Được chính thức khởi động từ tháng 9/2022, Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đến nay cơ bản đạt mục tiêu đề ra, bước đầu tạo ra những kết quả rất đáng phấn khởi.
Ngày 27/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo đánh giá tác động của Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Hội thảo nhằm đánh giá về nhận thức và các hoạt động cụ thể của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái …
Ông Lê Quang Thích, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Ban Điều hành Dự án, cho biết: Ngày 09/3/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đại diện lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan để đánh giá và đề xuất các mục tiêu, những hoạt động triển khai dự án và khả năng phối hợp, lồng ghép với các chương trình khác ở địa phương vùng Dự án.
Ông Lê Quang Thích, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo tham vấn, các ý kiến đều cho rằng, Dự án triển khai thành công thì cộng đồng tại vùng dự án sẽ hưởng lợi và phát triển sinh kế bền vững gắn với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái san hô, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và tri thức bản địa.
Nhận thấy được quyết tâm triển khai Dự án của Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu Liên Hợp quốc Nguyễn Thị Thu Huyền; sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp hỗ trợ từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Sở NN& PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Bình Sơn; Liên hiệp các Hội KHKT đã trình và được UBND tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí đối ứng thực hiện Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” có sự tài trợ của Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ - Quỹ Môi trường toàn cầu Liên Hợp quốc và giao cho Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh chủ trì thực hiện chính thức là từ đầu 2023 đến nay.
Mục tiêu lâu dài của dự án là góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhiều hoạt động của Dự án có ý nghĩa cho cộng đồng
Dự án tổ chức cho cộng đồng học tập, trao đổi kinh nghiệm các Dự án UNDP/GEF - SGP đang triển khai để tăng cường kỹ năng quản lý sử dụng tài nguyên môi trường, du lịch cộng đồng tại Hoà Bắc (Đà Nẵng) và Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam); tăng cường kiến thức kỹ năng trong quản lý sản phẩm cộng đồng, HTX du lịch cộng đồng tại HTX Bình Thành (huyện Nghĩa Hành); kinh nghiệm tổ chức Tổ, Hội cộng đồng về hoạt động giao quyền đồng quản lý trong bảo vệ rạn san hô và các hệ sinh thái của các Dự án UNDP/GEF - SGP đang triển khai tại Phú Yên, Khánh Hoà và Bình Thuận.
Tư vấn, hướng dẫn cộng đồng thành lập, tư vấn, xây dựng phương án và Quy chế tổ chức hoạt động của Tổ cộng đồng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Gành Yến và Tổ cộng đồng bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn Bàu Cá Cái. Tuy chưa có Quyết định của UBND huyện giao quyền đồng quản lý cho Tổ cộng đồng nhưng trên thực tế cộng đồng đã tham gia bảo vệ; gìn giữ hệ sinh thái Bàu Cá Cái gắn với làm du lịch cộng đồng.
Tổ chức các lớp học trải nghiệm tại các điểm đến Bàu Cá Cái (Bình Thuận), Gành Yến (Bình Hải), Cà Ninh (Bình Phước), Làng Gốm Mỹ Thiện (Thị trấn Châu Ổ) để sinh viên tìm hiểu về hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, hoạt động khai thác thủy hải sản gắn với bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, bảo vệ môi trường biển; các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng của người dân địa phương; đồng thời chia sẻ, kết nối và giao lưu tri thức đến mọi người tham gia học tập. Hướng dẫn cộng đồng xây dựng Phương án thực hiện Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng...
Quảng bá các điểm đến Dự án thông qua sản phẩm số hóa, các chuyên mục truyền thông của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Các cơ quan, đơn vị quảng bá trên trang Thông tin điện tử, các Tổ cộng đồng tổ chức các hoạt động quảng bá điểm đến Dự án trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội...
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, Chuyên gia của Dự án chỉ ra: “Một tour du lịch học tập cộng đồng được xác định và triển khai trong thời gian qua với hàng chục lớp học từ các trường đại học về với địa phương đã và đang khẳng định sự hợp tác hiệu quả cũng như phát huy được tính sáng tạo của người dân tham gia vào bảo tồn, bảo vệ môi trường, hướng sinh kế hài hòa trong phát triển công nghiệp và giữ gìn truyền thống địa phương...
