Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, bền vững, toàn diện và có chiều sâu.
Xác định xây dựng NTM là hành trình dài, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Nghi Lộc đang nỗ lực, huy động mọi nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng NTM theo hướng bền vững, đi sâu về chất lượng.
Từ xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của huyện Nghi Lộc có bước chuyển mình rõ nét, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các thành phần kinh tế, các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn phát triển mạnh, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Về xã ven biển hay vùng xa của huyện Nghi Lộc hôm nay, có nhiều đổi thay với những con đường bê tông rộng rãi, cơ sở hạ tầng khang trang, những ngôi nhà cao tầng san sát…
Huyện Nghi Lộc phát triển toàn diện sau hơn 10 năm xây dựng NTM
Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Nghi Lộc đã huy động tốt các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông huyện, xã, thôn xóm. Trong đó, huyện đã cấp 1909,2 tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn.
Toàn huyện xây dựng được hơn 10,6 km đường giao thông nông thôn trong 5 tháng đầu 2024, tập trung ở các xã: Nghi Văn, Nghi Trường, Nghi Thịnh.
Các xã đã tích cực lồng ghép các nguồn vốn cùng với huy động nội lực sức dân để xây dựng, nâng cấp được 27,4 km kênh mương; huy động 86.500 ngày công tham gia tu sửa, khơi thông, nạo vét kênh mương với khối lượng đào đắp 77.500 m3; đắp tu bổ bờ vùng, bờ thửa với khối lượng 48.100 m3; sữa chữa, nâng cấp 7 trạm bơm, 3 hồ đập, hàng trăm km bờ vùng, bờ thửa nội đồng phục vụ cho yêu cầu sản xuất.
Tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện đảm bảo ổn định phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong đó, lắp thêm 7 trạm biến áp mới; cải tạo, thay mới 45 máy biến áp; nâng cấp, cải tạo 20km đường dây trung thế, hạ thế; xuất tuyến đường dây cho 35 trạm trên địa bàn; thay thế làm mới 150 cột điện hư hỏng cho toàn huyện.
Giao thông nông thôn ở các xã vùng núi, vùng biển, vùng đồng bằng đều được đầu tư xây dựng đồng bộ
Đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, hạ tầng kỹ thuật nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật như: Xây mới và đưa vào sử dụng 175 phòng, trong đó 112 phòng học tập, 63 phòng quản trị, hỗ trợ, phụ trợ khác; 4 nhà tập đa chức năng, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố, đạt chuẩn 3 cấp học là 1.368/1.414 phòng học, đạt tỷ lệ 97%; nâng cấp, sửa chữa trạm y tế các xã.
Hiện nay, huyện đã Phân bổ 1,975 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ và hướng dẫn triển khai xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở các xã Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Hoa, Nghi Yên, Nghi Quang, Phúc Thọ, Nghi Trung.
Huyện Nghi Lộc có 30 mô hình nhà lưới sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, với diện tích trên 78.323 m2, tổng kinh phí đầu tư 36,879 tỷ đồng (trong đó nhà nước hỗ trợ 8,350 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp). Sản lượng hằng năm đạt hơn 306 tấn, doanh thu đạt trên 14,539 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 150 lao động, với thu nhập bình quân 79 triệu đồng/người/năm. Các hợp tác xã tích cực, chủ động tìm hướng đi trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng 3 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các xã Nghi Phương, Nghi Lâm, Nghi Thái. Mô hình đã phát triển và được nhân rộng trên địa bàn.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã phát huy hiệu quả về kinh tế
Phát huy thế mạnh của địa phương, những năm qua, huyện Nghi Lộc đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa nhiều sản phẩm địa phương vươn xa ra các thị trường rộng lớn, tạo cơ hội cho nông sản khẳng định vị thế trên thị trường. Cụ thể, đến nay, toàn huyện đã có 30 sản phẩm đạt OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên. Trong đó, 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao là bộ môi muỗng gỗ Hồng Sơn Nghi Lâm và 29 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực
Tập trung chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, đến nay, Nghi Lộc có 88/90 trường đạt chuẩn, đat tỷ lệ 97,7%, xếp tốp đầu trong toàn tỉnh. Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; xây dựng Kế hoạch Đào tạo nghề - Giải quyết việc làm được quan tâm. Năm 2024, giải quyết việc làm cho 823 lao động, trong đó (trong đó xuất khẩu 178 lao động). Cùng với đó, huyện tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kết quả tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,2%, bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt trên 5,18%. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Diện mạo khu vực nông thôn của huyện Nghi Lộc ngày càng đồng bộ, khang trang
Huyện đã xây dựng mới 69 nhà văn hóa xóm đạt chuẩn; có thêm các xã Nghi Thuận, Nghi Mỹ, Nghi Phong, Nghi Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Nghi Văn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lĩnh vực giáo dục. Huyện đã hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh thẩm định đối với xã Nghi Thạch; hoàn thiện hiện trường, hồ sơ tiếp tục trình thẩm tra, thẩm định các xã Khánh Hợp, Nghi Diên, Nghi Lâm, Nghi Thái đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Năm 2024, huyện Nghi Lộc phấn đấu về đích NTM nâng cao, các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra sẽ được cấp uỷ, chính quyền tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện. Tin rằng, từ điểm sáng về xây dựng NTM nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Nghi Lộc sẽ tiếp tục nâng lên, diện mạo khu vực nông thôn sẽ càng khang trang, văn minh, hiện đại.
Thẩm tra kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Nghi Vạn.
Ông Nguyễn Bá Điệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, cho biết: "Khối lượng công việc cần thực hiện trong xây dựng NTM còn rất lớn, trong điều kiện nguồn lực đầu tư có xu hướng giảm, thời gian tới, huyện sẽ huy động, bố trí và thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác. Trong đó, huyện ưu tiên tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao theo lộ trình; đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM. Tiếp tục huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân, từ đó tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực để thực hiện các tiêu chí ở các địa phương”.