Với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã tạo những dấu ấn rõ nét, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Hoàn thành nhiều nhóm chỉ tiêu
Qua hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Na Hang lần thứ XXII, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước chuyển biến tích cực, 15/16 nhóm chỉ tiêu chủ yếu đạt trên 50% mục tiêu Nghị quyết.
Cụ thể, đến hết năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.423,2 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng, bằng 94,88% mục tiêu Nghị quyết. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,28%, vượt mục tiêu Nghị quyết 1,28%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,65%; thu nhập bình quân đạt 34,6 triệu đồng/người/năm, bằng 76,9% mục tiêu Nghị quyết; thu hút trên 229.000 lượt khách du lịch, đạt 65,4% mục tiêu. Hàng năm, huyện hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng, duy trì độ che phủ rừng trên 77%; 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới...
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện Na Hang tăng bình quân 3,65%.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 46,5/47 tỷ đồng, bằng 98,9% mục tiêu Nghị quyết; trên 89,5% thôn, bản, tổ nhân dân đạt danh hiệu văn hóa, vượt 9,5% mục tiêu Nghị quyết; trên 89,6%, hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (mục tiêu Nghị quyết là 90%); trên 96% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (vượt 1% mục tiêu Nghị quyết). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,95%/năm, vượt 2,95% mục tiêu Nghị quyết.
Lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi từng bước xây dựng và phát triển các vùng hàng hóa, có quy mô phù hợp; một số cây trồng, vật nuôi đặc sản, có lợi thế như cây chè Shan Tuyết, cây lúa nếp đặc sản, cây rau trái vụ, cây dược liệu, trâu, bò, gà thả đồi, lợn đen... được đẩy mạnh sản xuất theo hướng chú trọng vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác áp dụng khoa học kỹ thuật vào đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị.
Na Hang hiện có 28 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có sản phẩm chè một tôm, một lá đang làm hô sơ đánh giá 5 sao.
Trao đổi với phóng viên, ông Ma Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, về cơ bản, các chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu cơ bản đạt được theo tiến độ và mục tiêu đề ra. Ví dụ, về phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đang hoàn thiện lập hồ sơ phân hạng nâng lên 5 sao. Ngoài ra, huyện có 2 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý gồm: chè Shan Tuyết Na Hang, rượu ngô men lá Na Hang và 8 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu.
Các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng và mang lại hiệu quả (có 29 liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp). Công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, hằng năm hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng mới gắn với chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, duy trì được độ che phủ rừng trên 77%.
Hệ thống giao thông nông thôn được ưu tiên đầu tư, đến nay, 100% số xã có đường nhựa hóa đến trung tâm xã; bê tông hóa đạt 98%. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi.
Chợ đêm Na Hang trở thành điểm nhấn thu hút du lịch tới đây.
Huyện đang tập trung xây dựng, triển khai các đề án, kế hoạch để thực hiện các chương trình, Nghị quyết về tổ chức sản xuất nông nghiệp, hàng hóa đặc sản. Điển hình, huyện đang thực hiện đề án phát triển cây chè đặc sản, kế hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc, đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa giá trị gia tăng cao, kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Về phát triển du lịch, huyện đang tập trung thực hiện khâu đột phá, đã xây dựng đề án, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Bản Bung, xã Thanh Tương; ban hành kế hoạch phát triển du lịch; đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại xã Hồng Thái và đề án phát triển kinh tế đêm. Đồng thời, phát triển nông ngiệp gắn với du lịch, ngoài ra, tiếp tục khai thác các sản phẩm du lịch mới.
Về giải pháp thời gian tới, ông Đôn cho biết, huyện thực hiện đồng bộ các nguồn lực, đặc biệt là gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực làm sao xác định được công việc, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm. Huyện đang thực hiện việc điều chỉnh thị trấn Na Hang giai đoạn 2030, định hướng đến năm 2045, hoàn thiện tiêu chí đô thị loại IV; phối hợp với các ngành lập quy hoạch trung tâm xã Đà Vị và trung tâm xã Yên Hoa theo hướng đô thị loại V.
Na Hang đang tập trung xây dựng thị trấn Na Hang trở thành đô thị loại IV.
Xây dựng kế hoạch, bám sát nội dung, đặc biệt ban hành các kế hoạch để tổ chức thực hiện. Kế hoạch nâng cao chất lượng đô thị, đô thị hóa, cụ thể bằng các kế hoạch để thực hiện. Đẩy mạnh thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt bảo vệ rừng, phát triển du lịch, du lịch sinh thái…
8 thành quả nổi bật
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, Đảng bộ huyện Na Hang xác định có 08 thành quả nổi bật.
Đáng chú ý nhất là Đảng bộ huyện đã xác định được định hướng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển tổng thể huyện Na Hang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình hợp lý công tác quy hoạch, phát triển từng ngành, lĩnh vực, địa bàn theo hướng cụm xã thành 02 cực, tạo tiền để phát triển cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Công bố chỉ dẫn địa lý chè Shan Tuyết Na Hang.
Thứ hai, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra thực hiện khá tốt, trong đó có một số chỉ tiêu vượt kế hoạch (06 nhóm chi tiêu đạt và vượt; có 06 nhóm chỉ tiêu đạt khá; 4 các nhóm chỉ tiêu còn lại cơ bản đều đạt từ 50% trở lên).
Thứ ba, thực hiện 02 khâu đột phá, 03 nhiệm vụ trọng tâm đạt được một số kết quả tích cực.
Thứ tư, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng; kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, được tập trung phát triển theo hướng bền vững hơn. Trong đó, kinh tế nông nghiệp trở thành trụ cột, cùng với du lịch đang phát huy vai trò đòn bẫy để thúc đẩy các ngành kinh tế khác; du lịch không những dần trở thành ngành kinh tế quan trọng mà đang hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần.
Xây dựng thị trấn Na Hàng trở thành đô thị loại IV được tập trung thực hiện và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, phát triển kinh tế ban đêm là nội dung mới, mang tính đột phá cho nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tiếp theo. Cấp ủy, chính quyền huyện đã có nhiều cố gắng trong huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư khai thác, phát huy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát 03 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công đạt được một số kết quả tích cực.
Khách du trải nghiệm ruộng bậc thang và cắm trại tại vườn lê xã Hồng Thái.
Thứ năm, các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm thực hiện tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao.
Thứ sáu, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; các nhiệm vụ công tác nội chính, thanh tra, tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Thứ bảy, công tác đối ngoại có bước phát triển, tạo được môi trường ổn định để huy động các nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển; nâng cao được vị thế và uy tín của huyện.
Thứ tám, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng, tạo sự chuyển biến tích cực cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu.