Việc đánh giá, chấm điểm và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của Hà Tĩnh được thực hiện dựa trên bộ tiêu chí theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong số 13 sản phẩm vừa được các huyện công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao thì Cẩm Xuyên có 4 sản phẩm, Thạch Hà có 3 sản phẩm và Can Lộc có 6 sản phẩm.
Trà mướp đắng Mai Hương của Tổ hợp tác Sản xuất, chế biến rau củ quả Trung Thành là 1 trong 4 sản phẩm được huyện Cẩm Xuyên công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Trong đó, 4 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Cẩm Xuyên công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao đợt 1 năm 2023 gồm: Cu đơ Thành Đạt của hộ kinh doanh Lưu Văn Anh (xã Cẩm Vịnh); bánh đa vừng Hà Tâm của cơ sở sản xuất bánh đa Hà Tâm (thị trấn Cẩm Xuyên); trà mướp đắng Mai Hương của Tổ hợp tác Sản xuất, chế biến rau củ quả Trung Thành (xã Cẩm Trung); gà đồi Ngân Hà của hộ kinh doanh Trương Xuân Hà (xã Cẩm Minh).
Được biết, đến thời điểm này, toàn huyện Cẩm Xuyên có 26 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.
Trong đợt này, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Hà đã tiến hành chấm điểm, xếp loại và công nhận 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: Giò bột Thắm Thanh của Tổ hợp tác Sản xuất Thắm Thanh (xã Thạch Hội); Kẹo lạc Sửu Hà của Cơ sở sản xuất Kẹo lạc - kẹo dồi Sửu Hà (xã Thạch Kênh); Ngũ cốc gỗ sồi của Công ty TNHH Silky Valley Việt Nam (xã Thạch Trị).
Giò bột Thắm Thanh, Kẹo lạc Sửu Hà, Ngũ cốc gỗ sồi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Căn cứ vào kết quả chấm điểm, đánh giá, UBND huyện Can Lộc cũng vừa công nhận 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2023. Trong đó, gồm: Gạo sạch Hạ Vàng (Hợp tác xã nông nghiệp Vượng Lộc); Nem chua Hoài Võ (xã Kim Song Trường); Lạc rang tỏi ớt Minh Nhật (xã Trung Lộc); Rượu tình Can Lộc (thị trấn Nghèn); Cá kho làng Yên (xã Quang Lộc) và Bánh đa bà Chín (xã Xuân Lộc).
Đến nay, huyện Can Lộc đã có 26 sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Nem chua Hoài Võ - xã Kim Song Trường là 1 trong 6 sản phẩm của huyện Can Lộc vừa được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Sau hơn 4 năm Hà Tĩnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, các cơ sở tham gia Chương trình đã được hỗ trợ mở rộng nhà xưởng sản xuất, đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng tiêu chuẩn sản xuất,... nên các sản phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu,... các tổ chức kinh tế sau khi tham gia Chương trình được củng cố, tái cấu trúc hoạt động hiệu quả hơn, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Đến đầu năm nay, Hà Tĩnh có 249 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP với 190 chủ thể, trong đó có 26 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã, 18 THT, 82 hộ gia đình có đăng ký kinh doanh.
Đây chính là cơ hội để các sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị; đồng thời, tiếp tục tạo động lực để các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh nâng cao trách nhiệm, năng lực sản xuất, kinh doanh, đưa các sản phẩm uy tín phục vụ thị trường ngày càng rộng hơn.