Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 29 tháng 1 năm 2023 | 20:12

Độc đáo Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình năm 2023

Ngày 29/1 (ngày 8 tháng Giêng), tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường. Lễ Khai hạ diễn ra trong 3 ngày (từ 27 - 29/1/2023, tức mùng 6 - 8 tháng Giêng năm Quý Mão).

Trước khi vào chương trình khai mạc lễ hội, Ban tổ chức thực hiện nghi lễ cúng mời Quốc Mẫu hoàng bà và các vị thần được thờ về tại miếu thờ xóm Mường Lầm và tổ chức nghi lễ rước kiệu từ Miếu thờ xóm Mường Lầm ra lễ đài sân vận động xã Phong Phú (Tân Lạc) để khai mạc lễ hội.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Lựng - nghệ nhân mo Mường xã Phong Phú (Tân Lạc) thực hiện nghi lễ đầu tiên tại Miếu thờ xóm Mường Lầm, xã Phong Phú.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa là lễ hội truyền thống đã có từ rất lâu đời và là lễ hội dân gian lớn nhất của người Mường, đặc biệt ở bốn vùng Mường lớn của tỉnh là Bi, Vang, Thàng, Động. Đây là lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình mỗi dịp xuân về. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản.

Đoàn nghi lễ rước kiệu từ Miếu thờ xóm Mường Lầm tiến ra sân vận động xã Phong Phú.

Lễ hội Khai hạ được tổ chức với nhiều nghi trình, nghi thức độc đáo tạo nên nét riêng có. Được chia làm hai phần gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ là hoạt động thờ cúng Thành Hoàng với các nghi trình, nghi thức ở mỗi vùng Mường có sự khác nhau. Xưa kia thì ở cả 4 Mường lớn và một số huyện khác đều có nghi thức rước kiệu hoặc cúng tại mó nước và xin rước nước; cúng tại ruộng xin rước mạ hoặc cúng tại ruộng để xin làm lễ cày, bừa đầu tiên… nhưng ngày nay do nhiều nguyên nhân nên phần rước kiệu chỉ còn ở lễ hội ở Mường Bi và Mường Thàng; cúng tại ruộng để xin làm lễ cày, bừa đầu tiên chỉ còn diễn ra tại huyện Tân Lạc và huyện Lạc Sơn.

Thầy mo mời Quốc mẫu Hoàng Bà dự, chứng kiến lễ hội.

 Phần hội là các hoạt động vui chơi, thi các trò chơi dân gian, biểu diễn các hình thức nghệ thuật dân gian. Được tổ chức ngay sau khi kết thúc phần lễ chức với các trò chơi dân gian như: Hội đánh Chiêng, hội ném còn, thi bắn nỏ, giã gạo, đánh cù, đánh mảng, kéo co, thi hát đối, hát sắc bùa hay còn gọi là "séc púa", thi các mâm cơm, trình diễn trang phục, thi người đẹp xứ Mường và phần thi đấu các môn thể thao…

Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu khai mạc lễ hội.

Phát biểu tại buổi lễ ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hay còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của Văn minh Việt cổ.

Ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đánh trống khai mạc lễ hội.

Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc… 

Quang cảnh khai mạc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023 tại Sân vận động xã Phong Phú (Tân Lạc).

Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh cho các địa phương.

Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, lễ hội Khai hạ đã đi sâu vào tâm thức của cộng đồng người Mường. Lễ hội Khai hạ ở mỗi vùng Mường của Hòa Bình được tổ chức vào thời gian và địa điểm khác nhau.Với những ý nghĩa và giá trị sâu sắc đó, năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2023, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh…

Đoàn rước kiệu Quốc mẫu Hoàng Bà ra chứng kiến lễ cày, cấy đầu xuân tại Nà Trùng.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức thường niên sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, qua đó tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; quảng bá sản phẩm du lịch của Hoà Bình đến với du khách trong nước và quốc tế…

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top