Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 8 năm 2023 | 15:47

Hoa hòe - dược liệu chống ôxy hóa, giảm stress, chống loãng xương

Hoa hòe là dược liệu quen thuộc với người Việt, có tác dụng chống oxy hóa, giảm stress, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus, chống loãng xương, hạ đường huyết.

Hoa hòe - dược liệu có tác dụng chống oxy hóa, giảm stress, kháng viêm... Đồ họa: Hương Giang

Theo cuốn sách "Một số cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác" của Dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (tháng 2.2021), do ThS-BS Nguyễn Đình Thục - Tổng Thư ký Hội Đông y Việt Nam - giới thiệu, thì hoa hòe là 1 trong số 23 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác. 

Hoa hòe còn có tên gọi khác: Hòe hoa, Hòe mễ... Tên khoa học: Styphnolobium japonicum (L.) Schott.

Họ thực vật: Đậu - Fabaceae.

Đặc điểm hình thái: Cây gỗ nhỏ, thường cao 4-6 m, nhưng cũng có thể tới gần 10 m, phân cành nhiều và vỏ thân, cành già nhiều vết nứt nẻ.

Lá kép lông chim, mọc so le; gồm 9-15 lá chét mọc đối, phiến lá chét mỏng hình bầu dục hoặc ô van thuôn, đầu nhọn, gốc tròn, mặt trên xanh lục, mặt dưới nhạt hơn.

Cụm hoa mọc ở đầu cành, dạng chùm, dài tới hơn 20 cm, phân nhánh. Hoa nhỏ màu trắng hoặc ngà vàng; đài hình chuông, nhẵn; cánh hoa có móng, cánh cờ hình tim rộng; nhị 10; bầu thuôn có vòi nhụy dài.

Quả đậu, dài 2,5 - 4,5 cm, thắt lại giữa các hạt. Hạt hơi dẹt, màu đen bóng.

Mùa hoa quả: Hoa: tháng 5 - 6 (7). Quả: tháng 7 - 9 (10).

Mùa thu hái vào giữa tháng 5 đến hết tháng 6 hoặc kéo dài thêm (tùy vùng trồng).

Cách thu hái: Khi chùm hoa có vài hoa bắt đầu nở và phần lớn các nụ đã lớn, có màu trắng xanh (sắp vào giai đoạn hoa nở rộ). Hái cả chùm hoa, đem phơi trên nong, nia hay sấy ngay (ở 50 - 60°C).

Sau 1 nắng (sau ngày 39 phơi đầu tiên), đem vò nhẹ cho nụ rụng ra, loại bỏ toàn bộ cuống; tiếp tục phơi thêm 2 - 3 nắng nữa cho khô thật. Hiện nay, nụ hòe còn được sấy lạnh ở áp suất cao, giữ nguyên được màu sắc, mùi vị và chất lượng cao.

Phân bố và sinh thái: Cây Hòe (hoa hòe) có nguồn gốc ở Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Cây đã được đưa vào trồng ở đây từ lâu đời và còn du nhập sang một số quốc gia khác.

Hòe được trồng khá phổ biến ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Hòe là cây ưa sáng, ưa ẩm khi còn nhỏ, sau lớn có thể hơi chịu hạn.

Ở Việt Nam, cây được trồng rải rác nhiều nơi, nhưng tập trung nhiều ở tỉnh Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Điện Biên...

Bộ phận dùng: Nụ hoa (Flos Styphnolobii japonici imaturi).

Thành phần hóa học: Hoa hòe chứa 20 - 30% rutin (vitamin P) tan trong 10.000 phần nước, 650 phần rượu, tan nhiều trong cồn và dung dịch kiềm nhẹ. Khi tan trong dung dịch kiềm, vòng cromen bị phá hủy, dung dịch có màu vàng, thêm acid thì kết tủa.

Ngoài rutin và quercetin hoa hòe còn chứa genistein, sophoricosid, sophorabiosid và kaemferol. Hạt chứa 1,75% flavonoid, trong đó có 0,5% rutin và một ít alcaloid. Ngoài ra nụ hòe còn chứa betulin.

Công dụng: Dùng trong các trường hợp xuất huyết, chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, đau đầu, chóng mặt, đỏ mắt.

Tính vị, quy kinh: Khổ, vi hàn. Vào kinh Can, Đại trường. Tác dụng: Lương huyết chỉ huyết, thanh Can tả hỏa.

Liều lượng, cách dùng: 6 - 12 g/ngày, sắc hoặc hãm lấy nước uống. Sao đen khi dùng để cầm máu.

Chú ý: Không dùng cho người không thực hỏa.

Hoa hòe là dược liệu có tác dụng chống oxy hóa, giảm stress, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus, chống loãng xương, hạ đường huyết.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - khuyến cáo, người dân khi muốn sử dụng các loại dược liệu, thuốc nam, thuốc đông y để chữa bệnh thì cần phải nhớ rằng, thuốc đông y cũng giống như thuốc tây y, đều phải do thầy thuốc khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định, kê đơn phù hợp với loại bệnh.

 

Hương Giang/Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Top