Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 8 năm 2024 | 12:48

Hành trình đến hạnh phúc của người Việt Nam (Bài 2): Quan tâm chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của Nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.

Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thành sứ mệnh chăm lo sức khỏe Nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước theo định hướng của Đảng.

Bài 1: Xóa mù chữ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Công tác chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc sức khỏe ban đầu/y tế cơ sở cần được coi là ưu tiên hàng đầu...

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khoẻ của Nhân dân, Người coi đây là một “vốn quý nhất” có ý nghĩa quyết định đến sự cường thịnh của đất nước và cần phải đặc biệt quan tâm chăm lo chu đáo. Vì vậy, trong tác phẩm “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội”, Người khẳng định: “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của Nhân dân ta” và khẳng định tính tất yếu của việc rèn luyện nâng cao sức khỏe cho mỗi người và cho toàn dân: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cách thức tốt nhất và hiệu quả nhất của việc chăm sóc sức khỏe là “phòng bệnh”. Cho nên, đối với mọi tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề đều phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Người khuyên các cháu thiếu nhi: “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”, không những phải “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” mà còn phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”.

Học tập Bác, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), ngành Y tế đã bảo đảm phục vụ tốt chăm sóc thương, bệnh binh và phòng, chống dịch bệnh như dịch tả, thương hàn, bại liệt; đẩy lùi được một số bệnh xã hội đe dọa sức khỏe nhân dân như sốt rét, mắt hột, lao, bệnh đậu mùa. Từ năm 1954, ở miền Bắc, ngành Y tế đã tập trung xây dựng và phát triển y tế ở khu vực nông thôn, làm cho bộ mặt nông thôn miền Bắc thay đổi rõ rệt: các công trình vệ sinh được xây dựng, sức khoẻ của Nhân dân không ngừng được nâng lên.

Giai đoạn 1956 - 1975, lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân có sự phát triển nhanh chóng. Các phong trào quần chúng rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, làm sạch môi trường, chăm sóc bản thân rất sôi nổi. Hệ thống y tế có nhiều thành tựu trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể lực của nhân dân, chăm sóc người già, phụ nữ, trẻ em trong thời kỳ chiến tranh gian khổ và ác liệt. Sau ngày đất nước thống nhất, ở miền Nam, nhiều bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây thành dịch đã được xử lý.

Từ năm 1986 đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công tác y tế có sự đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân; từng bước thực hiện công bằng trong khám, chữa bệnh cho người dân. Các chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được triển khai tích cực. Mức hưởng thụ dịch vụ y tế của nhân dân tăng lên, đặc biệt với trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng, đến năm 2020 ước đạt 73,7 tuổi.

Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được tăng cường, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao; từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên. Công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được chú trọng; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, từ 60,9% dân số (năm 2010) lên 90,7% (năm 2020).

Bác sỹ tại trạm y tế xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, Lai Châu phát tờ rơi tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản cho người dân. Ảnh: Việt Đức/TTXVN

Chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

Bước vào thời kỳ “Đổi mới”, nền y tế nước ta đứng trước những thách thức rất gay gắt. Tuy kinh tế từng bước tăng trưởng và đời sống Nhân dân được cải thiện, nhưng chăm sóc sức khỏe lại đứng trước những thử thách hết sức gay gắt.

Năm 1993, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã đề ra Nghị quyết “phục hồi và phát triển nền y tế trong thời kỳ đổi mới”. Năm 2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 06/CT-TW về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và đến năm 2005”; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46/NQ/TW về “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Ngày 25/10/2017, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”, đã bổ sung và nêu rõ 5 quan điểm trong chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ một số nhiệm vụ trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trong đó tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Đổi mới cơ chế tài chính y tế, hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ y tế. Nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, phát triển hình thức khám chữa bệnh trực tuyến. Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng.

Sức khỏe bà mẹ, trẻ em ngày càng tốt hơn

Chỉ khoảng 10 phút đi đường, Giàng A Lùng (21 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, Lai Châu) đã đưa vợ là Lý Thị Số (20 tuổi) đến Trạm Y tế xã Mù Sang để khám thai định kỳ an toàn. Đi cùng hai vợ chồng là đứa con trai mới hơn 1 tuổi, được chị Số sinh tại Trạm Y tế xã.

Nhờ sự tuyên truyền vận động của các cô đỡ thôn bản, họ đã tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ, trẻ dưới 5 tuổi ngay tại địa bàn cư trú, thay vì chọn cách tự chăm sóc bản thân, rồi sinh con ở nhà. Mà một thời, quan niệm sai lệch này là nguyên nhân gây ra những cái chết thương tâm cho sản phụ và trẻ sơ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng dân số.

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở Việt Nam ngày càng được nâng cao. (Nguồn: TTXVN)

“Vợ chồng tôi được cô đỡ thôn bản đến vận động đi khám thai và sinh con ở Trạm y tế xã. Chúng tôi đã sinh đứa con đầu ở Trạm y tế và cháu đến giờ khỏe mạnh, nên tôi tiếp tục đưa vợ đến Trạm y tế khám thai đứa con thứ hai. Tôi rất biết ơn các y, bác sỹ của Trạm y tế và các cô đỡ thôn bản”, anh Lùng chia sẻ.

Theo các số liệu thống kê của ngành Y tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống (năm 1990) xuống còn 44/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2023).

Trong giai đoạn này, tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm gần 4 lần, từ mức 58‰ xuống còn 18,2‰; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 44‰ xuống còn 11,6‰; đồng thời tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh, từ 53% năm 1996 xuống còn 9% thể nhẹ cân và 18,9% thể thấp còi năm 2023.

