Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 10 năm 2022 | 16:56

Hà Nội tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh

Trên 500 chợ dân sinh lớn nhỏ, trong đó có 5 chợ đầu mối và có tính chất chợ đầu mối trên địa bàn của Thủ đô Hà Nội, cung cấp hàng hóa thực phẩm chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là mối quan tâm lớn của cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

Nông sản chợ đầu mối vẫn chủ yếu từ Trung Quốc

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có tổng số 455 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 57 chợ hạng 2, 352 chợ hạng 3, 6 chợ đang hoàn thiện hồ sơ phân hạng và 25 chợ không phân hạng do thuộc diện di dời, giải tỏa, đất quy hoạch…

Toàn TP có 2 chợ đầu mối là Minh Khai và phía Nam, cùng 3 chợ có tính chất đầu mối gồm: chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ.

Hầu hết thực phẩm tại các chợ đầu mối đều có xuất xứ từ Trung Quốc

5 chợ đầu mối và có tính chất chợ đầu mối là những địa điểm tiêu thụ khối lượng thực phẩm lớn nhất. Đơn cử như tại chợ đầu mối phía Nam, trung bình mỗi ngày có từ 315 - 540 tấn hàng hóa luân chuyển. Con số này tại chợ đầu mối Minh Khai vào khoảng 180 - 200 tấn/ngày…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, nguồn hàng thực phẩm cung ứng cho các chợ trên địa bàn Hà Nội rất đa dạng về chủng loại. Phần lớn được nhập từ các tỉnh, TP trên cả nước hoặc có nguồn gốc từ các trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất - kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến của Hà Nội.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, năng lực sản xuất của ngành mới chỉ đáp ứng khoảng 60% tổng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến cho gần 11 triệu người dân Thủ đô.

Số liệu thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm, các chợ trên địa bàn TP tiêu thụ khoảng 623.000 tấn gạo, 98.000 tấn thịt lợn, 30.000 tấn thịt gà, 630 triệu quả trứng (gà, vịt), 38.000 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến, 630.000 tấn rau, củ, quả các loại…

Đáng chú ý, một lượng lớn nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối và có tính chất đầu mối được nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Trái cây và thủy sản là những mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất, hiện được tiêu thụ chủ yếu tại chợ Long Biên và chợ cá Yên Sở.

Do đó việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ, nhất là chợ đầu mối và có tính chất đầu mối là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi thực tế hiện nay, việc tiêu thụ hàng hóa tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn trong thói quen tiêu dùng của người dân.

Thực phẩm trong chợ dân sinh không được che đậy

Một thực tế dễ nhận thấy là tại một số chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh. Bên cạnh các ki-ốt bán đồ ăn tại chỗ phục vụ thực khách như bún, cháo, chè... là một loạt lồng đựng hàng trăm gia cầm sống trên nền đất đọng nước, bốc mùi khó chịu.

Thực phẩm bán trong chợ dân sinh đều không được che đậy

Tại một chợ dân sinh nằm trên phường Mỹ Ðình 1 (quận Nam Từ Liêm), ngoại trừ dãy hàng thịt được kê bàn cao hẳn so với nền chợ, các mặt hàng còn lại như hải sản, rau, hoa quả… đều được các tiểu thương đặt ngay dưới nền đất. Hàng chục lồng gà, vịt, ngan, chim bồ câu các loại để trên nắp cống thoát nước. Mùi hôi tanh của nước thải từ việc giết mổ gia cầm bốc lên nồng nặc cả một góc chợ. Tương tự, tại chợ Ðồng Xa (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng xảy ra ở khu bán thủy sản, ngay trên lối đi cạnh cổng chợ chính.

Chị Đinh Hiền (ở Mỹ Đình 1) cho biết: "Có nhiều hàng thủy sản được bố trí sát nhau, thành dãy dài với những chậu tôn cỡ lớn đựng đầy nước và sản phẩm khiến cả đoạn đường luôn ngập ngụa nước. Tình trạng nêu trên cũng diễn ra ở nhiều khu chợ dân sinh khác trong khu vực nội thành như chợ Nghĩa Tân, chợ Thành Công, chợ Phùng Khoang, chợ tự phát dọc phố Nguyễn Thị Thập (giáp ranh giữa quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy)...

Hay tại chợ Ðồng Xuân, nhiều chủ cửa hàng đã nhập lượng hàng lớn không rõ nguồn gốc, rồi đóng gói vào các hộp nhựa, sau đó tự gắn nhãn mác vào nhưng không có tên công ty, địa chỉ sản xuất. Có một thực tế là dù có nhiều lực lượng tham gia vào công tác quản lý như cơ quan quản lý thị trường, kiểm dịch, các ban quản lý chợ, cơ quan thuế, chính quyền địa phương..., song vẫn khó kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ðây có lẽ là thực tế đang tồn tại ở rất nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội khi cả người bán và người mua đều ít quan tâm tới nguồn gốc sản phẩm.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, hiện hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra và kiểm nghiệm tại các chợ chưa được kiện toàn, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra, xét nghiệm nhanh tại chỗ. Bên cạnh đó, việc triển khai lấy mẫu xét nghiệm cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ðể phát hiện độc tố, hóa chất... đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài. Thêm vào đó, các hộ kinh doanh được yêu cầu lấy mẫu thực phẩm kiểm tra do nghi ngờ chất lượng kém, phải tạm dừng kinh doanh cho nên nhiều hộ đã phản ứng và cho rằng cơ quan chức năng đang làm khó đối với họ.

Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND thực hiện Ðề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025". Theo đó, mục tiêu 100% số đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; 100% số chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% số chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại...

"Bên cạnh việc phát triển các loại hình thương mại hiện đại, hiện thành phố cũng đang duy trì, phát triển kênh phân phối truyền thống. Qua đó cung ứng lượng lớn thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại chợ còn có nhiều yếu kém, bất cập cần khắc phục. Một số hàng hóa không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ chưa được thực hiện thường xuyên; các điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định; điều kiện cơ sở vật chất tại một số chợ đã bị xuống cấp...".

Trần Thị Phương Lan,Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top