Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 6 năm 2023 | 15:3

Hè về và sự cấp thiết về không gian vui chơi cho trẻ

Chưa bao giờ, chuyện “không gian vui chơi của trẻ em” mỗi khi kỳ nghỉ hè đến lại trở nên bức thiết như bây giờ. Bởi hiện nay, các điểm vui chơi, sinh hoạt hè hay một không gian mở dành riêng cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn đều đang thiếu.

Không còn lựa chọn nào khác hơn

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, điểm vui chơi, sinh hoạt hè hay một không gian mở dành cho sinh hoạt cộng đồng đang rất thiếu, môi trường và không gian dành riêng cho trẻ em lại càng thiếu. Thực trạng này khiến không ít thanh, thiếu niên thành phố chọn lòng đường, tiệm internet làm nơi vui chơi, giải trí, vì không còn lựa chọn nào khác hơn.

Bất kỳ chỗ trống nào ở ngõ ngách, vỉa hè hay đường phố đều có thể trở thành nơi vui chơi của trẻ em.

Anh Đinh Thanh Tùng (quận Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ, nhiều em nhỏ nghỉ hè phải làm bạn với ti vi, chơi trò chơi điện tử trên smart phone hoặc phải đi học thêm để bố mẹ có thời gian đi làm, dẫn đến nhiều hệ luỵ như trẻ trở nên thụ động, nhiều trò chơi bạo lực ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Sự nghèo nàn của các dịch vụ giải trí và không gian vui chơi là những lý do các cơ sở kinh doanh điện tử, internet trở nên đông đúc vào mỗi dịp hè. Hiện nay, tại các cơ sở kinh doanh internet, phần lớn “khách hàng” ở độ tuổi 7-17 tuổi. Hệ lụy có thể có em sa đà vào các trò chơi mang tính kích động, bạo lực, hoặc có nội dung đồi trụy, dễ làm phát sinh suy nghĩ tiêu cực, hành động lệch lạc, thậm chí là vi phạm pháp luật… Và cuối cùng, anh Tùng đã lựa chọn giải pháp tối ưu  là cho các con về quê Ninh Bình với ông bà nội. Anh Tùng chia sẻ: “Với không gian rộng thoáng ở quê, các con sẽ được ông bà cho đi thả diều ở đê, đá bóng ở sân kho, chơi cầu lông ở sân nhà văn hóa…”.

Không có quê để về như hai con anh Tùng, những ngày hè của bé Bo (10 tuổi, Hà Nội) chỉ quanh quẩn trong nhà. Sợ con xem tivi, chơi điện tử nhiều ảnh hưởng sức khỏe, anh Thuỷ - bố bé Bo đã cắt đường truyền Internet, cất máy tính, điện thoại. Trước sự cấm đoán của bố, bé Bo nói: Nếu bố không cho con xem Youtube, hoạt hình và chơi điện tử thì con biết làm gì? Câu hỏi của con làm anh Thuỷ giật mình. Đúng là nếu không cho xem tivi hay hơi điện tử thì con anh không biết làm gì trong 3 tháng hè.

Bởi lẽ, nhà chỉ có mình Bo, bố mẹ thì đi làm cả ngày và thường khóa trái để con một mình trong nhà. Hôm nào bố về sớm thì hai bố con đi đạp xe. Tuy nhiên, đạp xe trên đường phố đông đúc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Anh Thuỷ cũng không dám cho con chơi ở sân nhà văn hóa của tổ dân phố vì nơi đây đã được “tận dụng” cho người dân để xe ô tô. Nếu trẻ mải đạp xe nhỡ làm xước sơn, hay đá bóng vỡ gương thì lại phải đền khối tiền. Anh Thuỷ cũng đã tìm hiểu một số trại hè hay học kỳ quân đội, tuy nhiên, chi phí khá lớn so với thu nhập của gia đình.

Thiếu không gian vui chơi an toàn

Tại khu vực nông thôn, việc thiếu sân chơi cho trẻ em cũng là thực trạng chung nhiều năm nay. Không có chỗ chơi an toàn, trẻ thường tụ tập chơi với nhau và dễ bị các tai nạn thương tích như ngã, bỏng, súc vật cắn, đuối nước...

 Ở nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hè về, lũ trẻ lại theo chân cha mẹ lên nương, lên rẫy, ra đồng để chơi.

Chị Nguyễn Thị Thuý   ở xã Định Tân (Yên Định - Thanh Hoá) cho biết, do không có sân chơi, các em thường chỉ đá bóng ở đường, ở ruộng, leo trèo trên cây hoặc tắm sông, suối… Nhiều trẻ em ở vùng này còn phải tham gia lao động phụ giúp bố mẹ.  “Mùa hè, các cháu theo cha mẹ ra đồng chơi hoặc phụ làm ruộng, không thì tập trung lại để đá bóng trên những mảnh ruộng khô hoặc tắm ở ao, hồ, sông…Trẻ em tự chơi với nhau thôi chứ cha mẹ đi làm không thể ở nhà mà trông con được”.

