Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã thấm sâu vào tiềm thức người dân xứ Thanh nói chung và huyện Như Xuân nói riêng. Người dân nơi đây luôn sẵn sàng hiến đất, đóng góp công sức, tài sản của mình để địa phương hoàn thành mục tiêu XDNTM.
Hợp lòng dân, khó mấy cũng thành
Tuy là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng không phải thế mà công cuộc XDNTM ở Như Xuân chậm bước. Men theo những con đường vào thôn ở các xã trên địa bàn, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh bờ rào, cây cối được đốn ngã, hay một góc nhà đã phá dỡ, những chiếc máy múc đang rì rầm cào phế thải cho lên xe chở đi để người dân làm đường rộng, thông thoáng. Hay nhiều tuyến đường mới đang được hình thành để mở ra mạng lưới giao thông, kết nối thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế-xã hội.
Tháo dỡ công trình hộ dân hiến đất.
Dự án tuyến đường Cát Vân đi Hóa Quỳ có tổng chiều dài toàn tuyến 11,1km; tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Tổng diện tích thu hồi để thực hiện dự án 11ha, 140 hộ dân bị ảnh hưởng. Nơi đây, nhiều hộ dân điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng vẫn tình nguyện hiến đất, nhà ở, tường rào để thi công tuyến đường, như hộ ông Lê Phúc Huy ở thôn Thịnh Lạc, xã Hóa Quỳ.
Ông Huy cho biết, dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng được sự vận động, tuyên truyền của chính quyền, đoàn thể các cấp đến từng ngõ, gõ từng nhà, tôi hiểu được XDNTM, đầu tư mở rộng đường thông thoáng, khang trang, thuận lợi giao thông để phát triển kinh tế cho chính mình, xây dựng quê hương giàu đẹp. Có thể, hiện tại chúng tôi hưởng ít, nhưng tương lai con cái được hưởng thụ nhiều hơn.
Tại địa bàn xã Cát Vân, ông Lê Văn Toàn (thôn Vân Thượng) cho biết: Cát Vân là xã miền núi còn rất nhiều khó khăn, đi lại vất vả, khó để bà con nơi đây phát triển kinh tế. Bản thân tôi nhận thấy phải làm việc gì đó để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Thấm nhuần chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi tự nguyện hiến hơn 600m2 đất rừng sản xuất, cây trồng lâu năm (ước giá trị hơn 100 triệu đồng) và vận động bà con cùng tham gia hiến đất để làm đường, giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng đẹp hơn.
Theo ông Toàn, với đường lối đúng đắn, sự quyết tâm thực hiện của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, đoàn kết của Nhân dân thì việc khó mấy cũng thành. Hơn ai hết, người dân sẽ nhận thấy sự thay đổi được hiện ra trước mắt, diện mạo nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần sẽ được nâng cao.
Người dân cùng chính quyền địa phương chung tay thực hiện tháo dỡ công trình tường rào, giữ lại những bức rào còn tốt để người dân tận dụng xây dựng lại.
Đang trên công trường giải phóng mặt bằng tại địa bàn xã Cát Tân, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Xuân, chia sẻ: Ban chỉ đạo XDNTM của huyện rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực từ địa phương, gặp gỡ và truyền tải đến từng hộ dân để họ hiểu đường giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quyết định đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.
Trong quá trình triển khai vận động, các địa phương đều thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên huy động sức mạnh và nguồn lực từ Nhân dân với khẩu hiệu “lấy sức dân để lo cho dân”. Nhờ đó, phong trào hiến đất làm đường ở Như Xuân được lan tỏa mạnh mẽ.
Thành công có sự đóng góp của truyền thông
Theo ông Tuấn, dự án tuyến đường nối trung tâm 2 xã Cát Vân và Hóa Quỳ có 2 làn bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, do vậy, không bố trí được nguồn kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường cùng với Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện, chính quyền xã Cát Vân trực tiếp tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, tài sản, hoa màu để thực hiện dự án. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Nhân dân, nhanh chóng tạo mặt bằng sạch bàn giao đất để triển khai dự án.
Tuyến đường mẫu khang trang, sạch đẹp của xã Bãi Trành.
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: XDNTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã phát huy được tinh thần đại đoàn kết, quyền làm chủ của Nhân dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân không riêng gì trên địa bàn huyện Như Xuân mà lan tỏa khắp cả nước.
Thời gian qua, huyện luôn xác định XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm. Vì thế, địa phương đã lựa chọn một số nội dung song song với việc XDNTM, tạo được một số mô hình, điểm nhấn của huyện như phong trào người dân hiến đất làm đường giao thông đã được lan tỏa sâu rộng. Đến nay, toàn huyện có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 54 thôn đạt tiêu chí nông thôn mới, 3 thôn đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh thuận lợi, huyện Như Xuân còn gặp vấn đề khó khăn trong huy động nguồn lực trong Nhân dân, do đây là huyện miền núi, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập chưa cao. Bên cạnh đó, công trình nhà văn hóa của các địa phương đã xuống cấp trầm trọng, không có nguồn kinh phí để xây dựng hoàn thành tiêu chí. Nhân dân trong huyện đã phá dỡ nhà cửa, cây cối, các công trình để hiến đất làm đường giao thông, nhưng chưa có kinh phí để xây dựng khang trang...
Do điều kiện thực tế, huyện cần có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giúp rút ngắn khoảng cách với đồng bằng. Như tiêu chí nước sạch tập trung, tỉnh Thanh Hóa đã có giải pháp tháo gỡ “nút thắt” giúp các địa phương trong huyện hoàn thành tiêu chí 17.1.
Theo ông Tuất, thành công trong XDNTM có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí, trong đó có Kinh tế nông thôn, giúp nông dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp và XDNTM. Nhờ đó, không chỉ giúp hiểu rõ về Chương trình XDNTM, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên cũng như nhận thức của chính người dân về vai trò, vị trí của mình và của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước.