Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 11 năm 2023 | 8:0

Giải thưởng Lương Định Của cho chàng trai khởi nghiệp với tranh lá bồ đề

Hội đồng xét chọn Giải thưởng Lương Định Của 2023 vừa lựa chọn 43 gương “nhà nông trẻ” xuất sắc, có thành tích nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp, sản xuất.

Trong số đó có anh Đặng Duy Khánh, Chủ cơ sở kinh doanh Đặng Duy Khánh ở Sóc Trăng.

Bén duyên với… lá bồ đề

Trò chuyện cùng tôi, anh Đặng Duy Khánh (25 tuổi) cho biết: Tôi sinh ra trong gia đình nông dân ở xã Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Năm 2020,  tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý xã hội (Học viện Báo chí tuyên truyền) nhưng  lại bén duyên với nghề làm tranh nghệ thuật từ lá bồ đề với số tiền làm vốn chưa tới 10 triệu đồng.

Anh Khánh nhận giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 2021.

Theo chia sẻ của Duy Khánh, anh vốn xuất thân trong gia đình Phật tử, thường xuyên theo cha mẹ viếng chùa. Đến khi học Đại học, Khánh được gia đình gửi vào chùa tá túc để tiện việc học hành.

Trong những lần đến chùa, Khánh thấy trong khuôn viên chùa có trồng nhiều cây bồ đề. Trong một lần tình cờ, khi thấy những chiếc lá rụng, anh nhặt chiếc lá đã phân hủy hết phần thịt lá (chất diệp lục), chỉ còn lại phần xương lá (gân lá), ép vào tập làm kỷ niệm vì thấy lạ, đẹp mắt. Cũng từ đó, anh nảy ý tưởng làm tranh từ lá bồ đề.

Duy Khánh kể: Bồ đề là loại cây thay lá rất nhiều lần trong năm nên nguồn nguyên liệu để làm tranh không bao giờ thiếu. Năm 2020, tôi bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình, và thành công sau một thời gian thử nghiệm khi cho ra đời nhiều sản phẩm tranh, móc khóa đa dạng, đẹp mắt.

Từ những chiếc lá bồ đề bình thường, sau khi qua các công đoạn xử lý, Duy Khánh đã cho ra đời những bức tranh sinh động và tinh xảo mang đậm nét Phật giáo như hình hoa sen, cây bồ đề, con bướm, bánh xe luân hồi...

“Để có tác phẩm nghệ thuật từ lá bồ đề, phải tốn thời gian khoảng 2 tháng để tạo ra những xương lá ưng ý nhất, xử lý thành nhiều màu cho phù hợp với từng loại tranh và tạo ra nét riêng biệt cho tranh của mình. Đồng thời, còn biết kết hợp với hạt cườm, nhựa dẻo, lụa đỏ, kỹ thuật in lụa… để tạo ra nhiều loại tranh nghệ thuật theo ý muốn”, Duy Khánh cho biết thêm.

Nói về việc làm tranh từ lá bồ đề, Duy Khánh chia sẻ: “Cây bồ đề là một trong những biểu tượng của Phật giáo. Bên cạnh giá trị tâm linh, lá cây còn đẹp và bền. Nên tôi nghĩ lấy lá bồ đề để làm tranh về chủ để Phật giáo, để các Phật tử khi đến Sóc Trăng có được một món quà lưu niệm”.

Thất bại để thành công

Muốn có được những bức tranh sinh động, tinh xảo như ngày nay, Đặng Duy Khánh cũng đã trải qua không ít lần thất bại, nhất là trong công đoạn chọn và sơ chế lá. Khánh phải mày mò nghiên cứu suốt nhiều tháng mới cho ra được những chiếc lá thành phẩm vừa ý nhất.

Khâu đầu tiên là chọn lá. Phải chọn những chiếc lá già vì loại này xương lá cứng khó gãy, độ bền lâu, chứ lá non quá sau khi tách diệp lục thì dễ rách. Sau khi có lá, ngâm lá vào trong nước cộng với vôi trắng để xử lý mùi hôi. Khi thấy chất diệp lục của lá mềm thì dùng bàn chải chải nhẹ nhàng cho hết phần chất diệp lục, rồi đem phần xương lá phơi nắng cho khô, sau đó mới làm tranh. Tất cả mọi công đoạn phải làm trong 2 tháng mới xong.

Những chiếc lá bồ đề khi đạt yêu cầu sẽ được Khánh ghép lại thành những bức tranh về chủ đề Phật giáo như: Phật ngồi dưới gốc bồ đề, hoa sen, cây bồ đề, bướm, bánh xe luân hồi... Tùy kích thước, chủ đề một bức tranh, Khánh mất vài ngày đến vài tuần để hoàn thành cũng như sử dụng số lượng lá cho phù hợp.

Tranh hoa bồ đề.

Thông thường thì từ vài chục đến hàng trăm lá để đính và lồng ghép với nhau. Với tranh cây bồ đề thì có sử dụng thêm chất liệu vỏ cây khô để đính ghép làm thân cây, phần lá sẽ sử dụng xương lá bồ đề trắng để làm. Còn tranh hình Phật và thư pháp thì sử dụng lụa để quét hình lên khuôn.

Theo Duy Khánh, bình thường xương lá có màu tự nhiên nhưng xử lý thành màu vàng, trắng cho phù hợp với từng loại tranh và tạo ra nét riêng biệt. Đồng thời, Khánh còn kết hợp với hạt cườm, nhựa dẻo, lụa đỏ, kỹ thuật in lụa… để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị.

Tranh cội bồ đề.

Từ năm 2020 đến nay, Đặng Duy Khánh đã thực hiện được rất nhiều bức tranh từ lá bồ đề và móc khóa in hình Phật Thích Ca Mâu Ni, chữ thư pháp từ lá bồ đề. Mỗi bức tranh nghệ thuật có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy kích thước, chủ đề và số lượng lá. Hiện nay, trung bình mỗi tháng Duy Khánh có thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ công việc này. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho hơn chục chị em phụ nữ ở nông thôn với thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày từ gia công, sơ chế lá rồi cắt, ép nhựa và gắn dây lụa tăng tính thẩm mỹ.

Hiện nay, Duy Khánh liên kết với một vài điểm du lịch, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Sóc Trăng để bỏ mối móc khóa lá bồ đề. Những sản phẩm của Khánh đã được công nhận OCOP 3 sao trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Sóc Trăng.

Tại Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc và Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2023 lần thứ XVIII vừa được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, Đặng Duy Khánh vinh dự được trao Giải thưởng Lương Định Của.

 

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
Top