Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 9 năm 2022 | 12:2

Khai thông nguồn lực và mở rộng lối ra cho tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Cán bộ Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) giới thiệu sản phẩm với khách hàng tại một hội chợ.  (Ảnh: Hương Giang)

 

Hà Nội: Mở rộng lối ra cho tiêu thụ nông sản

Hiện nay, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ nhằm giới thiệu các mặt hàng nông sản đến đông đảo người tiêu dùng...

Theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ Đồng Thái (huyện Ba Vì) Phùng Quốc Lượng, năm 2021, do dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ nông sản của hợp tác xã bị ảnh hưởng lớn. Đến nay, thông qua các hội chợ, việc tiêu thụ nông sản của hợp tác xã tăng 5-10% so với các năm trước. Đặc biệt, nhờ bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Thủ đô, hợp tác xã đã mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) Lê Văn Tám, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, hợp tác xã đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số doanh nghiệp. Mỗi ngày, hợp tác xã sản xuất được gần 50.000 ống hút ECOS; 10 tấn dưa vàng Kim Hồng Ngọc... cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị với giá ổn định.

Trao đổi về hướng đi mới của các hợp tác xã nông nghiệp thời gian qua, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, huyện có 31 hợp tác xã. Đến nay, các hợp tác xã không chỉ làm tốt khâu dịch vụ trong sản xuất mà còn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua hệ thống phân phối bán hàng hiện đại. Nhiều hợp tác xã đã đứng vững trên thị trường và ngày càng mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Đỗ Huy Chiến, để hỗ trợ các hợp tác xã có thêm kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, vừa qua Liên minh Hợp tác xã thành phố đã mở một khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại quận Hà Đông. Đây sẽ là điểm kết nối, giao thương hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển cho các hợp tác xã. “Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều hợp tác xã đã ký kết được một số hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với hệ thống phân phối, chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển cho các hợp tác xã sau giai đoạn dài ảnh hưởng dịch bởi Covid-19”, ông Đỗ Huy Chiến cho biết thêm.

Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn hợp tác xã có quy mô sản xuất - kinh doanh nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa cao; nhiều sản phẩm nông sản chưa có thương hiệu, chưa được gắn QRcode để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn cho việc mở rộng thị trường... Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm, bên cạnh kết nối với các khách hàng tiềm năng, hợp tác xã đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, giữ uy tín trong sản xuất, kinh doanh.

Về lĩnh vực này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Đỗ Huy Chiến khẳng định, từ nay đến cuối năm 2022, hệ thống Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương sản phẩm cho thành viên. Ngoài các chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp, Liên minh Hợp tác xã thành phố đẩy mạnh tập huấn kỹ năng, phương thức tiêu thụ sản phẩm trực tuyến thông qua nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktokshop...), từng bước chuyển đổi phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục cùng các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã...

Vĩnh Phúc: Khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt phát triển nông nghiệp bền vững

Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh; triển khai và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trực thuộc; xây dựng Đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Qua đó, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

 

HTX nông nghiệp xanh Đào Gia (thị trấn Tứ Trưng- Vĩnh Tường) phát triển nông sản sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình số 01/2020 của Tỉnh ủy về “Cải thiện môi trường đầu tư, khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế”, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ) trong toàn ngành thông qua các hội nghị giao ban, sinh hoạt chi bộ và trên Website của ngành.

Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 3 Nghị quyết về cơ chế, chính sách như: Nghị quyết số 06/2020 về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 19/2020 về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 20/2020 về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, chương trình, kế hoạch, dự án để triển khai thực hiện, trong đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 708/2021 phê duyệt Đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ngành NN&PTNT.

Để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ nút thắt trong phát triển kinh tế, Sở NN&PTNT đã tập trung nguồn lực, bám sát các nhiệm vụ được giao, đề ra các giải pháp, lộ trình, phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Sở để triển khai thực hiện; tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách mới.

Tính hết tháng 7/2022, sở đã hoàn thành 4 nội dung, đề nghị bỏ ra khỏi danh mục 5 nội dung và đang tiếp tục thực hiện 6 nội dung xây dựng các Đề án, chương trình, kế hoạch cơ chế, chính sách thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế.