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh chia sẻ tại Hội thảo.
Thầy Tô Văn Hạnh, Đại học sư phạm (ĐH Đà Nẵng), chia sẻ: Qua thực tiễn thực hoạt động du lịch học tập cộng đồng được tổ chức tại địa phương cho thấy, du lịch học tập cộng đồng là một loại hình du lịch hay một hình thức hoạt động du lịch đòi hỏi rất nhiều về năng lực cộng đồng. Đây là vấn đề còn nan giải tại các địa phương, bởi đa phần cộng đồng năng lực còn hạn chế. Hoạt động dạy và học thông qua du lịch học tập tại Bình Sơn qua 5 đợt cho thấy những tiến triển đáng khích lệ trong năng lực cộng đồng.
Thầy Tô Văn Hạnh Đại học sư phạm (ĐH Đà Nẵng) trao đổi tại Hội thảo.
Dự án được người dân đồng tình ủng hộ
Sau 02 năm triển khai, nhờ sự quan tâm của UNDP/GEF SGP, trực tiếp là Điều phối viên quốc gia Nguyễn Thị Thu Huyền cùng với sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan, UBND huyện Bình Sơn, 03 xã: Bình Hải, Bình Thuận, Bình Phước và Thị trấn Châu Ổ, sự cố gắng nỗ lực, tâm huyết của các chuyên gia nên Dự án cơ bản đã đạt được những mục tiêu đề ra, bước đầu đã tạo ra những kết quả rất đáng phấn khởi.
Chèo xuồng, ngắm cảnh, tìm hiểu quá trình hình thành và vai trò Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái.
Dự án đã được người dân đồng tình ủng hộ, hăng hái, nhiệt tình tham gia phát triển sinh kế theo hướng bền vững, tự giác tổ chức thu gom rác thải, trồng cây xanh, trồng hoa, vệ sinh khu vực Dự án… Bước đầu lan tỏa thái độ ứng xử văn minh lịch sự với khách du lịch, biết tìm hiểu, tự hào về nét đẹp văn hóa và tri thức bản địa. Đây là một mô hình mới có ý nghĩa thiết thực cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, lấy con người làm nhân tố trung tâm.
Đến nay, bước đầu cộng đồng đã tham gia hình thành được các điểm du lịch tại Bình Hải, Bình Thuận, Bình Thuận và Thị trấn Châu Ổ; với mạng lưới gắn kết với các điểm du lịch như: Làng Gốm Mỹ Thiện, nhà trưng bày ông Lâm Dũ Xênh, điểm du lịch Gành Yến, Bàu Cá Cái và Rừng Dừa nước Cà Ninh, với các sản phẩm du lịch chủ yếu khám phá tham quan hệ sinh thái, và văn hóa lịch sử với lượng khách trong năm 2023 với hơn 23.000 lượt khách đến tham quan.
Năm 2024, trong dịp đầu năm mới Giáp Thìn, cộng đồng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Gành Yến ở xã Bình Hải (Bình Sơn) xây dựng các điểm check-in tại Gành Yến, không xây dựng kiên cố, không làm ảnh hường đến tác động môi trường biển nhằm phục vụ nhu cầu du Xuân cho du khách và Nhân dân. Tổ cộng đồng bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn tổ chức vận hành khai thác Khu du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái thực hiện Kế hoạch triển khai “Năm du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái” xã Bình Thuận.
Dự án đã có những tác động rất tích cực, nhận thức của chính quyền và cộng đồng được nâng lên rõ nét; hầu hết người dân đều tự giác giữ gìn, vệ sinh môi trường, trồng hoa, làm đẹp đường thôn xóm; hạn chế các hành vi khai thác thuỷ sản trái phép; quan tâm, tin tưởng, đồng tình và mong muốn được góp sức quản lý bảo vệ cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái rạn san hô Gành Yến, hệ sinh thái rừng ngập mặn Bàu Cá Cái, rừng dừa nước Cà Ninh và bảo tồn các di sản văn hoá bản địa tại địa phương.
Ông Lê Quang Thích, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, nhấn mạnh: “Dự án tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng; nâng cao khả năng và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể địa phương trong triển khai thực hiện Dự án…”.