Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 3 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 11 năm 2023 | 15:24

Hai cô giáo của tôi

Trong cuộc đời, từ khi được sinh ra đến khi trưởng thành, ngoài sự dạy dỗ của gia đình, xã hội, chúng ta không thể thiếu được sự dạy bảo của thầy, cô giáo.

Các thầy, cô cho kiến thức, chắp cánh ước mơ, hoài bão để chúng ta  tự tin bước vào đời. Với tôi, những người thầy, cô đó luôn để lại trong trái tim những tình cảm đặc biệt. Mỗi năm cứ đến tháng 11 này, những cảm xúc của tôi về  thầy, cô lại ùa về với bao tình cảm lắng đọng.

Người “rèn chữ”   

Sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại thành thuộc cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, muốn sang được nơi tôi sinh sống phải qua một chiếc cầu đã đi vào lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, đó là cầu Long Biên. Thị trấn Gia Lâm nay là thuộc thành quận Long Biên, ngày 6/11 vừa qua quận vừa tròn 20 tuổi.

Nhà giáo Phùng Minh Vượng và tác giả trong một lần đến thăm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Năm tôi lên 7 tuổi, lần đầu tiên được cắp sách đến trường. Thời kỳ chúng tôi đi học là hệ phổ thông 10 năm, nên để bước vào lớp 1, chúng tôi phải trải qua lớp học đầu tiên, đó là  là lớp “vỡ lòng”.

Ở lớp học này, học sinh được các cô giáo dạy nhận biết mặt các chữ cái,  đọc được chữ, ghép chữ thành tiếng và đánh vần từng tiếng. Việc đọc được chữ đối với chúng tôi không khó lắm, nhưng viết được chữ thì cả là một cực hình, bởi đôi bàn tay bé nhỏ chỉ quen nghịch đất, cát, bây giờ phải cầm chiếc bút chì viết lên từng con chữ, trên những trang vở trắng tinh. Những nét chữ đầu tiên nguệch ngoạc như những con giun đang bò trên mặt đất, hàng không thẳng, chữ lên chữ xuống, luôn làm đau đầu các cô. Nhưng rồi lâu dần cũng thành quen, tôi cũng đã viết được như mong muốn của cô giáo.

Lên lớp 1, cô giáo dạy tôi là cô Oanh, tôi không nhớ đầy đủ họ và tên đệm của cô, nhưng rất ấn tượng đối với tôi đó là hình ảnh một cô giáo đã lớn tuổi, luôn nghiêm nghị. Mỗi khi bước vào lớp, việc đầu tiên cô Oanh thường làm là kiểm tra vở, kiểm tra bài cũ. Nếu ai đã từng là học sinh, chắc không thể quên được thời gian của mỗi buổi đi học này, cả lớp im phăng phắc, chỉ mong sao cô giáo không gọi tên mình. Đối với tôi, những lúc cô kiểm tra vở và bài cũ luôn là một cực hình, bởi chữ tôi vô cùng xấu và đương nhiên sẽ là những hình phạt rất nghiêm khắc của cô.

Một trong những kỷ niệm khó có thể làm cho tôi quên được, cho đến tận bây giờ mỗi khi nhắc lại tận trong đáy lòng, tôi vẫn thường cảm ơn cô vì đã nghiêm khắc rèn luyện mình.

Vào một buổi sáng như bao buổi đi học bình thường khác, tiếng trống trường vang lên báo hiệu buổi học bắt đầu. Cô giáo Oanh vào lớp, đặt chiếc cặp căng phồng lên bàn và quay xuống chào chúng tôi, khi cả lớp chúng tôi đã đứng dậy: “Cô chào các em”. Đáp lại cả lớp chúng tôi đồng thanh hô to: “Chúng em chào cô ạ”. Sau đó, chúng tôi ngồi xuống và bắt đầu giở vở ra đặt lên bàn chuẩn bị lên bục để cho cô kiểm tra khi được cô gọi tên.

Như có linh tính, tôi có cảm giác ngày hôm nay cô sẽ gọi tên mình lên giảng, nên ngồi trong lớp tôi cố tình cúi mặt xuống bàn để cho cô không nhìn thấy. Mọi biểu hiện của tôi không thể qua mặt được cô giáo đã có nhiều kinh nghiệm đối với học sinh như tôi, giở sổ điểm sau một hồi tìm kiếm, cô đọc tên và mời tôi lên kiểm tra vở và bài cũ. Tôi giật bắn người và không tin đó là sự thật, chỉ đến khi cô gọi lại tên tôi một lần nữa, tôi mới chậm rãi bước lên, hai bàn chân nặng như đeo hai quả tạ. Buổi kiểm tra hôm đó, tôi bị điểm kém do không làm bài đầy đủ, hai bàn tay tôi thì đỏ nhừ vì cô dùng hình phạt do chữ viết quá xấu.

