Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 7 năm 2024 | 21:9

Huyện Nghi Lộc phấn đấu đạt NTM nâng cao trong năm 2025

Phấn đấu hết năm 2024, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cơ bản hoàn thành các nội dung, tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao để đến năm 2025 trình Trung ương thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Ngày 30/7, UBND tỉnh Nghệ An làm việc với huyện Nghi Lộc để nghe và cho ý kiến về kế hoạch xây dựng huyện Nghi Lộc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Nghi Lộc đã có 10/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 35,71%; trong đó có 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về giáo dục. Dự kiến, trong tháng 8 tới sẽ trình tỉnh thẩm định, xét công nhận thêm 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm 2024, Nghi Lộc có ít nhất 20/28 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.

Mô hình dưa lưới công nghệ cao tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Lưu Khuyên

Huyện Nghi Lộc đang tập trung cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng các tiêu chí huyện NTM nâng cao. Tính đến nay, huyện đã đạt 2/9 tiêu chí; 17/38 nội dung về huyện nông thôn mới nâng cao.

Cùng với đó, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, có cơ chế ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ huyện thực hiện hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao. Đồng thời, đề xuất các sở, ngành phối hợp với huyện để tiếp tục thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí chưa đạt.

Và đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam xây dựng và triển khai kế hoạch hoàn thiện hạ tầng xử lý rác thải, xử lý nước thải Khu công nghiệp Nam Cấm. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành thi công các công trình: Kênh tiêu dọc đường N5, kênh tiêu xung quanh khu công nghiệp WHA2.

Hiện tại, huyện Nghi Lộc đã có 10/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao... Ảnh: Lưu Khuyên

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị huyện Nghi Lộc chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, thích hợp với biến đổi khí hậu, tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc sản thành sản phẩm OCOP. Đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện chương trình, kêu gọi sự chung tay góp sức từ doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác, bên cạnh đó là sự phát huy tối đa nội lực của địa phương.

Đặc biệt, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn huyện thực hiện hoàn thành các tiêu chí còn thiếu, cùng đó hướng dẫn huyện hoàn thiện hồ sơ trình thẩm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hồ sơ minh chứng.

 

Lưu Khuyên
Ý kiến bạn đọc
Top