Hiện nay, Hà Nội vẫn có mưa to, mực nước tại các con sông chảy qua Thủ đô vẫn tiếp tục dâng cao, đe doạ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nhiều địa phương đã tổ chức di dời nhân dân ở những nơi bị ngập nặng, đến nơi an toàn.
Các địa phương di dời dân đến nơi an toàn
Tại Thạch Thất: Đến 6h sáng nay 11/9, mực nước sông Tích lên cao, vượt mức báo động III, ảnh hưởng đến 230 hộ dân và 943 nhân khẩu.
Trong đó, xã Cần Kiệm bị ngập 90 hộ với 388 nhân khẩu. Xã Lại Thượng bị ngập 25 hộ với 96 nhân khẩu. Xã Kim Quan có 13 hộ với 51 nhân khẩu trong đó, 4 hộ với 9 nhân khẩu bị ngập vào nhà, đã di dời đến nơi an toàn, 9 hộ với 42 nhân khẩu ngập đến sân, vườn và công trình phụ.
Giúp đỡ di dời nhân dân ra khỏi vùng ngập lụt
Xã Phú Kim bị ngập 75 hộ với 308 nhân khẩu, trong đó có 5 hộ với 19 nhân khẩu bị ngập vào nhà (đã di dời), 15 hộ với 58 nhân khẩu nước ngập vào nền nhà; 55 hộ với 231 nhân khẩu bị ngập đến sân, vườn và công trình phụ...
Để hạn chế thiệt hại, các địa phương huy động lực lượng xung kích, nhân dân tổ chức đắp bao tải đất chống tràn ở các đoạn đê. Xã Hạ Bằng huy động lực lượng xử lý sự cố thủng 2 cống qua đường H14 ở đầu thôn Khoang Mè.
Tính đến 7h ngày 11/9, toàn huyện Thanh Trì có 11 điểm ngập úng tại các khu dân cư thuộc các xã: Ngọc Hồi, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Liên Ninh, Tân Triều.
Tại một số khu vực (đường dọc sông Hòa Bình; đường 1A khu vực kho 6; đường 25m - Triều Khúc - Tân Triều; đường Vũ Lăng khu vực Công ty Vinafco…) xảy ra tình trạng ngập cục bộ.
Các lực lượng chức năng và nhân dân xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) đắp những đoạn đê xung yếu tối 10/9. Ảnh: Nguyễn Hương
Do mực nước sông Hồng dâng cao, Công ty Điện lực Thanh Trì đã chủ động cắt điện toàn bộ 3 xã vùng bãi (Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc) để bảo đảm an toàn, sau khi nước rút sẽ cấp điện ngay trở lại. Xí nghiệp thoát nước số 7 vận hành hết công suất 5/5 tổ máy tại trạm bơm Cầu Bươu. Xí nghiệp Thủy lợi Thanh Trì đã vận hành 4 trạm bơm tiêu với với 27 máy bơm.
Toàn huyện đã di chuyển 32 hộ dân (tại các vùng bị úng ngập cục bộ tại các xã: Duyên Hà, Liên Ninh) với 71 người đến nơi ở an toàn.
Địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 836 hộ ngoài đê sông Hồng có nguy cơ ảnh hưởng của lũ; 724 hộ ven sông Nhuệ, sông Pheo có nguy cơ ảnh hưởng của lũ tại các phường: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đức Thắng, Phú Diễn, Phúc Diễn, Minh Khai, Tây Tựu, Thụy Phương.
Trong ngày và đêm 10/9, cán bộ quận Bắc Từ Liêm đã trực tiếp đến nhà từng hộ dân ngoài đê sông Hồng, vận động sơ tán đến nơi an toàn. Tính đến 1h30 ngày 11/9, 100% hộ dân ngoài đê sông Hồng của 4 phường Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát đã di dời. Trước đó, UBND các phường, các lực lượng ứng trực đã bố trí chu đáo nơi ăn ở, sinh hoạt tạm thời cho người dân.
Chủ tịch UBND quận quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên yêu cầu các phường tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động Nhân dân thuộc các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của lũ khẩn trương thực hiện di dời đến nơi an toàn theo quy định.
Các lực lượng ứng trực và giúp đỡ nhân dân
Đêm qua và rạng sáng 11/9, tại những điểm đang úng ngập như đường Phan Trọng Tuệ, khu vực bến xe Yên Nghĩa, ngoài bãi sông Hồng… các lực lượng công an cơ sở vẫn ứng trực bảo đảm đưa người dân qua các khu vực trên an toàn. Ở những điểm cấm lưu thông như đường gom Đại lộ Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Trung Hà…, lực lượng Công an đặt hàng rào, hướng dẫn người và phương tiện không đi vào khu vực nguy hiểm.
Trao hỗ trợ tới người dân. Ảnh: Chu Dũng
Vào tối 10/9, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (Công an thành phố Hà Nội) đã tổ chức tặng áo phao, nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con tại bến phà Đức Giang, huyện Gia Lâm.
Đồng thời Công an các xã, phường ven các con sông, trên các tuyến đê ở huyện Gia Lâm đã ứng trực, sẵn sàng phương án sơ tán người dân trong điều kiện nước lên nhanh trong đêm.
