Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 5 năm 2023 | 9:24

Hà Nam phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề nông thôn

Ngoài việc duy trì, giữ vững các làng nghề, làng nghề truyền thống, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, Hà Nam còn chú trọng phát triển đa dạng các nhóm ngành nghề nông thôn như chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ;

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều kế hoạch  về bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025;  về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; về thực hiện tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Từ các kế hoạch đó, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã đặc biệt chú trọng công tác phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn theo các văn bản của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện một số nội dung của quy định về công nhận và quản lý nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Hà Nam…

Cơ sở nuôi nấm đông trùng hạ thảo Minh Đức tại xã Công Lý(Lý Nhân)

Theo đó, ngoài việc duy trì, giữ vững các làng nghề, làng nghề truyền thống, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, Hà Nam còn chú trọng phát triển đa dạng các nhóm ngành nghề nông thôn như chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; mộc; mây giang đan; xây dựng; may công nghiệp… Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề về việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam, cho biết, Hà Nam có khoảng 13.026 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn (gồm 12.593 hộ gia đình, 180 doanh nghiệp và 253 hợp tác xã). Trong đó, riêng tại 58/65 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có trên 7.700 cơ sở. Tính riêng trong năm 2022, doanh thu từ các cơ sở ngành nghề nông thôn trong tỉnh ước đạt trên 3.478 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 25.400 lao động (trong đó doanh thu tại các cơ sở trong làng nghề ước đạt trên 2.000 tỷ đồng).

Cơ sở cá kho làng Vũ Đại Toản Hương tại xóm 11 xã Hòa Hậu (Lý Nhân)

Ông Thuyên còn cho biết thêm để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, Sở thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, tuyên truyền về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội của các địa phương trong tỉnh tổ chức khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với số lượng lao động đăng kí tham gia đào tạo nghề hơn 5.000 lao động với các nghề chủ yếu là trồng cây ăn quả, trồng lúa năng suất cao, trồng rau an toàn, sử dụng thuốc thú y, chẩn đoán bệnh động vật thủy sản, nuôi và phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…

Xác định hoạt động ngành nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam sẽ tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Cùng với đó, rà soát, đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn; đôn đốc các địa phương tiếp tục xây dựng và triển khai phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm đến hết năm 2024, các làng nghề trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề,…

 

Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top