Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 11 năm 2023 | 22:16

Hà Tĩnh ưu tiên nguồn lực xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có buổi làm việc với Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh, đến nay, Hà Tĩnh đã có 179/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 98,9%; 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 32,4% và 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 6,6%. 8/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn - hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bộ mặt nhiều miền quê nông thôn mới khởi sắc

Ba huyện là Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ đã phê duyệt Đề án và kế hoạch xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện nay các địa phương đang tập trung thực hiện các nội dung củng cố các tiêu chí. Nghi Xuân đang phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong 10 tiêu chí cấp tỉnh về xây dựng tỉnh nông thôn mới, đến nay, Hà Tĩnh đã đạt 2 tiêu chí là Quy hoạch và An ninh trật tự xã hội; 5 tiêu chí đạt từ 60 đến 80% bao gồm: Giáo dục và y tế; Chỉ đạo, điều phối thực hiện Chương trình nông thôn mới; Môi trường và cảnh quan nông thôn; Việc làm - thu nhập - hộ nghèo; Dịch vụ hành chính công và 3 tiêu chí đạt dưới 50% là Cơ sở hạ tầng kết nối và thích ứng biến đổi khí hậu; Phát triển kinh tế nông thôn; Văn hóa.

Về Chương trình OCOP, các huyện, thành phố đã tổ chức đánh giá phân hạng theo Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ với 50 sản phẩm đưa vào đánh giá và có 43 sản phẩm đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Lũy kế đến nay, Hà Tĩnh có 243 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cũng báo cáo một số khó khăn, vướng mắc, nhất là về tổ chức bộ máy Văn phòng điều phối; số lượng cán bộ chuyên trách ít; công tác lãnh đạo chỉ đạo ở một số sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt; một số nơi có biểu hiện chùng xuống, kết quả chưa đồng đều, còn thiếu tính bền vững; việc huy động, bố trí các nguồn lực gặp nhiều khó khăn, nhất là hỗ trợ từ ngân sách Trung ương...

Tại buổi làm việc ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh. Mặc dù trong thời gian qua tổ chức có nhiều xáo trộn, chưa được kiện toàn nhưng đơn vị vẫn đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ. Đồng thời yêu cầu Văn phòng Điều phối nông thôn mới cần rà soát lại tiến độ thực hiện của 2 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới là xã Hà Linh và Điền Mỹ của huyện Hương Khê. Kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ 2 địa phương này hoàn thành các tiêu chí trong năm 2023.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2024 Hà Tĩnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung cao để sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phải có tính toán, tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh trong quản lý, điều hành thực hiện chương trình nông thôn mới, thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Tiếp tục phát huy phong trào ở các địa phương, nâng cao đời sống người dân; xem xét tuyên dương, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt công tác đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới.

Phong trào xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đang sôi nổi ở các địa phương.

Phấn đấu trong năm 2023, Hà Tĩnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 tháng đầu năm 2024, 100% huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn - hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng thông tin, tỉnh đang xem xét kiện toàn theo hướng để bộ máy văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp hoạt động có hiệu quả, phù hợp với hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tiễn của Hà Tĩnh. Đề nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh lựa chọn cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, có tâm huyết để đưa phong trào nông thôn mới của Hà Tĩnh ngày càng hiệu quả.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top