Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 9 năm 2024 | 15:1

Giải bài toán phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề nói riêng đã trở thành vấn đề báo động bấy lâu. Mặc dù các cấp chính quyền và người dân đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý vấn nạn này nhưng đến nay vẫn khó kiểm soát.

Thách thức từ ô nhiễm môi trường làng nghề

Hiện nay, cả nước có hơn 5.400 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 11 triệu lao động và mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm. 

Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển hoạt động sản xuất tại làng nghề cũng đặt ra nhiều thách thức. Cùng với việc gia tăng phát triển cả về số lượng làng nghề và loại ngành nghề, ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng, nhiều nơi vượt quá tầm kiểm soát của các cấp chính quyền. Sự phát triển "nóng" trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của làng nghề.

Một điểm nóng về ô nhiễm môi trường làng nghề tại huyện Hoài Đức đó là làng nghề sản xuất miến, mạch nha, chăn nuôi và giết mổ gia cầm xã Cát Quế. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Cát Quế không những không giảm, mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Làng nghề là một đặc thù của nông thôn Việt Nam

Ông Trần Văn Long Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho biết, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Cát Quế chủ yếu là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Sau khi sản xuất, các chất thải chưa qua xử lý được người dân xả trực tiếp vào các ao, hồ, hoặc đổ ra mương rãnh công cộng. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xử lý chất thải còn thiếu, chưa đồng bộ...

Không chỉ có huyện Hoài Đức, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng là địa phương có tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề "nóng" trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, bên cạnh các xã làng nghề truyền thống như Hữu Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu… thì Chàng Sơn, với nghề mộc, chạm trổ, làm quạt giấy truyền thống đang cho thấy sự phát triển nhanh về quy mô, nhưng bên cạnh đó là ô nhiễm không khí từ bụi gỗ, hóa chất phun sơn…

Tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà) trung bình có khoảng 170 hộ gia đình thu gom phế liệu. Những hộ này thu rác nhưng lại là nơi xả rác ra môi trường.

Đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất cho biết, xã ghi nhận trung bình có khoảng 170 hộ gia đình làm công việc thu gom phế liệu về để phân loại. Những rác thải, phế liệu nhựa không tái chế được, người dân sẽ phân loại riêng và gom ra bãi trung chuyển, những xưởng nghiền ép trong thôn để phục vụ cho mục đích phân loại những rác thải nhựa. UBND xã cũng phối hợp với công ty môi trường thu gom phế liệu, rác thải; đồng thời giao các tổ tự quản, các hộ tham gia di chuyển rác không tái chế được về nơi thu gom.

Để xây dựng định hướng lâu dài cho công tác bảo vệ môi trường tại huyện Ứng Hòa nói chung và xã Quảng Phú Cầu nói riêng, xã đã xây dựng các phương án giảm thiểu tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường như tuyên truyền về quy định bảo vệ môi trường trong nhân dân, xử phạt nghiêm đối với các hành vi đốt rác, xả thải rác không đúng quy định.

Cùng đó, xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng công an khu vực và các đơn vị doanh nghiệp xử lý rác thải trên địa bàn thực hiện, chấp hành đúng các quy chế, quy định; đề xuất với UBND huyện Ứng Hòa các giải pháp giữ gìn môi trường trong xã.

Xã hội hóa nguồn lực giúp các làng nghề hạn chế ô nhiễm

Mới đây tại buổi tọa đàm về "Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội", nhấn mạnh làng nghề là văn hoá, gắn với mưu sinh của người dân, không thể bỏ được, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, thông qua làng nghề, chúng ta có thể hiểu được phần nào về truyền thống, văn hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, phát triển làng nghề như thế nào để gắn với bảo vệ môi trường là bài toán cần phải giải quyết. Trong đó, cần có giải pháp, khu trú lại, quy hoạch, tập trung rác thải, phế liệu lại để xử lý; đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân để tự bảo vệ mình.

Hiện nay, cơ chế chính sách phát triển làng nghề gắn với bảo môi trường là chưa đủ. Bên cạnh đó, nguồn lực của Nhà nước dành cho vấn đề này chưa bảo đảm. Do đó, cần phải xã hội hóa nguồn lực giúp các làng nghề hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý để hài hoà lợi ích, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó, phải có các đầu tư nguồn lực, có các giải pháp công nghệ để thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề nhằm hạn chế ô nhiễm.

Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, vai trò của người dân, các chủ thể hết sức quan trọng trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường. Về vấn đề môi trường trong các làng nghề, đối với các hộ, nếu mà đưa họ vào trong cụm công nghiệp làng nghề, chưa chắc họ muốn đi, vậy làm sao quản lý?

Đối với các làng nghề, một trong những vấn đề quan trọng là phải chuyên môn hóa, những phần nào liên quan đến môi trường phải tập trung xử lý từ khâu quy hoạch. Ngoài ra, phải có vai trò cơ chế chính sách, trợ giúp như thế nào, khi cơ chế chính sách của nhà nước đưa vào sẽ tạo cú huých. Và khi người dân thấy có các mô hình điển hình, họ sẽ theo, không cần ép buộc.

Chú trọng công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm

Không thể phủ nhận rằng chính các làng nghề này đã đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của khu vực ngoại thành, nâng cao đời sống cho người dân tham gia làm nghề truyền thống.

Tuy vậy, hệ lụy với môi trường từ các làng nghề từ lâu nay vẫn là điều đáng quan tâm. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, việc cốt lõi là chúng ta cần tác động đến nguyên nhân trực tiếp là xử lý rác thải tại nguồn, hạn chế đến mức tối đa 2 hành động là đốt rác và xả thẳng nước, rác ra môi trường. Nước thải của làng nghề tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nhiều hơn nước thải sinh hoạt, do vậy cần có đo lường và từ đó xử lý triệt để. Bởi lẽ, đặc thù sản xuất tại các làng nghề chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ô nhiễm.

Do vậy, cần có chế tài buộc các làng nghề ngoài việc đầu tư phát triển sản xuất cần dành tài chính cho việc bảo vệ môi trường. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các hội làng nghề truyền thống vào bảo vệ môi trường. Kết hợp trách nhiệm của các hội với cơ quan hành chính quận, huyện và tổ chức các chương trình phối hợp cùng những tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Qua đó gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường vào hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất tại làng nghề.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh triển khai các Đề án nghiên cứu, dự án hoạt động tạo ra các sản phẩm cụ thể của làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Gắn tiêu chí bảo vệ môi trường vào thương hiệu làng nghề. Triển khai nguồn vốn xã hội cho phát triển ngành hàng sản xuất truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu đưa các quy trình bảo vệ môi trường vào từng công đoạn cụ thể của sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ. Cần tăng cường áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại cho các làng nghề để giảm thiểu ô nhiễm. Phát triển các chuỗi cung ứng gắn với tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm. Giảm việc sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, để các cơ sở này tham gia vào chuỗi cung ứng.

Vận động người dân ở các làng nghề đẩy mạnh thu gom, xử lý chất thải, giữ gìn vệ sinh ở nơi sản xuất. Quy hoạch, xây dựng khu xử lý chất thải của các làng nghề. Nâng cấp các cụm công nghiệp làng nghề để giải quyết hiệu quả ô nhiễm môi trường. Xây dựng quy trình và thẩm định kỹ thuật của chuỗi cung ứng để việc xử lý ô nhiễm môi trường tốt hơn, nhờ vào đó chúng ta có thể xây dựng hệ thống quy chuẩn bảo vệ môi trường tại các làng nghề.

Đẩy mạnh phối hợp với Chương trình xây dựng Nông thôn mới trong tuyên truyền, vận động người dân, hộ gia đình góp sức bảo vệ môi trường. Cùng với đời sống tăng cao, hộ làm nghề cần đáp ứng đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, nếu đã gây ô nhiễm thì phải xử lý ngay thì mới công nhận để tiếp tục được sản xuất. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm về môi trường, xử phạt nghiêm để làm gương.

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng chung của các cụm làng nghề và ở mỗi làng nghề về bảo vệ môi trường. Thường xuyên nghiên cứu để hoàn thiện hạ tầng môi trường của các làng nghề; đánh giá mức độ ô nhiễm của mỗi làng nghề, cụm làng nghề và hướng giải quyết. Cùng với đó là tiếp tục công tác quy hoạch cụm làng nghề, di dời các cơ sở sản xuất trong các làng nghề vào cụm công nghiệp làng nghề theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VOV, kinhtedothi, baochinhphu...)
Ý kiến bạn đọc
Top