Vào tối 10/9, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã hạ thủy thêm 1 chiếc cano tuần tra chuyên dụng, đưa vào ứng trực chiến đấu tổng số 3 cano.
Trước đó, trong ngày 10/9, trực ban Công an quận Tây Hồ tiếp nhận tin báo có 2 người đang mắc kẹt tại bãi giữa sông Hồng. Ngay sau khi nhận tin, tổ công tác của Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ cùng cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an phường Phú Thượng và Nhật Tân đã đến khu vực bãi giữa tìm kiếm.
7 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải thực hiện ngay
Trước đó ngày 9/9, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp, nghe Ban Cán sự đảng UBND Thành phố báo cáo về việc ứng phó và các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố chủ trì hội nghị.
Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội họp đề ra các nhiệm vụ cấp bách
Ban Thường vụ Thành ủy tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm sau:
Kịp thời triển khai vận hành các trạm bơm tiêu phòng, chống úng, ngập trên địa bàn thành phố, bảo đảm đủ điện; huy động các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quân đội, công an, hội viên, đoàn viên và huy động sự vào cuộc của người dân để buộc dựng, cứu lúa đối với diện tích lúa bị đổ, cây xanh, rau màu các loại, các khu chăn nuôi tập trung; các dự án trồng rau tập trung; sử dụng công nghệ sinh học; xây dựng và triển khai phương án phục hồi sản xuất, nhất là sản xuất vụ đông để bù đắp cho những diện tích, rau màu vụ mùa bị thiệt hại. Vận động, hỗ trợ người nông dân chuẩn bị cây, con giống... để sẵn sàng gieo trồng ngay khi có thể, đảm bảo phục hồi sớm nhất hoạt động sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân.
Khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại, khắc phục sự cố, các điểm sạt lở, ách tắc, hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão và khẩn trương giải tỏa cây cối bị đổ, gãy cành còn sót lại tại các tuyến phố, các trục đường trên toàn địa bàn, dọn dẹp, vệ sinh môi trường để đảm bảo hoạt động giao thông và sinh hoạt cho người dân; đồng thời có giải pháp cứu, khôi phục các cây lâu năm, hạn chế thấp nhất việc để các cây cổ thụ bị chết. Tập trung chăm sóc cây xanh, có biện pháp quản lý cây xanh bị đổ để có phương án xử lý theo quy định của pháp luật. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo, nghiên cứu có phương án trồng mới, thay thế những cây không khắc phục được, cần thiết lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học... để lựa chọn những loại cây có sức chịu đựng mưa bão tốt hơn, phù hợp với đô thị.
Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, không được để vỡ đê, hồ đập, cầu, cống, các công trình trọng điểm, cơ sở y tế, trường học, khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công dở dang, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, sản xuất nông nghiệp trên các bãi sông... Bố trí lực lượng ứng trực 24/24h; chuẩn bị vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo thực chất, an toàn, hiệu quả. Huy động lực lượng khơi thông, tua vớt rác, bơm hút nước giải toả các điểm úng ngập cục bộ.
Theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch chủ động, thậm chí khi cần cưỡng chế sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, xung yếu, nhất là các khu chung cư cũ nguy hiểm, nhà yếu, nơi ở có nguy cơ đổ sập, khu vực ven sông, suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn sau hoàn lưu bão số 3 không để ai bị mất an toàn, đảm bảo bố trí đủ về chỗ ăn, ở, nước sạch, môi trường và điều kiện thiết yếu cho người dân trong thời gian sơ tán. Khẩn trương gia cố, sửa chữa các công trình, nhà cửa, các chung cư cũ, nhà yếu... để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho người dân.
Tổ chức rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống các cầu bắc qua sông trên địa bàn thành phố để đánh giá, phân loại mức độ an toàn của từng cầu, nhất là các cầu bắc qua sông Hồng. Trước mắt triển khai ngay việc gia cố, sửa chữa các cầu yếu, có phương án giảm tải phương tiện lưu thông qua cầu, trường hợp cầu không đảm bảo an toàn thì dừng ngay việc lưu thông qua cầu và có phương án phân luồng giao thông phù hợp. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng chương trình tổng thể cải tạo, nâng cấp, xây dựng thay thế các cầu yếu trong giai đoạn 2024-2025 và các năm tiếp theo, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Kịp thời có chính sách và tổ chức hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản của nhân dân Thủ đô, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách. Thống nhất với đề xuất của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố về việc hỗ trợ nhân dân các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng do cơn bão số 3 gây ra với mức từ 3 tỷ đến 5 tỷ đồng cho mỗi tỉnh, thành phố từ nguồn Quỹ Cứu trợ thành phố Hà Nội; đồng thời phát động ủng hộ cho việc khắc phục sự cố thiên tai. Giao Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, nước sạch... để sẵn sàng cung cấp cho người dân khi bị cô lập. Duy trì và đảm bảo cung cấp điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, vật liệu xây dựng trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình thiên tai đề "găm hàng, tăng giá" trên địa bàn thành phố.
Chủ động chuẩn bị đủ nguồn lực để khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lớn gây ra.
“Yêu cầu các đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả triển khai công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra và công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thụ động trong mọi tình huống”, thông báo về kết luận chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ.