Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 8 năm 2024 | 20:40

Độc đáo lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam

Lễ kết nghĩa người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam là nghi lễ truyền thống, đã tạo ra tính nhân văn trong mối quan hệ giữa làng với làng, xã với xã, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Trong khuôn khổ hội thi Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc  năm 2024 tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều hoạt động tham gia của 24 địa phương tham gia  đã thể hiện bức tranh văn hóa đa sắc màu của văn hóa các dân tộc. Trong đó, phần thi tái hiện nghi lễ truyền thống là lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam để lại rất nhiều ấn tượng cho người xem và Ban giám khảo.

Đoàn nghệ nhân, diễn viên huyện Đông Giang đã tái hiện tái hiện nghi thức lễ kết nghĩa

Đoàn nghệ nhân, diễn viên huyện Đông Giang đã tái hiện nghi thức lễ kết nghĩa.

Cùng tham gia trong chuyến đi tham dự Hội thi với Đoàn tỉnh Quảng Nam lần này, ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam) cho biết: Đoàn nghệ nhân, diễn viên của huyện Đông Giang vinh dự được tỉnh Quảng Nam chọn tham gia Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc lần này. Các lễ hội của người Cơ Tu rất phong phú và đặc sắc như lễ hội mừng lúa mới, lễ khành thành Gươl, khành thành nhà mới, tìm đất lập làng… còn có lễ kết nghĩa.

Lễ kết nghĩa người Cơ Tu gọi là prơngooch có nghĩa là prơliêm (làm mối quan hệ tốt đẹp hơn), prơ âm (mời uống rượu với nhau để giữ mối quan hệ gắn chặt, đậm tình). Chính vì ý nghĩa đó mà lễ kết nghĩa này tồn tại đến nay đã tạo ra tính nhân văn trong mối quan hệ giữa làng với làng, xã với xã, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Nơi đặt các lễ vật cho lễ kết nghĩa

Nơi đặt các lễ vật cho lễ kết nghĩa.

Tại Hội thi, đoàn nghệ nhân, diễn viên huyện Đông Giang đã tái hiện nghi thức lễ kết nghĩa giữa xã Sông Kôn - bên chủ động kết nghĩa và xã Tà Lu - bên được kết nghĩa của huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Nghi lễ diễn ra cảnh đồng bào ở xã Tà Lu đến xã Sông Kôn cùng tổ chức lễ kết nghĩa. Xã Sông Kôn cử đại diện già làng đón xã Tà Lu tại ngõ (người Cơ Tu gọi là ga nâu), các thanh niên, phụ nữ nhận các lễ vật từ xã Tà Lu mang theo.

Trong trang phục truyền thống, các già làng trao đổi câu chuyện kết nghĩa bằng hình thức mời rượu và nói lý, hát lý, với nội dung trao đổi về sự đoàn kết, gắn bó cùng nhau làm ăn, giữ đất giữ rừng… Nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ Tu mang tính ứng khẩu nhanh, thấu tình đạt lý, phức tạp sâu lắng về ý tứ, cô đọng về tính chất, thâm thúy về nội dung.

Đoàn nghệ nhân, diễn viên huyện Đông Giang đã tái hiện tái hiện nghi thức lễ kết nghĩa

 Đoàn nghệ nhân, diễn viên huyện Đông Giang đã tái hiện nghi thức lễ kết nghĩa.

Già làng Clâu Nhím (nay 78 tuổi) chia sẻ: Tôi và các anh chị em tập luyện, thấm nhuần nghi lễ truyền thống đặc sắc này và đã thực hành trong các dịp lễ hội, các sự kiện chính trị tại địa phương. Lễ kết nghĩa được xem như một dịp kết mối thân giao, giải quyết mâu thuẫn, tạo sự hài hòa trong cuộc sống; đồng thời mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gắn kết cộng đồng. Người Cơ Tu chúng tôi quý trọng cái tình các nghĩa, để luôn luôn vui vẻ, mở rộng tấm lòng sống chan hòa yêu thương nhau...

 Các diễn viên, nghệ nhân đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang phô diễn những nét văn hóa đặc sắc.

Các diễn viên, nghệ nhân đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang phô diễn những nét văn hóa đặc sắc.

Tại không gian sân khấu Nhà văn hóa lao động tỉnh Quảng Ngãi, các diễn viên, nghệ nhân đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang đã phô diễn tất cả những nét văn hóa đặc sắc. Từ trang phục truyền thống, đạo cụ, sự phối hợp nhịp nhàng bằng tiếng Cơ Tu qua lời báo thưa với Giàng, thần linh, trời đất về việc 2 xã tổ chức kết nghĩa. Các lễ vật cúng như ượu, trà, các lễ vật được bày ra mâm và tổ chức cúng tại lều cúng.

Anh Alăng Quốc Quyết – một người con của đồng bào Cơ Tu cho biết: “Khi tham gia trình diễn nghi lễ này, bản thân tôi đã được tiếp tục tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân gian và càng thấy có trách nhiệm nhiều hơn trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Tại không gian kết nghĩa, các già làng sẽ ngồi lại với nhau để nói lý, hát lý nói về tình làng, tinh thần cố kết cộng đồng cùng đoàn kết răn dạy con cháu, giúp nhau làm ăn, giữ đất giữ rừng… kết thúc lễ kết nghĩa, tiếng cồng tiếng chiêng vang lên rộn rã, dân làng thi nhau vào hội, vũ điệu dâng trời tân tung da dá của các nam thanh nữ tú.. hòa quyện nhau thể hiện sự vui mừng, đoàn kết, hân hoan mối tình kết nghĩa đậm sâu. Các diễn viên, nghệ nhân của đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam đã “bày biện” một nghi lễ truyền thống độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc chứa đựng tất cả các yếu tố gắn với cuộc sống của người Cơ Tu nơi đài ngàn Trường Sơn.

Chị Nguyễn Thị Hồng (TP. Quảng Ngãi) cho biết: “Khi biết thông tin về Hội thi này, tôi đã đến và rất thích xem phần thi trình diễn nghi lễ các dân tộc. Qua đó cho tôi thêm cơ hội trải nghiệm và có nhiều hiểu biết hơn về sắc màu các nghi lễ. Tôi rất ấn tượng với phần tái hiện nghi lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam, rất có ý nghĩa hướng mỗi người về lối sống trọng tình, đoàn kết yêu thương nhau, rất nhân vă và giáo dục…”.

Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết thêm: Chính quyền địa phương luôn quan tâm và có nhiều chính sách để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó chú trọng xây dựng nông thôn mới và bảo tồn văn hóa thì nghi thức lễ kết nghĩa luôn được thực hành, tái hiện để giữ mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, đoàn kết bền chặt, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị và giao lưu văn hóa...

 

Hải Yến - Hồ Thu
Ý kiến bạn đọc
Top