Hệ thống khám, chữa bệnh chuyên ngành sản - nhi phát triển mạnh mẽ từ trung ương đến cơ sở, nhiều thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản của người dân.

Ấn tượng trước những con số thuyết phục trên, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nhiều thành tựu trên lĩnh vực giảm tử vong mẹ. Và là một trong 6 nước trên thế giới đạt được chuẩn về tỷ lệ giảm tử vong mẹ theo như các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đây.

Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế  năm 2022, tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam trong 30 năm qua đã giảm  tới 70%, cao hơn con số toàn cầu chỉ giảm 40%. “Đây là một tỷ lệ rất ấn tượng”, ông Matt Jackson khẳng định.

Tuổi thọ tăng cao và ưu tiên khám, chữa bệnh cho người từ đủ 75 tuổi

Năm 1945, người Việt Nam chỉ sống trung bình 38 năm, sau 50 năm (1995), tuổi thọ trung bình tăng lên 65,2 tuổi, năm 2000 là 67 tuổi, năm 2009 là 72 tuổi, năm 2023 là 73,7 tuổi, năm 2024, tuổi thọ của người Việt là 74,5 tuổi. Có được kết quả đó là sự nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước ta. Đó là thành tựu lớn của ta được quốc tế ghi nhận. Ông Tedros, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, có được kết quả đó là do Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong cải thiện cuộc sống người dân và nâng cao chất lượng y tế, mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế...

Ước tính, người cao tuổi  ở nước ta hiện khoảng 10 triệu người, dự báo đến năm 2050, tăng lên 32 triệu người. Để có các giải pháp nhằm ứng phó một xã hội già hóa, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”. Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024), người từ đủ 75 tuổi (trước từ đủ 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh, bao gồm cả khám, chữa bệnh BHYT.

Luật cũng bổ sung quy định ưu tiên ngân sách nhà nước khám, chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật.

Riêng TP. Hà Nội, từ ngày 1/1/2024, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, trong đó có người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Ký nhận chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại Lạng Sơn.

Khống chế nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Là nước nhiệt đới gió mùa ẩm, trước kia, dịch bệnh ở Việt Nam thường diễn ra theo mùa, xuất hiện đều đặn và liên tục hằng năm. Nhiều bệnh dịch như dịch tả, thương hàn, sốt rét, sốt xuất huyết… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người dân cũng như gây thiệt hại cho kinh tế quốc gia.

Trong hơn 30 năm thực hiện công tác phòng chống dịch, Việt Nam đã xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao.

Kết quả là nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán, như: thanh toán bệnh đậu mùa (năm 1978), thanh toán bệnh bại liệt (năm 2000), loại trừ uốn ván sơ sinh (năm 2005), từ năm 2002 không còn bệnh dịch hạch; một số bệnh dịch khác đã giảm số người nhiễm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với những năm trước khi có Chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, sởi... Nhiều bệnh dịch lưu hành khác có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn như sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả đã được khống chế; không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV..., góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát với quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử. Sau hơn 3 năm, dịch bệnh đã được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả (năm 2023), góp phần quan trọng trong việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường; có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi… cũng gia tăng đáng kể. Để phòng bệnh từ sớm, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động đẩy mạnh tiếp cận an ninh y tế toàn cầu trong phòng, chống dịch để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đa phương trên cơ sở phối hợp liên ngành, đa lĩnh vực, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với dịch bệnh.

Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân

Ngày 23/01/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 89/QĐ-TTg  phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược).

Mục tiêu của Chiến lược là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể là công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện; bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng. Từng bước kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, nâng cao năng lực quản lý môi trường y tế, các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe người dân.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế từ trung ương đến cơ sở để đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh; thu hẹp khoảng cách về bệnh tật, tử vong giữa các vùng, miền, các nhóm dân tộc. Phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ y tế.

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và các đối tượng ưu tiên.

Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đặc biệt nhân lực cho y tế cơ sở, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, biển đảo; tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sĩ và điều dưỡng; bảo đảm cân đối giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế.

Đến năm 2045, hệ thống y tế phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Để nâng cao sức khỏe Nhân dân, Chiến lược đưa ra các giải pháp, như: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam; Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân; Tập trung cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giảm tỷ lệ trẻ em khuyết tật, ưu tiên các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, biển đảo, khu vực khó khăn;...

Nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và sự hài lòng của người bệnh, Chiến lược thực hiện nâng cao và công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng có chất lượng, rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến, các vùng miền, từng bước thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện, đặc biệt với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách; hoàn thiện phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị y học hiện đại, y học cổ truyền, chuẩn hóa mã bệnh theo quốc tế...

Đồng thời, Chiến lược thực hiện đổi mới cơ chế phân phối, bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vaccine, vật tư, thiết bị y tế có chất lượng, an toàn, hiệu quả, giá hợp lý cho phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác; phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới.

Bài 3: Từ quyền được tự do, dân chủ đến thịnh vượng, hạnh phúc

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Giữa những dãy núi trùng điệp, những con đường đất gồ ghề, cậu học sinh nghèo hiếu học Giàng A Ký (dân tộc Mông) đã nuôi một ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc và cứu giúp người dân nơi quê nhà. Đối mặt với khó khăn của cuộc sống, đã có lúc, Ký tưởng mình phải bỏ cuộc giữa chừng. Cho đến khi hy vọng được gieo mầm từ Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin…

  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.

Top