Các biện pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn đang được chính quyền và ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam triển khai đồng bộ góp phần hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Vừa khô hạn vừa nhiễm mặn
“Vụ hè thu năm nay, các hộ thành viên của Hợp tác xã Duy Sơn sẽ triển khai sản xuất 277ha lúa trên địa bàn 4 thôn Trà Kiệu Tây, Trà Châu, Chiêm Sơn, Kiệu Châu. Tất cả diện tích này phụ thuộc nguồn nước tưới từ hồ chứa 3/2 và 4 đập dâng, 3 trạm bơm điện”, ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc HTX Duy Sơn, Duy Xuyên cho biết.
Theo ông Tấn, từ tháng 1 - 4/2024, lượng mưa có xu hướng giảm dần so với trung bình nhiều năm. Do đó, nhiều khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất trong vụ hè thu 2024.
“Nếu nắng nóng kéo dài, mực nước các sông, suối xuống thấp thì HTX Duy Sơn chi khoảng 480 triệu đồng để tiến hành nạo vét các đập dâng, lòng suối, đồng thời lắp đặt các máy móc dự phòng để hút nước từ các đập Đồng Eo, Cầu Ri, Cầu Hục, Bàu Tròn, Đìa Đợi, Đìa Khánh... tưới bổ sung một số diện tích lúa.
Từ tháng 3/2024 đến nay, tại trạm bơm điện 19/5 thuộc xã Duy Phước, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào bể hút.
Cạnh đó, đắp 3 đập bổi tại suối Tiễn, cầu Tân Lân, cầu Bà Bông nhằm tăng cường nguồn nước cho các trạm bơm cố định. Vận động nhân dân đóng giếng khai thác nước ngầm để chống hạn” - ông Tấn nói.
Trong khi đó, từ tháng 3/2024 đến nay, tại trạm bơm điện 19/5 thuộc xã Duy Phước, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào bể hút, ảnh hưởng đến việc cung ứng nước tưới cho cây trồng vụ đông xuân 2023 - 2024.
Ông Lê Trung Nam - Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Phước cho hay, vụ hè thu 2024 sắp tới, trạm bơm 19/5 đảm nhận cung ứng nước tưới cho gần 500ha lúa và hoa màu ở các xã Duy Phước, Duy Vinh.
Những ngày qua nước mặn lại liên tục xâm nhập vào bể hút của trạm bơm 19/5, gần nhất là sáng 6/5, nồng độ mặn đo được lên tới 2 phần nghìn. Vì vậy, đơn vị đang gấp rút tính toán các phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo cho trạm bơm 19/5 hoạt động ổn định.
Theo ngành Nông nghiệp Duy Xuyên, toàn huyện có 7 hồ chứa, 25 đập dâng, 41 trạm bơm điện cùng hàng trăm ki lô mét kênh mương phục vụ việc cung ứng nước tưới cho hơn 3.400ha lúa và gần 2.000ha hoa màu các loại.
Tuy nhiên, gần 2 tháng nay, nền nhiệt độ luôn cao hơn so với trung bình nhiều năm, lượng mưa ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước, dòng chảy trên các sông biến đổi chậm và hạ thấp dần.
Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên thông tin, đến đầu tháng 5/2024, mực nước các hồ chứa lớn trên địa bàn huyện đều thấp hơn cùng kỳ các năm trước.
Trước tình trạng nắng nóng như hiện nay, dự báo lượng mưa tiếp tục giảm, các trạm bơm ven sông Thu Bồn như 19/5 (Duy Phước), 2/9 (Nam Phước), Mỹ Lược (Duy Hòa), Vạn Buồng (Duy Trinh), Cù Bàn (Duy Châu) đều có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước bơm tưới cho cây trồng.
Vào cuộc chủ động ứng phó
Ông Lê Trung Nam - Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Phước cho biết, để ứng phó với tình trạng nhiễm mặn như hiện nay, bên cạnh triển khai các biện pháp công trình và phi công trình thì quan trọng nhất vẫn là việc điều tiết, vận hành nguồn nước từ các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn. Có như vậy mới giải quyết rốt ráo tình trạng nhiễm mặn.
Theo ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương sớm rà roát lại phương án, củng cố và kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống hạn.
Các ngành liên quan chủ động xây dựng cụ thể kế hoạch sử dụng nước và cân đối lượng nước hiện có của các hồ đập để bố trí sản xuất phù hợp từng vùng, từng khu vực; thường xuyên kiểm tra và kịp thời sửa chữa trang thiết bị máy móc. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất...
Ông Phúc nói, đối với các trạm bơm lấy nước trên sông Thu Bồn, cần thường xuyên quan trắc độ mặn để điều chỉnh thời gian bơm nước phù hợp, tuyệt đối không vận hành bơm nước tưới cho cây trồng khi độ mặn lớn hơn 0,8 phần nghìn.
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phi công trình và công trình nhằm hạn chế thiệt hại do nắng hạn gây ra. Huyện sẽ ưu tiên bố trí kinh phí hơn 2 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn.
“Chính quyền các địa phương cùng những đơn vị trực tiếp quản lý phải thường xuyên kiểm tra mực nước tại những hồ chứa thủy lợi và đập dâng, tính toán cân đối nguồn nước nhằm xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán do thiếu nước để bố trí cây trồng phù hợp.
Đối với những vùng trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước, hiệu quả sản xuất thấp, ngành Nông nghiệp cần khuyến cáo nhân dân chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp. Trong đó, đáng chú ý là một số diện tích tưới thuộc khu vực Hóc Bầu (Duy Phú), Hóc Kết (Duy Thu), vùng tưới cuối kênh Chính Đông (Duy Trinh), vùng tưới thuộc khu tưới của trạm bơm 19/5 (Duy Phước)… ” - ông Phúc lưu ý.