Dù là gái hay trai, người lớn hay trẻ em, hễ là đồng bào Ba Na ở xã Ya Hội, huyện Đắk Pơ (tỉnh Gia Lai), không ai là không biết đi cà kheo. Điều ấn tượng là họ có thể chạy trên đôi cà kheo một cách dễ dàng như chính đôi chân của mình.
Phương thức di chuyển độc đáo
Di chuyển 60km từ TP Pleiku, trung tâm của tỉnh Gia Lai đến xã Ya Hội, huyện Đắk Pơ, chúng tôi đến với cái nôi của cà kheo.
Tại đây, chúng tôi được giới thiệu đến nhà anh Đinh Văn Nhin (SN 1978, ở làng Brang Đak Kliết, xã Ya Hội), người có nhiều kinh nghiệm đi cà kheo trong làng.
Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, anh Đinh Văn Nhin lại dạy thiếu niên trong làng cách giữ thăng bằng trên cà kheo
Chia sẻ về sự gắn bó của người dân nơi đây với cà kheo, anh Nhin cho biết: Trước đây, mỗi mùa mưa đến, đường làng ngõ xóm lầy lội, trơn trượt, đi lại khó khăn. Để di chuyển thuận lợi, giữ cho đôi chân không bị dính đất cát khi vào nhà, nhất là nhà rông của làng, người làng đã nghĩ ra cây cà kheo để đi ra ngoài đường. Dân làng xem cà kheo như “đôi chân thứ hai” đi lên nương, lên rẫy nhanh hơn và hạn chế bị rắn, rết, kiến cắn. Lâu dần, đi cà kheo trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số ở xã. Sau này, vào dịp lễ hội, làng, xã đã đưa cà kheo vào thi đấu hoặc giao lưu với các làng lân cận.
Anh Nhin biểu diễn đi cà kheo để lớp trẻ học theo.
Trước đây, người dân ở đây còn dùng cà kheo vượt sông, lội suối đi làm rẫy, đi thăm nom nhau lúc ốm đau. Khi bắt được nhiều cá suối, lấy được nhiều măng rừng, dân làng lại khoác gùi lên vai, hò nhau di chuyển qua hàng chục km đường đất đỏ lầy lội để rời khỏi buôn làng ra thị trấn, trao đổi lấy các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống.
Cũng từ đó, những đứa trẻ lên 5, lên 6 bắt đầu tập làm quen với cây cà kheo, người lớn tuổi, sức khỏe giảm, kinh nghiệm nhiều, được bố trí làm những ông thầy huấn luyện cà kheo cho trẻ nhỏ trong làng. Đồng thời, để giữ gìn nét đẹp văn hóa này, định kỳ, người làng lại tổ chức một cuộc thi cà kheo một lần, giải thưởng là những gói bánh hoặc một cặp cà kheo mới.
Gìn giữ nét đẹp truyền thống của buôn làng
Năm 1990, anh Nhin đăng ký tham gia chạy cà kheo cự ly 200 m tại hội thi thể dục thể thao do huyện An Khê (nay là TX. An Khê) tổ chức và giành giải nhất. Sau thành tích này, anh tiếp tục tham gia nhiều hội thi do xã, huyện, tỉnh tổ chức và đạt được nhiều kết quả cao.
Anh Đinh Văn Nhin chia sẻnhững thành tích của gia đình đạt được trong môn thi chạy cà kheo.
“Từ năm 2008 đến nay, vì bận việc gia đình nên tôi không tham gia thi chạy cà kheo mà tập trung hướng dẫn 2 con của tôi là Đinh Thị Thoan (SN 2001), Đinh Văn Thuật (SN 2008) cách giữ thăng bằng đứng trên cà kheo và chia sẻ kinh nghiệm chạy trên đôi cà kheo cho một số thanh thiếu niên trong làng để tham gia thi thố tại lễ hội do làng, xã, huyện tổ chức”, anh Nhin cho hay.
Theo anh Nhin, để đi được trên cà kheo, người sử dụng phải nắm vững kỹ thuật, điều chỉnh thăng bằng cộng thêm chút khéo léo. Với những vận động viên thi chạy cà kheo thì đòi hỏi có năng khiếu, thể lực, lòng đam mê, sự kiên trì và khổ công luyện tập. Bên cạnh đó cũng cần có đôi cà kheo chắc chắn, phù hợp mới thu được kết quả cao.
Biểu diễn đi cà kheo tại lễ hội cà phê tại Đắk Lắk
Mới làm xong đôi cà kheo, anh Nhin hồ hởi giới thiệu: Cà kheo thường được làm từ cây tre, trúc hoặc lồ ô già, thân thẳng có đường kính 4 - 4,5 cm. Cây tre, lồ ô chặt về được róc sạch các mắt mấu và chọn một đoạn có chiều dài 1,5 – 2 m để làm cà kheo. Phần đầu trụ cà kheo tiếp xúc với đất để nguyên mắt tre nhằm tăng độ bền chắc, khi di chuyển đầu cây cà kheo không bị nứt vỡ, gây nguy hiểm cho người đi.
“Làm cà kheo phải phù hợp cân nặng, chiều cao của từng người nhằm làm tăng tuổi thọ cũng như di chuyển trên đôi cà kheo dễ dàng, thuận lợi hơn”, anh Nhin lưu ý.
Theo anh Lý Văn Thắng, công chức Văn hóa - Xã hội xã Ya Hội, những năm qua, dù bận rộn với việc nương rẫy, nhưng xuất phát từ niềm đam mê nên anh Đinh Văn Nhin thường xuyên hướng dẫn, truyền dạy những kỹ năng đi cà kheo cho thế hệ trẻ. Việc làm này đã truyền cảm hứng, thúc đẩy n Hiện gười dân, thanh thiếu niên tham gia phong trào văn hóa, thể dục thể thao của địa phương; góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc và làm dày thêm thành tích về văn hóa, thể dục thể thao cho xã.
Hiện nay, những con đường lầy lội, đã dần được “bê tông hóa” nhưng dân làng vẫn đi cà kheo như một trò chơi vừa để thể hiện sự khéo léo, vừa để giữ lại một nét đẹp trong các lễ hội của làng.