Đến bây giờ, tôi không hề trách móc cô mà còn thầm cảm ơn nữa, vì chính những hình phạt nghiêm khắc này đã giúp tôi thành công trong cuộc sống như hôm nay, chữ viết của tôi không nói rằng là xuất sắc nhưng trong những năm còn trong quân đội, tôi vẫn thường được chỉ huy đơn vị giao cho viết giấy khen.

Vì thế, khi các con tôi lúc còn đi học, tôi đã thường xuyên đề nghị thầy, cô giáo thật nghiêm khắc với con tôi, thậm chí dùng cả những hình phạt nghiêm khắc nhất để các con không vi phạm. Câu nói dân gian xưa: “Yêu cho roi cho vọt/Ghét cho ngọt cho bùi” thật quả không sai.

Người truyền cảm hứng để viết những bài báo phản ánh

Người thứ hai trong cuộc đời tôi luôn ghi nhớ và cũng là người tạo cảm hứng cho tôi để viết bài báo đầu tiên đăng trên báo điện tử Vietnamnet vào đúng ngày khai giảng năm học 2008 – 2009. Đó là cô giáo chủ nhiệm cũ của tôi, Nhà giáo Phùng Minh Vượng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, ngôi trường có trên 70 năm xây dựng và phát triển, đây cũng là ngôi trường mà đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  từng theo học tại đây.

Năm học đó,  con trai thứ hai của tôi và cháu nội của cô lần đầu tiên được cắp sách đến trường, học cùng một lớp. Rất vui mừng được gặp lại cô và cũng rất vui khi được biết cháu của cô và con trai mình học cùng một lớp, cô và trò hỏi thăm nhau sau bao năm chúng tôi rời mái trường yêu dấu, câu chuyện tưởng chừng không dứt ra nổi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không rời mắt khỏi hai học sinh của mình đang mồ hôi nhễ nhại, từ lúc hai cháu hào hứng, phấn khởi đã có những dấu hiệu mỏi mệt, cô nói với tôi hỏi xem đến giờ này sau gần 1 tiếng hồ tập trung mà vẫn chưa diễn ra lễ Khai giảng năm học mới. Sau khi hỏi một giáo viên, tôi được biết, sở dĩ có chuyện học sinh phải chờ do một lãnh đạo của quận chưa đến nên buổi khai giảng chưa thể diễn ra được.

Nghe được câu chuyện này, cô giáo của tôi đã nói: “Con làm báo nên đưa những sự việc này để lần sau các lãnh đạo không còn tái diễn cảnh này nữa, đừng vì mình mà làm ảnh hưởng cả một chương trình công phu đã được chuẩn bị sẵn. Điều quan trọng hơn là làm mất cảm hứng của các con, khi lần đầu tiên được đến trường dự lễ khai giảng thiêng liêng trong đời”. Chính lời khuyên bảo này của cô giáo đã tạo động lực cho tôi viết bài: “Lãnh đạo chưa đến… chưa khai được”, bài báo này được đăng trên báo Vietnamnet năm 2008.

Những năm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô được nhà trường phân công làm chủ nhiệm lớp của chúng tôi và trực tiếp dạy môn văn. Những buổi học văn của cô luôn tạo cho chúng tôi sự hứng thú, từng bài văn được cô dạy chúng tôi dường như được tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước và con người. Cô dạy chúng tôi như một người mẹ dạy cả đàn con thơ, mà mỗi đứa học trò chúng tôi mỗi tính cách, mỗi đứa học trò chúng tôi lại có những hoàn cảnh khác nhau. Có những giờ lên lớp, nhất là những thời gian chúng tôi căng mình ôn tập để chuẩn bị thi tốt nghiệp, thay vì tạo áp lực cho chúng tôi trong thi thi cử, thì cô lại kể chuyện cho chúng tôi nghe về những tấm gương vươn lên, vượt khó học tập để thành công.

Cô giáo thường hay nói: “Các em ạ, để thành công, không thể nào không học tập, để thành công không thể nào không vất vả, gian nan, thành công không đến với những ai lười nhác. Các em học cho mình ngày hôm nay để mai sau chính các em và gia đình các em được hưởng, thành công của các em sau này sẽ là niềm vinh dự cho gia đình, vì thế các em phải cố gắng học tập”.

Có thể nói cô giáo tôi, nhà giáo Phùng Minh Vượng đã để lại không chỉ cho riêng cá nhân tôi, mà các thế hệ học trò khác những ấn tượng và tình cảm khó phai mờ. Mỗi khi nhắc đến cô là các thế hệ học sinh đều dành cho cô những lời đẹp nhất.

Hình ảnh hai cô giáo mà tôi từng được các cô dạy dỗ, luôn để lại trong tôi những tình cảm đẹp, mỗi khi nhắc đến. Đặc biệt, trong những ngày của tháng 11 này, đây cũng là lời tri ân của tôi, của các thế hệ học trò đã từng được các cô dạy dỗ gửi đến các cô nhân ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top