Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 7 năm 2024 | 9:51

Hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” của cựu chiến binh huyện Long Phú

Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã góp phần tập hợp, vận động đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.

Huyện ủy Long Phú tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.

Phong trào “Dân vận khéo” đã gắn kết, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là đối với các cấp Hội Cựu chiến binh huyện Long Phú, hình thành, duy trì, nhân rộng và lan tỏa rộng khắp trên toàn địa bàn, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, gương mẫu, nhiệt tình đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, kiến thiết quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.

Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, gắn với đô thị văn minh, với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong huyện Long Phú  nói chung, của các cấp Hội Cựu Chiến binh nói riêng, đã tạo sức lan tỏa rộng khắp và có sức ảnh hưởng đến đời sống xã hội của hội viên và người dân. Đến nay, các cấp Hội Cựu chiến binh ở Long Phú đã phát triển, duy trì và nhân rộng được trên 100 mô hình “Dân vận khéo”, ở tất cả lĩnh vực (của tập thể và cá nhân). Nổi bật là phát huy và nhân rộng các mô hình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, luôn được các cấp Hội quan tâm; đây là  mục tiêu thi đua quan trọng đòi hỏi các cơ Hội và hội viên hết sức nỗ lực.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua “Cựu Chiến binh gương mẫu” và Phong trào “Cựu Chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Ông Thạch Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Long Phú, cho biết: “Thực hiện các Phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cán bộ, hội Cựu chiến binh đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nhanh chóng thoát nghèo và làm giàu chính đáng, nổi bật là phong trào vận động hội viên đóng góp các loại quỹ, góp vốn xoay vòng, các hoạt động hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, với số tiền gần 2,5 tỷ đồng”.

Mô hình “Dân vận khéo” cựu chiến binh xã Hậu Thạnh tham gia phòng, chống tội phạm.

Ngoài những đồng vốn tự có của Hội, các cơ sở Hội còn quản lý tốt  nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh huyện Long Phú đang duy trì và phát triển được 66 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, qua đó, tạo điều kiện cho 4.334 lượt hội viên vay, với số tiền trên 115 tỷ 160 triệu đồng. Từ nguồn vốn của Hội, nguồn vốn từ các chương trình, dự án cho vay, đã tạo điều kiện cho cán bộ, hộ hội viên nghèo và các đối tượng chính sách có nguồn vốn mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như hộ ông Đặng Văn Nghĩa, hội viên ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh. Sau khi xuất ngũ, chỉ hai bàn tay trắng, nhờ sự đùm bọc của đồng đội, sự hỗ trợ kịp thời của Chi hội, nhất là bản chất cần cù, siêng năng, chịu thương, chịu khó, khi lập gia đình, ông Nghĩa mượn đất người quen cất chòi ở tạm.

Mô hình rau, màu xen canh của Hội Cựu chiến binh xã Tân Thạnh.

Với ý chí và bản lĩnh của người lính, hai vợ chồng ông không ngại gian khổ, quanh năm sống với nghề làm thuê, mướn. Chỉ sau một thời gian, vợ chồng ông Nghĩa tích cóp sang được 02 công (1 công = 1.000m2) đất ruộng. Làm lúa không hiệu quả, nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn của Chi hội, ông mạnh dạn lên liếp trồng dừa Xiêm Mã Lai. Mấy năm nay đã cho thu hoạch, mỗi tháng trên 10 triệu đồng; tận dụng mặt nước ao nuôi cá, dưới tán dừa, ông nuôi vịt Xiêm thịt, vịt đẻ lấy trứng, kiếm thêm thu nhập; đồng thời tận dụng đất trống, xây bể nuôi lươn không bùn, trồng thêm rau, mỗi năm có thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng. Không chỉ tự mình vươn lên thoát nghèo, mà còn xây dựng được cơ ngơi vững chắc, nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn. Gia đình ông Nghĩa không chỉ là tấm gương điển hình vượt khó, mà còn trở thành cựu chiến binh gương mẫu. Điều đáng quý là, ông Nghĩa không chỉ tự mình vươn lên làm kinh tế, mà còn tích cực hỗ trợ đồng đội,  bà con xóm giềng cùng vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đó chỉ là một trong nhiều mô hình “Dân vận khéo” được các cấp Hội Cựu chiến binh huyện Long Phú duy trì, nhân rộng, không chỉ lan tỏa rộng khắp, mà còn phát huy hiệu quả. Điển hình như Hội Cựu chiến binh xã Hậu Thạnh, với mô hình “Dân vận khéo”, không sản xuất lúa vụ 3, chuyển sang mô hình đưa màu xuống chân ruộng, của Chi hội ấp Ngọn; mô hình “Dân vận khéo” nuôi bò sinh sản của hội viên Chi hội ấp Bờ Kinh; mô hình làm kinh tế tổng hợp, của hội viên Chi hội ấp Chùa Ông; mô hình trồng mít Thái của hội viên Chi hội ấp Mây Hắt; mô hình trồng bưởi da xanh, trồng bông thiên lý, … của các Chi hội ấp Phố, ấp Mây Hắt,… Những mô hình này không chỉ giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, mà còn mang lại thu nhập từ 200 - 800 triệu đồng/năm/mô hình. Từ đó, Hội Cựu chiến binh xã Hậu Thạnh, thị trấn Đại Ngãi… đã xóa trắng hộ hội viên nghèo nhiều năm nay. Toàn huyện có 45/61 Chi hội không còn hội viên nghèo và Hội phấn đấu không còn hộ hội viên nghèo vào năm 2025.

Tham quan mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của hội viên cựu chiến binh xã Châu Khánh.

Có cuộc sống ổn định, hội viên cựu chiến binh nhiệt tình tham gia vào công tác Hội, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội ở mỗi địa phương. Đặc biệt, có 11/11 cơ sở Hội xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vận động hội viên và Nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh (mỗi cơ sở Hội  có từ 02 – 05 mô hình). Do đó, cán bộ, hội viên đã tham gia phát hoang, sửa chữa, đắp lề lộ giao thông nông thôn được trên 130km; đóng góp sửa chữa và xây mới 43 cây cầu; mở rộng, đắp lề lộ đảm bảo an toàn giao thông nông thôn được hơn 122km, với gần 6.000 ngày công lao động. Trồng cây xanh, hoa kiểng, hình thành tuyến đường nông thôn kiểu mẫu dài trên 14km; thay thế và lắp mới 556 bóng đèn chiếu sáng, hình thành tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn; có 134 hộ gia đình hội viên hiến 14.760m đất, mở rộng đường đạt chuẩn nông thôn mới; đóng góp kinh phí và ngày công lao động nạo vét các kênh thủy lợi tạo nguồn, trị giá gần 02 tỷ đồng.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được tăng cường đã góp phần gắn kết, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước ở các cấp Hội Cựu chiến binh trong huyện Long Phú, gắn với các phong trào thi đua của Hội, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên các lĩnh vực; tạo sự đồng thuận trong xã hội, huy động nhiều lực lượng, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; góp phần tích cực sớm đưa Long Phú về đích huyện nông thôn mới.

 

       

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
Top