Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024 | 9:17

Top 5 loại rau quen thuộc là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận

Bạc hà, tía tô, kinh giới… là các loại rau ăn kèm phổ biến đồng thời được dùng trong một số bài thuốc dân gian.

Bộ Y tế đã đưa ra danh sách 70 cây thuốc được sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Trong số đó, nhiều cây được người dân sử dụng làm rau ăn hằng ngày. 

Bạc hà có công dụng giải độc, chữa cảm cúm, ngạt mũi, nhức đầu, đau mắt đỏ… Người bệnh có thể dùng lá bạc hà hãm nước sôi uống. Ngoài ra, theo Nature, nước ép từ lá bạc hà hỗ trợ trị các vấn đề như tiêu chảy, làm dịu cơn đau dạ dày, dị ứng. Đây còn là nguồn tinh dầu thơm tự nhiên, giàu monoterpene và sesquiterpene, đặc biệt là menthol dùng chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc răng miệng. 

Rau kinh giới hay ăn kèm bún đậu có thể sử dụng làm thuốc. Ảnh: Ban Mai

Kinh giới còn gọi là khương giới, giả tô thuộc họ bạc hà. Cây có khả năng chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, hoa mắt, viêm họng, ngứa. Người dân có thể dùng kinh giới dạng khô sắc hoặc hãm nước uống chữa băng huyết, rong kinh, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiện ra máu. 

Theo Thư viện Dược Quốc gia Mỹ, kinh giới có hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, diệt côn trùng, kháng virus, hạ lipid máu, hạ đường huyết, giảm đau, chống loạn nhịp tim, chống khối u và điều hòa miễn dịch.

Tía tô thuộc họ bạc hà có thể dùng cành, lá, hạt chín, công năng chữa đau thượng vị, ợ hơi, nôn mửa. Lá và cành tía tô chữa động thai. Hạt tía tô (tô tử) giảm ho trừ đờm. 

Theo Webmd, loại cây này chứa các hóa chất chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống dị ứng, chống trầm cảm, chống viêm, giảm sưng tấy và hỗ trợ làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Một số thành phần tự nhiên trong tía tô như axit phenolic, flavonoid, tinh dầu có các dược tính thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. 

Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm thuộc họ nhân sâm. Nhiều bộ phận của cây có thể sử dụng làm thuốc như rễ, thân, cành, lá. Công dụng chính là bổ khí, tiêu thực, lợi sữa, tiêu viêm, giải độc.

Rễ đinh lăng chữa suy nhược cơ thể, gầy yếu, mệt mỏi, ngủ ít, tiêu hóa kém, phụ nữ sau đẻ ít sữa. Lá chữa cảm sốt, mụn nhọt, giã đắp sưng tấy. Thân, cành chữa thấp khớp, đau lưng. Người dân có thể sắc nước uống từ rễ, thân, cành. 

Húng chanh còn được gọi là dương tử tô, rau thơm lông thuộc họ bạc hà. Loại rau sống quen thuộc này có thể chữa cảm cúm, sốt nóng về chiều, chữa ho, viêm họng, khản tiếng, chảy máu cam, táo bón. 

Theo MDPI, lá húng chanh có khả năng sản xuất ra một loại tinh dầu có hàm lượng cao carvacrol, thymol, β-caryophyllene mang nhiều đặc tính dược lý như chống khối u, chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm, chống động kinh, chữa lành vết thương, diệt ấu trùng và giảm đau. 

An Yên/Vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Top