Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 4 năm 2023 | 19:25

Giá lợn hơi lao dốc... càng nuôi càng lỗ

Nhiều hộ nuôi lợn đang “méo mặt” do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến chi phí đầu vào tăng, trong khi giá lợn hơi bán ra lại thấp.

Điều này khiến người nông dân rơi vào cảnh khó khăn và không biết nên tiếp tục nuôi lợn hay là dừng lại?

Người nuôi lợn khóc ròng

Từ sau Tết Quý Mão 2023, câu chuyện giá lợn hơi giảm mạnh đã và đang nhận được sự quan tâm từ dư luận, các chuyên gia và người chăn nuôi. Nhiều chủ trang trại không tránh khỏi lo lắng khi giá thịt lợn hơi giảm mạnh mà giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao. Chính vì vậy, nhiều chủ trại lợn phải dừng hoạt động chăn nuôi, bỏ trống chuồng trại vì càng nuôi càng lỗ.

Theo khảo sát, giá thịt lợn trên thị trường cả nước trong cuối tháng 3 ở cả 3 miền ở mức khá thấp. Mức giá giao dịch cao nhất là 52.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại hai tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc được giao dịch cùng mức 49.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi biến động thất thường khiến nhiều hộ chăn nuôi ngao ngán.

Ông Hiền, một người dân nuôi lợn tại Xã Tuân Chính (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) cho biết: “Một con lợn không dính dịch bệnh thì nuôi từ nhỏ đến lúc bán được tốn 10 bao cám, cứ cho là 3,5 triệu đồng. Đầu tư con giống 1,5 triệu đồng, hòm hòm 5 triệu đồng. Chưa kể tiền vaccine, tiền điện, các loại phí khác, bỏ rẻ 300.000 đồng. Thế thì giá lợn phải 53.000 đồng/kg mới bắt đầu có lãi”.

Trong khi đó, đợt xuất chuồng gần đây nhất vào tháng trước, ông Hiền phải bán với giá 48.000 - 49.000 đồng/kg. Bình quân mỗi con lợn, ông lỗ sơ sơ nửa triệu đồng.

Không riêng tại miền Bắc, các tỉnh, thành phía Nam cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Theo tính toán từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi lợn đang bị lỗ khoảng 500.000-600.000 đồng/con 100 kg. Với mức giá thấp và rủi do về dịch bệnh, nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ tiếp tục bỏ chuồng nhưng nguồn cung vẫn không giảm do nhiều doanh nghiệp liên tục đầu tư vào chăn nuôi lợn với số lượng lớn.

Tại các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, giá lợn hợi có mức giao dịch 52.000 đồng/kg. Còn giá khảo sát ở các tỉnh, thành khác dao động 48.000 - 52.000 đồng/kg.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tổng số lượng lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 2 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cả quý I, chăn nuôi lợn có mức tăng sản lượng cao nhưng lại gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến giá lợn liên tục giảm sâu, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, giá lợn hơi hiện nay đang xuống thấp là một tất yếu chứ không bất ngờ.

Theo ông Dương, bản chất vấn đề là quan hệ cung - cầu. Thời gian qua, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn. Bên cạnh đó, áp lực còn đến từ nguồn cung nhập khẩu. Thực tế, sản lượng ngành chăn nuôi trong nước chỉ tăng  2 - 3% nhưng nhập khẩu tăng đến hàng trăm phần trăm. “Tôi đã thống kê, nhập khẩu các sản phẩm từ lợn từ năm 2019-2021 tăng 16 lần. Nguồn cung tăng lớn như vậy nhưng cầu không tăng mà lại giảm đi. Cầu không tăng đối với thịt lợn do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi”, ông Dương dẫn chứng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện đàn lợn cả nước đang duy trì trên 28 triệu con, đàn nái  2,9 triệu con. Tết Nguyên đán vừa qua, đáng lẽ nhu cầu tiêu thụ phải tăng nhưng thực tế lại không tăng. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến thu nhập người dân bị giảm, dẫn đến sức mua giảm. Như Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, mỗi ngày bán ra 15.000 - 17.000 con, nhưng vẫn bị tồn.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là, dù giá lợn hơi giảm sâu nhưng giá thịt lợn bán lẻ tại các siêu thị và chợ dân sinh vẫn cao, trung bình 90.000-205.000 đồng/kg, tùy loại.

Theo giải thích của các tiểu thương, nguyên nhân muôn thuở vẫn là họ nhập thịt phải qua quá nhiều khâu trung gian nên bị đẩy giá.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, phải từ quý II/2023, nền kinh tế mới phục hồi dần, thu nhập của người lao động cải thiện trở lại, giúp sức tiêu thụ thịt lợn tăng lên.

Tuy nhiên, về lâu về dài thì cần phải có biện pháp bền vững, do vậy, để ổn định chăn nuôi, nguồn cung – cầu thịt lợn trong nước, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, các trang trại, HTX cần liên kết với DN chăn nuôi theo chuỗi khép kín, hình thành chuỗi chăn nuôi hoàn chỉnh cung cấp ra thị trường.

Đặc biệt, cần tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp để giảm giá thành sản xuất; đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, ưu tiên đầu tư sơ chế, chế biến sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Từ thực tế có thể thấy, dù giá lợn hơi giảm sâu trong thời gian qua nhưng chi phí chăn nuôi mỗi ngày lại tăng thêm. Giá cám tăng hơn 100.000 đồng/bao 50kg, hiện ở mức 350.000 đồng/bao cho lợn sinh sản; hơn 400.000 đồng/bao 50kg cho lợn thịt. Với mức giá thức ăn này cộng với công chăm sóc trung bình mỗi con lợn được nuôi từ bé đến lúc bán chi phí lên tới 5,5 - 5,7 triệu đồng/con, trong khi trước đây chi phí này chỉ khoảng 3,7 - 4 triệu đồng/con.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên để từng bước giảm phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; hỗ trợ DN các thủ tục xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra nước ngoài.

Về lâu dài, để nâng cao năng lực cạnh tranh, người chăn nuôi cần liên kết, đầu tư sản xuất cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng cần thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường.

Các địa phương, cần tăng cường quản lý giá bán sản phẩm đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu khiến giá giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, trước thách thức lớn từ việc cung vượt cầu, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển, kết nối giao thương nhiều hơn ở các thị trường mới.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề thị trường, ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho rằng, nguồn cung thịt heo trong nước đang dư thừa nên cần có giải pháp tập trung cho xuất khẩu. Ngoài ra, phải có biện pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, con giống để giúp người chăn nuôi bớt lỗ. Để giảm giá thành, người chăn nuôi nên tự phối trộn thức ăn, tiết kiệm tối đa chi phí và duy trì đàn lợn ở mức hợp lý.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    Những sản phẩm số lượng giới hạn luôn có sức hút nhờ tiềm năng tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung. Cũng vì lý do đó mà ngay sau khi mở bán, tòa căn hộ cuối cùng The S-Vista thuộc phân khu Sapphire - Vinhomes Ocean Park 1 đã khuynh đảo thị trường phía Đông Hà Nội.

  • Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.

  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

Top