Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024 | 20:23

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tăng tốc sản xuất

Rất khác so với năm 2023, năm 2024 mở đầu với sức mua của thị trường thế giới ấm dần và ngành gỗ đang đón những tín hiệu tích cực. Dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng khi tiêu dùng tại nhiều thị trường có tín hiệu tốt lên.

Các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu.

Những tín hiệu tích cực

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2024 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 893 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 3/2024, và tăng 14,1% so với tháng 4/2023.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024.

Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn lại "bức tranh" của ngành gỗ trong 4 tháng đầu năm, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho hay, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, nhờ đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo ghi nhận từ hiệp hội, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý I/2024 khá lạc quan. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024. Rất khác so với năm 2023, năm 2024 mở đầu với sức mua của thị trường thế giới ấm dần và ngành gỗ đang đón những tín hiệu tích cực.

Việt Nam với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ...

"Tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi kỳ vọng cho ngành hàng này có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trước mắt trong quý II và cả năm 2024", ông Hoài nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch VIFOREST, với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất hơn.

Nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ

Dù nhận thấy những tín hiệu tích cực, lãnh đạo VIFOREST vẫn giữ một tâm thế thận trọng trước những biến động không lường trước của thế giới. Ông Hoài nhận định, doanh số xuất khẩu trong năm 2024 có thể chỉ ở mức tương đương với năm trước.

Cùng với đó, ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính… Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.

"Để cụ thể hóa doanh số xuất khẩu, ngành gỗ đang tập trung vào nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó đẩy mạnh thị trường theo hướng phát triển bền vững. Bởi nếu không xây dựng tốt thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu gỗ trong năm 2024" , ông Hoài cho hay.

Theo đó, trong quý I/2024, VIFOREST đã phối hợp tổ chức thành công một loạt sự kiện hội chợ ngành gỗ vào tháng 3, gồm: Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ & Nội thất (Hawa Expo) 2024 tại TP. Hồ Chí Minh và Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn (Q-FAIR) 2024. Đây cũng là hội chợ đầu tiên và lớn nhất của ngành gỗ về các hàng ngoài trời, là nơi giao thương và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với khách hàng quốc tế.

Nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao các sản phẩm gỗ Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành gỗ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tham gia vào nhiều chương trình xúc tiến thương mại, mở hội chợ, thiết lập các văn phòng, kho hàng, trung tâm mua hàng lớn, đặc biệt là tại thị trường châu Âu và Mỹ. Đây là cơ hội vững chắc nhất để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Đáng chú ý, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao.

"Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế", lãnh đạo VIFOREST đánh giá.

Cần lưu ý các rào cản thương mại

Trong 3 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường trọng điểm của ngành gỗ Việt Nam, khảo sát cho thấy, các sản phẩm nội thất như kệ để giày, khung giường, tủ quần áo bàn làm việc gấp gọn, kệ nhà bếp, kệ phòng tắm, sản phẩm quà tặng cá nhân hoá… đang bán rất tốt tại thị trường này.

Trong năm 2023, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đạt 19,8 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2022. Mặc dù kinh tế Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở Hoa Kỳ vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng, nhất là khi họ muốn đa dạng chuỗi cung ứng và đặc biệt coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực.

Theo đó, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng của Hoa Kỳ từ Việt Nam luôn ở mức cao. Ba tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm 53,43% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt hơn 1,891 tỷ USD, tăng hơn 36,3% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam tiếp tục duy trì là nguồn cung lớn nhất, với thị phần chiếm 40,77% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ.

Nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên toàn thế giới rất lớn.

Bà Nguyễn Thanh Yến My, Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, Việt Nam có rất nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ, nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ có kinh nghiệm gia công. Nguồn nguyên vật liệu đa dạng và chất lượng cao, lao động có tay nghề khéo léo. Bên cạnh đó, hàng hoá từ Việt Nam dễ dàng nhập khẩu vào các thị trường rộng lớn nhờ ký kết nhiều FTA.

Năm 2024, người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó là những thay đổi trong chi tiêu của người dân nước này trước những biến động của thế giới và khi phải đối mặt với những bất ổn về tài chính và nguy cơ suy thoái kinh tế, họ ngày càng có xu hướng giảm thay mới đồ nội thất và những sửa chữa với mức giảm 2,8% dự kiến ​​cho đến quý thứ hai của năm 2024.

Ông Jimmy Wang, Quản lý cấp cao về tìm kiếm nhà cung ứng Wayfair cho biết một con số thống kê đáng lưu ý cách đây nhiều năm cho thấy, mặc dù là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ lớn nhất thế giới nhưng chỉ có 7% doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trực tiếp đối với người tiêu dùng nước này.

Do vậy, việc theo kịp các xu hướng mới nhất tại thị trường Mỹ là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của hướng chi tiêu của người dân Mỹ. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những sản phẩm để chứng minh mình là người phù hợp để lựa chọn, không chỉ bằng chất lượng, những yếu tố lắp ráp dễ dàng, thân thiện môi trường hay chi phí hợp lý, mà còn cần nhấn mạnh vào việc tiết kiệm chi phí, hiệu quả sử dụng và sự hài lòng của khách hàng.

Bên cạnh đó, Cục XNK nhắc nhở các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ có thể sẽ đối mặt với nhiều rào cản mới, cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang sửa đổi pháp luật về phòng vệ thương mại, sẽ có một số điều chỉnh liên quan đến công tác điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, bao gồm cách xác định mức trợ cấp mới cũng như đưa ra khái niệm về tình huống đặc biệt trong điều tra chống bán phá giá. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu ý./.

Thanh Tâm (t/h theo Congthuong, nhipsongkinhdoanh...)
Ý kiến bạn đọc
  • Kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024

    Kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024

    Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai năm 2024.

  • HoREA góp ý nội dung hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai

    HoREA góp ý nội dung hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai

    Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến hai nhóm góp ý để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản về đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin về đất đai.

  • Sống như nghỉ dưỡng suốt bốn mùa tại The Sola Park

    Sống như nghỉ dưỡng suốt bốn mùa tại The Sola Park

    Thiết kế không gian “phủ đầy” tiện ích “từ nhà ra ngõ”, dự án “đình đám” khu vực phía Tây Hà Nội, The Sola Park (Đại đô thị Vinhomes Smart City, đại lộ Thăng Long, Tây Mỗ, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) sẽ mang tới cho cư dân chốn nghỉ dưỡng suốt bốn mùa.

Top