tư đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi của dự án), hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và các hỗ trợ khác liên quan đến phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành.

Định hướng phát triển

Chương trình phát triển ở tỉnh Hà Nam định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu từng bước tăng diện tích nhà ở của các đối tượng dân cư, nâng cao chất lượng nhà ở trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhà ở cho các đối tượng xã hội, nhất là nhà ở cho lực lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, phấn đấu giải quyết nhà ở xã hội khoảng 705.000m2 sàn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội, 1 khu thiết chế công đoàn, 3 dự án nhà ở công nhân đã và đang triển khai thực hiện, bước đầu đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở cho người lao động vẫn còn rất cao. Tỉnh Hà Nam đang tiếp tục thực hiện các giải pháp, khơi thông cơ chế, qua đó, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp.

 

z3722971722185_b1123208b279f3ae00da4bc3ccb04eab.jpg

Khu thiết chế Công đoàn tại Hà Nam giúp cho nhiều công nhân từng bước hiện thực hóa giấc mơ “an cư” để “lạc nghiệp”.

 

Khu thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam là dự án Thiết chế Công đoàn đầu tiên hoàn thành trên cả nước theo Đề án “Đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án có 244 căn hộ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư tại khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam Trịnh Văn Bừng cho biết: Trong giai đoạn 2, Thiết chế Công đoàn sẽ tiếp tục hình thành thêm 5 tòa nhà, mỗi tòa cao từ 15-18 tầng. Các căn hộ này sẽ tạo điều kiện để cho đoàn viên, người lao động tiếp tục có nhu cầu thuê hoặc mua để ở.

Năm 2021, Dự án Khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên) được phê duyệt, hình thành dự án nhà ở tập trung theo hướng đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, sinh hoạt cho công nhân, người lao động làm việc tại thị xã Duy Tiên cũng như trên địa bàn tỉnh. Khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có quy mô tổng thể 4,905ha, được thiết kế với 04 khối nhà cao 9 tầng, 564 căn hộ, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2024.

Việc xây dựng các Dự án nhà ở xã hội có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như tác động lớn đến đời sống của người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện đúng tinh thần hỗ trợ từ chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong 2 năm (2022 – 2023) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn cho thấy, các khu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng liền mạch, tạo nguồn lao động ổn định cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là điểm sáng, thế mạnh của Hà Nam trong thu hút các nhà đầu tư.

 

 

 

Trung Hiếu
Ý kiến bạn đọc
Top