Nhằm cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 15 về kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết; rà soát, thực hiện các phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.

Công bố, công khai kịp thời những thay đổi của bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên trang thông tin điện tử của Sở và tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở; xây dựng và ban hành kế hoạch CCHC.

Đến nay, Sở đã có 78 TTHC được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, 11 TTHC tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả tại các đơn vị thuộc Sở.

Từ năm 2021 đến tháng 6/2022, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở đã tiếp nhận 23.313 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 23.268 hồ sơ trước và đúng hạn đạt 99,8%.

Nhờ linh hoạt triển khai các giải pháp, đến nay, tỷ lệ giống lúa chất lượng của tỉnh đạt 95% tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh, cơ giới hóa trong khâu làm đất bằng máy chiếm trên 95%, thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70% tổng diện tích.

Sản xuất chăn nuôi phát triển khá, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất.

Năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh năm 2010) của tỉnh tăng 4,81% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2021, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra (mục tiêu 1,5-2,0%/năm); tỷ lệ che phủ rừng đạt 25%, đạt mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Tiếp tục khai thông các nguồn lực, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế, thời gian tới, ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm; từng bước mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật sản xuất tiên tiến ở các nơi có điều kiện nhưng không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống, phù hợp với trình độ dân trí và trình độ KT-XH của từng vùng.

Triển khai các mô hình khuyến nông theo chuỗi từ sản xuất đến bảo quản, sơ chế và tiêu thụ nông sản; khuyến khích, hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu nông sản chủ lực.

Cùng với đó, thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và các luật chuyên ngành để tăng cường đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chuỗi; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi; nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nội đồng và củng cố các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở; chuyển đổi cơ chế quản lý vận hành các công trình thủy lợi theo định hướng thị trường.

Thanh Hóa: Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP - cầu nối thúc đẩy hợp tác

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP. Những hoạt động này đã và đang trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.

 

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày tại Công viên Hội An (TP Thanh Hóa)

 

Sau 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sức lan tỏa rộng khắp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất. Trong đó, 236 sản phẩm của 158 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã mở ra nhiều triển vọng phát triển cho các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng, đặc sản của tỉnh.

Ông Lê Hoàng Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thường Xuân, cho biết: Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay huyện đã có 5 sản phẩm đăng ký và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP các hạng từ 3 - 4 sao. Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, huyện đã thành lập trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với chương trình, tạo điều kiện cho các đơn vị, chủ thể sản xuất trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường.

HTX dịch vụ nông - lâm nghiệp Yên Nhân là một trong những đơn vị của huyện Thường Xuân tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Qua đó, sản phẩm mật ong rừng Yên Nhân đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, doanh thu tăng 35% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bà Cầm Thị Thuyết, giám đốc HTX cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh, các sở, ngành, HTX đã tham gia quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm của đơn vị ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Đối với cơ sở sản xuất đông y Quang Anh (Quảng Xương), hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh đã góp phần mở rộng thị trường cho các sản phẩm của mình. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất, cho biết: “Nhờ có chứng nhận OCOP, chúng tôi cũng dễ dàng tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu của các thị trường cũng như hệ thống siêu thị lớn có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Hiện cơ sở sản xuất đã mở rộng quy mô, thành lập doanh nghiệp và xây dựng được hệ thống phân phối tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các thẩm mỹ viện, spa uy tín trong, ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, đơn vị cũng xây dựng kênh phân phối online gồm các nền tảng thương mại điện tử như tiki, shopee và facebook”.

Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của tỉnh. Trong đó, từ tháng 4 đến tháng 8-2022, hàng chục lượt chủ thể OCOP đã tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại tại các tỉnh, thành phố, như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Quảng Nam, Huế, Hà Nội.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn Phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, cho biết: Thời gian tới, văn phòng tiếp tục tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm OCOP. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có thương hiệu./.

Thanh Tâm (tổng hợp)

 

Ý kiến bạn đọc
Top