Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 12 năm 2023 | 14:1

Hành trình tìm đường "xuất ngoại" cho bánh đa vừng

Trở về quê sau hơn 5 năm bôn ba ở Đài Loan (Trung Quốc), trăn trở với sản phẩm bánh đa vừng truyền thống thơm ngon nhưng ít người biết đến, anh Lê Văn Duẩn, Giám đốc HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm ở xã Kỳ Giang (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đã xây dựng chiến lược, đầu tư máy móc quyết tâm đưa bánh đa quê mình... xuất ngoại.

Phát triển nghề truyền thống 

Những ngày cuối năm 2023, không khí làm việc tại HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm khá nhộn nhịp. Công nhân vừa làm vừa rộn ràng nói cười, hối hả trộn bột, tráng bánh, xếp bánh để kịp đơn hàng cho khách đặt đưa đi Nhật Bản.

Anh Lê Văn Duẩn, Giám đốc HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm.

Cả tuổi thơ chứng kiến cảnh bà con lam lũ trên đồng ruộng làm ra hạt gạo, hạt vừng rồi vất vả xay bột, mướt mồ hôi tráng từng chiếc bánh, gánh bánh đi chợ bán lẻ. Chưa kể còn lệ thuộc vào thời tiết. Trời nắng không nói làm gì, hôm trời mưa là coi như treo lò vì làm sao phơi bánh khô được. Anh Duẩn muốn thay đổi cách làm bánh thủ công đó.

Năm 2018, xắn tay hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp với sản phẩm bánh đa vừng, một thứ đặc sản quê hương mà cũng là món quà gắn liền với tuổi thơ, anh quyết định mở xưởng sản xuất bánh đa vừng Nguyên Lâm với số vốn ban đầu vỏn vẹn  gần 100 triệu đồng.

Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, Duẩn cho biết,  phải đối mặt với vô vàn khó khăn. “Gia đình có truyền thống làm nghề sản xuất bánh đa vừng, các loại nguyên liệu sẵn có tại địa phương nên tôi có khá nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, nên phải mất gần nửa năm, sau rất nhiều lần thất bại, tôi mới tạo ra được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Đây là quãng thời gian vô cùng khó khăn, thậm chí tôi phải bù lỗ”, Duẩn kể.

Nhờ chính quyền địa phương hướng dẫn tiếp cận chính sách, tạo điều kiện vay vốn, nên sản xuất dần ổn định, bánh đa vừng dần “có tiếng” trên thị trường trong tỉnh. Năm 2020, cơ sở của gia đình được lựa chọn đăng ký tham gia Chương trình OCOP của huyện Kỳ Anh và đạt chuẩn 3 sao ngay lần đầu tiên.

“Tiếng lành đồn xa”, đơn hàng ngày càng nhiều, nhu cầu sản xuất tăng cao cũng đặt ra các vấn đề mới về quy mô, hệ thống máy móc... Năm 2021, anh quyết định góp vốn với 7 người khác thành lập HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm, bắt đầu làm quen với quy trình sản xuất hiện đại, quản lý nguồn nguyên liệu, nguồn vốn, các giấy chứng nhận theo quy chuẩn… để “nâng tầm” sản phẩm.

HTX đã đầu tư hơn 600 triệu đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị như: máy nướng, máy xay bột, máy làm bánh… Tất cả công đoạn từ chuẩn bị bột cho đến tráng bánh đều được xử lý bằng máy, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức và đảm bảo quy trình, quy chuẩn sản phẩm. Dây chuyền khép kín nên có thể quản lý tối đa chất lượng, hương vị của sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, cũng hạn chế được yếu tố thời tiết, điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

Để làm nên chiếc bánh đạt chất lượng, HTX đã tuân thủ quy trình tuyển chọn nguyên liệu khá nghiêm ngặt. Gạo, vừng được lấy từ những vùng sản xuất theo chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Bánh còn được tạo nên sự khác biệt bởi một số gia vị đi kèm như: muối, tỏi, tiêu trộn đều với gạo, vừng trước khi tráng.

Quy trình đóng gói sản phẩm bằng máy gia nhiệt chuyên nghiệp.

Cùng với đó, HTX đã tập trung đầu tư cho bao bì, nhãn mác, đóng gói sao cho đẹp mắt và tích cực đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại vừa giới thiệu vừa bán sản phẩm; đồng thời là kênh để khảo sát nhu cầu của khách hàng. Từ đó, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, đại lý, kết nối để có mặt tại các gian hàng, siêu thị… trong và ngoài tỉnh.

Đưa bánh đa xuất ngoại

Giữa năm 2021, nhờ cơ duyên đặc biệt, khi lên mạng xã hội và kết nối thông qua bạn bè đang học tập, làm việc ở Nhật Bản, anh Duẩn đã tiếp thị sản phẩm bánh đa vừng và được các đối tác quan tâm. HTX bắt đầu  hành trình mới, hoàn thiện các điều kiện từ truy xuất nguyên liệu đầu vào, chất lượng, mẫu mã, trọng lượng, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm để được phía đối tác chấp thuận.

Bánh đa vừng Nguyên Lâm được khách hàng ưu chuộng tại các hội chợ, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Nga, Ba Lan.

Theo anh Duẩn, thị trường Nhật Bản đòi hỏi sản phẩm rất khắt khe, từ truy xuất nguyên liệu đầu vào đến chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, quy trình sản xuất bánh đa vừng của HTX đều được đối tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm một cách chặt chẽ.

Đặt mục tiêu coi trọng chất lượng, mọi sự cố gắng đã được đền đáp khi vào tháng 11/2021, lần đầu tiên lô hàng 64.000 chiếc bánh đa vừng của HTX được xuất sang thị trường Nhật Bản. Sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch nên số lượng luôn ổn định, nhận nhiều phản hồi tích cực.

Năm 2023, HTX sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3,5 triệu chiếc bánh, doanh thu hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu khoảng 600.000 chiếc, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 15 lao động tại địa phương.

Khi bánh đa vừng được đón nhận tốt ở thị trường Nhật Bản, HTX tiếp tục chinh phục các thị trường mới: Nga, Ba Lan…

Với quyết tâm “chuẩn hóa” quy trình sản xuất, tháng 11/2023, HTX đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà xưởng mới tại xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh) với tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng trên diện tích gần 4.000m2; tiến hành sản xuất khép kín, với hệ thống sấy khô tự động để nâng công suất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Cùng với doanh thu và lợi nhuận, điều khiến chúng tôi tự hào nhất chính là đã giới thiệu được với bạn bè muôn phương một đặc sản của quê hương, giữ được “lửa nghề”. Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng, tìm kiếm các sản phẩm mới, phát triển sản xuất ngày càng lớn mạnh hơn”, Giám đốc trẻ Lê Văn Duẩn nói.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top