Tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch về triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm.
Mai Châu điểm du lịch lý tưởng để du khách tìm đến mỗi dịp cuối tuần.
Theo đó, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; đưa huyện Yên Thủy, huyện Cao Phong xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang tính đặc trưng của địa phương; nâng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2 triệu lượt/năm.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.
Đối tượng thực hiện là các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn. Đặc biệt là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nông thôn có nhu cầu khai thác và liên kết phát triển du lịch nông thôn.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Cùng với đó, xây dựng 6 giải pháp cụ thể: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông thôn; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn; tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành có liên quan; các huyện, thành phố tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình trong Kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Tuyên truyền, quảng bá du lịch nông thôn thông qua các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP. Đề xuất hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các mô hình du lịch đã được UBND tỉnh đăng ký tham gia triển khai Chương trình du lịch phát triển nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành có liên quan; các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung nội dung phát triển du lịch nông thôn trong Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn; khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn và hướng dẫn thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn. Lồng ghép, tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn trong và ngoài nước. Đánh giá, công nhận điểm du lịch nông thôn theo Bộ tiêu chí về công nhận điểm du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Các cơ quan, ban, ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch giai đoạn 2022-2025 và hàng năm để tổ chức triển khai Chương trình; lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.