Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 1 năm 2024 | 15:16

Gỡ khó cho hợp tác công - tư trong xây dựng công trình phòng, chống sạt lở ven biển ở Cà Mau

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc xã hội hóa trong thực hiện công tác phòng, chống sạt lở đã trở thành câu chuyện của quốc gia, chứ không chỉ riêng của tỉnh Cà Mau. Nếu triển khai được nhiều mô hình xã hội hóa, Nhà nước không cần bỏ tiền để thực hiện phòng, chống sạt lở, không mất đất, còn được thêm đất.

Cách làm hay

Cà Mau có đường bờ biển dài 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước; là tỉnh chịu tác động của cả 2 chế độ thủy triều (nhật triều phía biển Tây và bán nhật triều không đều phía biển Đông). Một trong những thách thức mà Cà Mau đang phải đối mặt là tình trạng xói lở bờ biển đang có xu thế ngày một gia tăng, cả về mức độ và phạm vi đã và đang là mối đe dọa lớn tới ổn định dân sinh, kinh tế, xã hội của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (bên phải) khảo sát mô hình hợp tác công tư trong xây dựng công trình phòng, chống sạt lở ven biển tại Khu du lịch Khai Long.

Qua quan trắc sạt lở ở bờ biển Tây, bình quân từ 20 đến trên dưới 25m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm; ở biển Đông bình quân từ 45 đến trên dưới 50m/năm; mỗi năm tỉnh Cà Mau bị mất khoảng 400ha đất do xói lở bờ biển.

Hơn 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụp lún đất, cộng với các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ biển của Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh bị sạt lở khoảng 187/254 km; theo số liệu thống kê ngành Lâm nghiệp, giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha. Do quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên nên đường bờ biển bị dịch vào phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá hủy. Việc xây dựng các công trình bảo vệ sẽ rất tốn kém, rất khó khôi phục lại diện tích đất và cây rừng đã mất.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, có nhiều nhà đầu tư đề xuất xã hội hóa việc đầu tư công trình chống sạt lở bờ biển theo hướng sau khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình kè phá sóng phía ngoài bờ biển, cho phép doanh nghiệp sử dụng một phần diện tích đất bên trong kè (trước đó đã bị sạt lở) hoặc hoán đổi với diện tích đất ở vị trí khác để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội như: Dự án năng lượng tái tạo ven biển; dự án cảng cá, bến cá, dịch vụ hạ tầng nghề cá tại các cửa biển; dự án sắp xếp dân cư ven biển, ven sông; dự án phát triển dịch vụ du lịch...

Nhằm huy động thêm nguồn lực khắc phục tình trạng sạt lở, ngày 6/7/2015, UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) thực hiện kè trong phạm vi bờ biển của diện tích đất công ty quản lý; đồng ý chủ trương cho Công ty Công Lý thuê 211 ha đất mặt nước ven biển tại đoạn bờ biển nói trên để thực hiện dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở Khu du lịch Khai Long (khu đất thuộc bãi bồi ven biển, không có thu hồi đất mà cho Chủ đầu tư thuê đất theo mục đích sử dụng đất của dự án).

Trên cơ sở đó, Công ty Công Lý đã triển khai xây dựng bờ kè với chiều dài 4.000 m, vốn đầu tư khoảng 72 tỷ đồng, đã hoàn thành vào năm 2021. Phạm vi được bảo vệ bên trong kè có chiều rộng khoảng 89 m tính từ đất liền đến chân kè. Sau khi xây dựng kè, đoạn bờ biển này không bị sạt lở thêm. Trong khi đó, hai bên khu vực liền kề đoạn kè này hiện nay đang bị sạt lở rất nhanh, cây rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng.

Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành gần 63km kè bảo vệ bờ biển. (Ảnh: Trọng Nghĩa).

Ông Trịnh Thanh Sang, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết, dự án kè chống sạt lở Khu du lịch Khai Long vừa bảo vệ được diện tích các dự án du lịch mà công ty đã đầu tư, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh, qua đó đóng góp cho phát triển du lịch của tỉnh; vừa góp phần cùng với Nhà nước ứng phó với tình trạng sạt lở bờ biển do tác động của biến đổi khí hậu.

Đánh giá về dự án này, Thứ trưởng Nông nghiệp và PNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, câu chuyện xã hội hóa làm kè biển ở Khai Long là cách làm hay, sáng tạo, gợi mở vấn đề lớn không chỉ cho Cà Mau mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nhằm tìm đường ra cho câu chuyện bảo đảm giữ đất, giữ rừng, lấn biển, để đất đai Tổ quốc không bị mất thêm đồng thời giảm gánh nặng từ ngân sách Nhà nước.

