TP. Hà Nội yêu cầu hoàn thành Đề án quản lý vỉa hè, lòng đường trong năm 2023 với yêu cầu hài hòa phát triển kinh tế đô thị, gắn với đảm bảo quyền lợi sinh kế của nhân dân.
UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản về việc Thực hiện Thông báo số 16 Kết luận hội nghị lần thứ bảy Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở Quy hoạch - kiến trúc, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu, xây dựng đề án về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường, trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu, xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố; đảm bảo bài bản, toàn diện, chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa giữa an ninh trật tự và phát triển kinh tế đô thị, gắn với đảm bảo quyền lợi sinh kế của người dân.
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tham mưu, trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn vào tháng 6; hoàn thành đề án vào quý IV.
Hà Nội lập đề án quản lý vỉa hè đảm bảo quyền lợi sinh kế của người dân
Tháng 2 vừa qua, Ban Chỉ đạo 197 của TP.Hà Nội tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị, với một quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, sau một thời gian các lực lượng chức năng tiến hành vận động, tuyên truyền, kiểm tra và xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, tập kết trông giữ xe ô tô, xe máy trái quy định, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát.
Tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch”.
Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là phải lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố. Trong đó có tính tới đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả phương án cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp.
Những vỉa hè rộng nếu được cho thuê sẽ bảo đảm cho kinh tế đô thị phát triển
Ngay sau khi có thông tin TP.Hà Nội lập Đề án quản lý vỉa hè trên địa bàn của Thủ đô, nhiều người dân cũng như hộ kinh doanh có sử dụng hè đường đều có ý kiến đồng tình, mong muốn thành phố sớm ban hành quy định này để họ có điều kiện kinh doanh và đóng thuế cho Nhà nước, vừa bảo đảm công bằng cho xã hội vừa đảm bảo quyền lợi cho các hộ kinh doanh.
Ông Nguyễn Mạnh Khôi, chủ cửa hàng kinh doanh Mỳ vằn thắn trên phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) chia sẻ, hộ kinh doanh ăn uống như chúng tôi rất mong muốn được sử dụng phần vỉa hè phía trước cửa hàng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
“Nếu thành phố có quy định cụ thể, rõ ràng về việc quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường, cho chúng tôi được thuê lại một phần vỉa hè có chiều rộng vẫn đủ cho người đi bộ tham gia giao thông, vừa tạo điều kiện để các hộ kinh doanh làm ăn, buôn bán, vừa tạo nguồn thu cho Nhà nước. Như vậy là bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người kinh doanh và xã hội”, ông Khôi nói.
Chị Nguyễn Thị Nhâm, một tiểu thương kinh doanh trái cây, rau sạch trên phố Trung Kính chia sẻ: Gia đình 5 người lớn nhỏ đều trông vào cửa hàng này. Hàng hóa chúng tôi nhập bà con nông dân ngoại thành và các tỉnh lân cận. Thừa nhận là cửa hàng khá nhỏ, gia đình có bày bán hoa quả ra vỉa hè, nhưng vẫn đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Từ khi thành phố ra quân xử lý nghiêm tình trạng bán hàng trên vỉa hè, cuộc sống của gia đình ít nhiều bị ảnh hưởng.
“Khi được nghe thông tin thành phố có chủ trương cho thuê một phần vỉa hè làm nơi kinh doanh, gia đình và những hộ kinh doanh khác đều mong ngóng quyết định này sớm được triển khai để bà con yên tâm buôn bán, mưu sinh”, chị Nhâm chia sẻ.
Để thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố cần đôn vị các đơn vị trên hoàn thành dự thảo theo lộ trình đề ra, để sớm trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án về công tác quản lý, sử dụng hè phố lòng đường, vừa đảm bảo được đường thông hè thoáng, vừa đảm bảo được sự phát triển của Thủ đô, đồng thời cũng đảm bảo được cuộc sống của nhân dân.