Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 1 năm 2023 | 16:59

Giá lúa ở Bạc Liêu lập đỉnh mới

Hiện, giá lúa ở tỉnh Bạc Liêu đã lập một kỷ lục mới, với mức giá gần 7.000 đồng/kg đối với lúa Đài Thơm, lúa ST có giá từ 7.500 - 7.800 đồng/kg. Trong khi đó, giá lúa gạo Nàng Nhen ngày 3/1 tăng tới 2.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Giá lúa lập đỉnh

Theo anh Nguyễn Văn Bản, ở ấp Tường 2, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, do ảnh hưởng của những trận mưa lớn vào thời điểm lúa trổ bông làm cho lúa của gia đình không chỉ thất thoát năng suất 30% mà chất lượng lúa cũng sụt giảm đáng kể. Những năm trước đây, với những ruộng lúa như thế có năn nỉ thương lái cũng không mua. Tuy nhiên, năm nay tình hình lại hoàn toàn khác, thương lái không chỉ chủ động tìm đến tận ruộng đặt cọc sớm mà còn thu mua với giá cao 6.800 đồng/kg cho giống lúa Đài Thơm.

Ông Nguyễn Văn Phong ấp 17, xã Vĩnh Bình, huyện Hoà Bình vui mùng, hơn 20 năm làm ruộng, chưa có năm nào tôi thu hoạch lúa Thu Đông lại trúng giá như năm nay. Với giá bán như hiện tại (lúa tươi gần 140.000 đồng/giạ), mỗi ha lúa sau khi trừ đi các khoản chi phí bà con còn lãi khoảng 50-60%.

Giá lúa tại Bạc Liêu cao nhất từ trước đến nay, bà con nông dân trồng lúa rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Hoàng Mến, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết, tới thời điểm này bà con nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch gần 8.000 ha trong tổng số hơn 14.000 ha thu đông xuống giống. Năm nay toàn huyện có hơn 6.400 ha lúa ST được bà con nông dân xuống giống.

Năm nay, do lúa trổ bông vào thời điểm mưa nhiều nên bị bệnh đạo ôn cổ bông khiến năng suất giảm đáng kể, năng suất bình quân trung bình khoảng 6-6,5 tấn/ha. Hiện tại giống lúa Đài thơm có giá từ 6.800 - 7.000 đồng/kg, lúa ST có giá từ 7.500 - 7.800 đồng/kg tăng nhiều so với các mùa vụ trước, ông Mến cho biết thêm.

Hiện nay, diễn biến thị trường lúa gạo tại Bạc Liêu hoàn toàn trái ngược với những gì các doanh nghiệp dự đoán mỗi khi vào vụ thu đông. Thông thường, khi thu hoạch rộ lúa thu đông giá lúa trên thị trường sẽ xuống thấp. Nguyên nhân là do lúc đó lượng lúa hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, nhưng hiện không có đủ gạo để cho doanh nghiệp mua. Nguyên nhân là ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang nông dân chưa thu hoạch lúa đông xuân trong khi đó vụ thu đông ở Bạc Liêu nông dân chỉ mới thu hoạch rộ và trễ vụ đông xuân so với các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL.

Theo một số người dân, so với thời điểm vụ hè thu, tất cả giống lúa đều tăng từ 300 - 400 đồng/kg, so với cùng kỳ giá lúa tăng mạnh từ 500 - 1.000 đồng/kg. Càng vào vụ thu hoạch rộ gần đây, giá lúa càng tăng. Với mức giá như hiện nay, thu nhập của người dân trong vụ lúa này sẽ tốt hơn và lượng lúa hàng hóa cho nông dân chắc chắn sẽ được tiêu thụ hết.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu, vụ thu Thu Đông toàn tỉnh xuống giống 40.250 ha. Tới thời điểm này nông dân đã thu hoạch thu hoạch trên 10.000 ha, năng suất từ 5,4 – 6,7 tấn/ha. Lúa Đông Xuân 2022-2023 xuống giống 16.645 ha. Giá tất cả các loại lúa đều tăng mạnh, riêng giá lúa Tài nguyên (khô) 9.250 - 9.750 đồng/kg.

Thu hoạch lúa thu đông ở huyện, Phước Long tỉnh Bạc Liêu.