Cần thêm nhiều sân chơi và chương trình sinh hoạt ngoài trời cho trẻ em trong dịp hè. Ảnh minh họa.

Hiện nay, hầu hết các địa phương đều có nhà văn hóa. Không ít nhà văn hóa được xây dựng khang trang  nhưng hoạt động chưa hiệu quả, trong khi trẻ em nông thôn lại thiếu nơi vui chơi, giải trí. Anh Phạm Ngọc Hải ở xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang - Hà Giang) cho biết, mỗi lần cho con học bơi, anh phải đi hơn 10km vào tận thị trấn Vĩnh Tuy: “Thường vào thứ 7, chủ nhật tôi chở con xuống đây học bơi. Cháu lớn biết bơi rồi, còn cháu nhỏ học lớp 3 đang tập bơi. Sân chơi cho thiếu nhi hạn chế, ở nông thôn chủ yếu các em đi chơi với nhau hoặc chơi tại nhà”.

Cần sự vào cuộc của cả xã hội

Một trong những nguyên nhân của các vụ tai nạn thương tích thời gian gần đây là do thiếu sân chơi. Do vậy, trẻ có xu hướng tập trung thành các nhóm nhỏ tự tổ chức trò chơi hoặc rủ nhau đến những khu vực mát mẻ như bờ suối, bờ ao, thác nước để chơi. Thiếu sân chơi, thiếu sự giám sát của người lớn, môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn luôn đe dọa trực tiếp đến tính mạng con trẻ.

Thạc sỹ, bác sỹ Ngô Việt Hưng, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: Dịp hè, Bệnh viện Nhi tiếp nhận nhiều trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có trẻ bị đuối nước, nên các phụ huynh cần quan tâm không cho trẻ tự đi bơi hay chơi trò bạo lực.

Ngoài việc học, thì vui chơi giải trí góp phần quan trọng giúp trẻ có thể phát triển toàn diện. Bởi vậy, để giải quyết bài toán sân chơi cho trẻ trong dịp hè, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần quản lý con em trong dịp hè, tránh trẻ sa vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh và tránh những nguy cơ gây tai nạncó thể xảy ra.

Trước thực trạng thiếu không gian vui chơi cho trẻ em, bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam, cho biết, những năm gần đây, chính quyền các cấp của Hà Nội đã cùng với người dân nỗ lực tìm cách để có thêm nhiều sân chơi ngoài trời cho trẻ em, nhưng vấn đề không đơn giản.

Theo bà Lan, nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng nên trẻ em không thể tiếp cận; sân chơi bị hàng quán, các điểm trông giữ xe, chợ cóc... lấn chiếm; sân chơi không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn; sân chơi ở xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, trẻ có thể bị quấy rối, bắt nạt, bị xâm hại...

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất trong công tác quy hoạch, xây dựng thêm sân chơi công cộng là quỹ đất hạn chế. Việc di dời các cơ quan, đơn vị đang sử dụng đất tại các khu đất xen kẽ, giáp ranh khu dân cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh để bổ sung quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa còn quá chậm.

Giải quyết nhu cầu cấp thiết

Theo ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa huyện Thanh Oai (Hà Nội), mỗi xã, thôn nên có một sân chơi dành riêng cho trẻ em thì mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ. Chứ như hiện nay, chỉ có sân chơi đúng nghĩa dành cho trẻ em ở khu trung tâm huyện thì không giải quyết được vấn đề, bởi trẻ em tại những thôn, xã xa trung tâm không thể tới thường xuyên.

Còn chị Lê Thùy Dương, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ (phường Hàng Buồm) cho rằng, chúng ta đang lãng phí vô cùng khi trường học, nơi có sân rộng với những hàng cây rợp bóng nhưng thường đóng cửa suốt cả mùa hè, nhất là ở những vùng quê.

 PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học, chia sẻ: Để thiết kế một sân chơi an toàn cho trẻ không quá khó và cũng không quá tốn kém, nhưng do nhận thức về nhu cầu vui chơi của các em ở nhiều nơi chưa đúng nên sự đầu tư không diễn ra như ý.

Rõ ràng, để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như của người dân. Chỉ có nhận thức đúng đắn và sự đồng lòng của cả cộng đồng thì mới mong giải quyết tận gốc nỗi lo không có chỗ chơi cho trẻ trong dịp nghỉ hè.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH gợi ý, cần tăng cường vai trò của Đoàn thanh niên các cấp trong việc phối hợp cùng nhà trường và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hơn các sân chơi hè cho trẻ em, bảo đảm vui, khỏe, an toàn, bổ ích. Hoạt động nào cần kinh phí thì kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phụ huynh. Hình thức tổ chức các sân chơi hè cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với độ tuổi, đặc điểm từng vùng, từng địa phương để thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em. Có như vậy, các em mới có một mùa hè thật sự an toàn, bổ ích và phụ huynh cũng vơi bớt nỗi lo.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top