Kịp thời gỡ khó

Tỉnh Cà Mau và Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 33 km kè, với kinh phí 1.178 tỷ đồng (bờ biển Tây 23,53 km, bờ biển Đông 9,1 km). Tuy nhiên, hiện nay, tổng chiều dài bờ biển của Cà Mau tiếp tục bị sạt lở khoảng 91 km, với các mức độ khác nhau; có nhiều đoạn bờ biển đang bị sạt lở rất nhanh, rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

à Mau còn hơn 93 km bờ biển đang trong tình trạng sạt lở cần được đầu tư, trong ảnh khu vực sạt lở ở cửa biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân.

Trong Quyết định số 1527/QĐ-UBND ban bố tình huống khẩn cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai thi công bảo vệ đối với 6 đoạn bờ biển, với nhu cầu vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trung ương mới cân đối hỗ trợ được 500 tỷ đồng. Rõ ràng, nếu chỉ dựa vào ngân sách thì nguồn vốn không thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư phòng, chống sạt lở bờ biển; chưa kể đến nhu cầu vốn đầu tư phòng, chống xói lở bờ sông, nhu cầu vốn đầu tư công trình di dời, bố trí tái định canh, định cư cho người dân sinh sống vùng thiên tai cũng rất lớn. Do đó, việc thực hiện hình thức hợp tác công tư trong đầu tư công trình phòng, chống sạt lở bờ biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết và cấp bách.

Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy hình thức hợp tác công tư trong đầu tư công trình phòng, chống sạt lở bờ biển đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư…, cần sớm được tháo gỡ.

Về khó khăn ông Trịnh Thanh Sang nêu, toàn bộ diện tích ven biển tỉnh Cà Mau được quy hoạch là đất rừng phòng hộ, trong khi đó chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia không cho phép giảm diện tích rừng phòng hộ. Hay theo quy định Luật Lâm nghiệp, rất khó chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với diện tích có rừng nên trong nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh quy hoạch cũng không bố trí được diện tích.

Hiện nay, quy định của các Luật có liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ biển còn nhiều bất cập, chồng chéo; việc sửa đổi các quy định của pháp luật cần có thời gian; trong khi đó tình hình sạt lở bờ biển diễn biến ngày càng nhanh và phức tạp.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị, cho phép tỉnh thí điểm thực hiện các công trình theo theo cơ chế đặc thù. Cụ thể như cho phép giao, cho thuê một phần diện tích đất rừng phòng hộ được bảo vệ sau kè đối với khu đất đã bị sạt lở để xây dựng công trình, dự án phát triển kinh tế; cho phép thực hiện giao đất ở vị trí khác để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT khi nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án kè bảo vệ bờ biển; cho phép điều chỉnh kịp thời quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng ven biển cho phù hợp với thực trạng diễn biến sạt lở (không chờ 5 năm theo quy định).

Một khu vực sạt lở ở cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, (Ảnh: Trọng Nghĩa).

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, nếu xét về các mô hình phòng, chống sạt lở thì ở tỉnh Cà Mau là nhiều nhất cả nước. Trong đó, có mô hình hợp tác công tư trong xây dựng công trình phòng, chống sạt lở ven biển. Từ mô hình này cho thấy, việc xã hội hóa trong thực hiện công tác phòng, chống sạt lở đã trở thành câu chuyện của quốc gia, chứ không chỉ riêng của tỉnh Cà Mau. Nếu triển khai được nhiều mô hình xã hội hóa như vậy thì Nhà nước không cần bỏ tiền để thực hiện phòng, chống sạt lở, không mất đất, còn được thêm đất.

 Do đó, trước mắt tỉnh báo cáo Thủ tướng về đầu tư công và mô hình xã hội hóa trong huy động nguồn lực đầu tư kè chống sạt lở. Có những vấn đề lớn mà tỉnh cần quan tâm, đó là xã hội hoá các nguồn lực trong chống sạt lở bờ sông, bờ biển phải có yếu tố thiên tai và Nhà nước phải chủ động hơn trong mục tiêu của dự án. Trong đó, nêu rõ những đề xuất, kiến nghị lớn không chỉ áp dụng riêng cho tỉnh Cà Mau, mà có thể áp dụng chung cho cả nước, nhất là những vấn đề liên quan đến đặc điểm tình hình, cơ chế thực hiện, sự chủ động của Nhà nước nhằm quyết định sự thành công của mô hình, dự án.

Ngoài ra, cần đề xuất một số vấn đề lớn liên quan đến kiểm đếm chính xác về đất rừng, chính sách liên quan đến cho thuê dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ carbon và chính sách về lấn biển, để Chính phủ và Quốc hội xem xét. Bộ sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh để báo cáo Thủ tướng tìm cách tính cho các dự án xã hội hoá trong phòng, chống sạt lở. Riêng đối với đề án phòng chống sạt lở, cần tập trung đề xuất giải pháp kỹ thuật từ công trình cho đến phi công trình và các nguồn kinh phí để thực hiện, Thứ trưởng Hiệp đề nghị.

Tổng hợp từ Camau.gov.vn; baophapluat; nhandan; baocamau.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top