Ở một diễn biến khác, ngày 3/1, theo ghi nhận giá gạo Nàng Nhen tăng 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, khảo sát tại An Giang giá lúa không ghi nhận biến động mới. Cụ thể, giá lúa IR 50404 duy trì trong khoảng 6.400 - 6.600 đồng/kg. Lúa OM 5451 được thương lái thu mua với giá từ 6.700 đồng/kg đến 6.800 đồng/kg. Lúa Đài thơm 8 có giá vào khoảng 6.900 - 7.100 đồng/kg. Lúa OM 18 cũng có giá vào khoảng 6.900 - 7.100 đồng/kg. Trong khi đó, giá lúa Nàng Hoa 9 trong khoảng 6.900 - 7.200 đồng/kg. Lúa Nhật vẫn được thương lái thu mua với giá 7.800 - 7.900 đồng/kg. Lúa Nàng Nhen (khô) có giá trong khoảng 11.500 - 12.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 có kế hoạch xuống giống 74.188ha, đến ngày 21/12/2022 nông dân đã xuống giống được 75.023ha, đạt 101% so với kế hoạch. Các giống lúa được nông dân sử dụng gieo sạ chủ yếu trong vụ Đông Xuân là các loại lúa thơm, đặc sản và lúa chất lượng cao. Các trà lúa chủ yếu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, nhìn chung lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, thời tiết và các loại dịch hại lúa diễn biến phức tạp, nông dân chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa để có vụ mùa thắng lợi.

Giá lúa gạo tiếp tục bứt phá trong 2023

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12/2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 6,8 triệu tấn, mang về hơn 3,3 tỷ USD, tăng 15,2% về khối lượng và tăng 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Với con số này, Bộ Nông nghiệp và PTNT dự kiến cả năm 2022, lượng gạo xuất khẩu cán mốc trên 7 triệu tấn, doanh thu ước đạt 3,5 - 3,6 tỷ USD.

Đánh giá về ngành lúa gạo năm 2022, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân tích, năm 2022 là một năm có rất nhiều biến động trên thị trường, đặc biệt là đầu năm giá gạo đi xuống, đến giữa quý III giá gạo lại biến động. Tuy nhiên đây vẫn là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu cũng như là là sản xuất lương thực Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu gạo vào một số các thị trường lớn như Philippines đã ghi nhận tăng trưởng đến gần 30%. Không chỉ ghi nhận sản lượng vượt kế hoạch đề ra, năm 2022 cũng đánh dấu việc gạo Việt thâm nhập thị trường Trung Đông và Châu Âu bằng chính thương hiệu “Made in Vietnam” của doanh nghiệp Việt với giá cao trên 1.000 USD/tấn.

Các nhà xuất khẩu gạo dự báo rằng, trong năm 2023 xuất khẩu gạo sẽ có nhiều cơ hội đột phá. Cụ thể, theo ông Đỗ Hà Nam, với việc đạt giá cao vào cuối vụ, đặc biệt là cuối năm 2022 sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lợi thế để đàm phán hợp đồng của năm 2023.

Dự kiến năm 2023 giá gạo có nhiều bứt phá.

Ngoài có nền tảng là giá tốt thì ở nhiều thị trường như Philippines, Trung Quốc, Châu Âu hay Bangladesh… cũng đều có nhiều triển vọng. Trong đó, với thị trường Trung Quốc, gần đây nước này thông báo sẽ mở cửa trở lại cũng được cho là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo. Những năm trước đây, Việt Nam xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc từ 2,5- 3 triệu tấn lương thực. Tuy nhiên, những năm gần đây chỉ quanh quẩn ở mức 1 triệu tấn, thậm chí có những năm chúng ta chỉ còn có 500.000 tấn.

Trong khi đó, tại thị trường Bangladesh, vào cuối tháng 11/2022 Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh của nước này đã tới Việt Nam để làm việc trực tiếp với Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II). Tại buổi làm việc này, ông Sadhan Chandra Majumder, Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh khẳng định sản lượng lúa gạo của nước này chưa đủ để cung cấp cho 170 triệu dân và vẫn cần phải nhập khẩu gạo, với những nguồn cung chính là Ấn Độ, Việt Nam và Myanmar. Do đó, Bangladesh đã đồng ý gia hạn MOU về thương mại gạo với Việt Nam thêm 5 năm.

Trước đó VINAFOOD II đã làm đầu mối cung cấp gạo theo MOU (biên bản ghi nhớ) qua các năm cho phía Bangladesh. Trong đó, năm 2011 cung cấp 450.000 tấn; năm 2017 cung cấp 250.000 tấn; năm 2021 cung cấp 52.500 tấn gạo trắng; và năm 2022 cung cấp 230.000 tấn gạo. Với việc tiếp tục đươc gia hạn MOU này sẽ tạo thêm cơ hội để gạo Việt thâm nhập thị trường Bangladesh ổn định trong thời gian tới.

Tại thị trường Philippines - quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, mới đây Chính phủ nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35%. Việc duy trì chính sách giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ là thông tin tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam vì sẽ đảm bảo cho tính ổn định của thị trường. Bên cạnh đó, dự báo của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) Philippines cho biết quốc gia này có thể cần nhập khẩu ít nhất 3 triệu tấn gạo vào năm tới do tình trạng thiếu hụt đang diễn ra khi sản lượng gạo ở mức thấp hơn so với nhu cầu.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top