Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024 | 10:39

Khẩn trương khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở ở ĐBSCL

Do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp đã khiến cho nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở ĐBSCL bị sụt lún, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và tài sản của người dân.

Vì vậy, các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục.

Sạt lở nghiêm trọng trên diện rộng

Theo báo cáo của UBND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), do ảnh hưởng của hạn hán, mực nước trên các tuyến kênh rạch xuống thấp đã làm một số tuyến đường giao thông nông thôn bị sụt lún nghiêm trọng, phát sinh 20 điểm, tổng chiều dài trên 1.000m, trong đó có nhà của 1 hộ dân.

Một căn nhà của người dân ở thị trấn Ngan Dừa Hồng Dân, Bạc Liêu bị sụt xuống sông do ảnh hưởng của hạn hán (Ảnh: TTXVN).

Ông Nguyễn Văn Việt, ở ấp Ninh Tiến (xã Ninh Quới A) cho biết, khoảng 1 tuần trở lại đây, nước dưới sông xuống thấp so với nhiều năm trước, khiến cho đường bê tông vừa đưa vào sử dụng cách đây không lâu đã bị sụt lún, gây hư hỏng nặng nề. Việc lưu thông của người dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đầu con đường bị bị nứt nhẹ, nhưng sau đó, đổ dần xuống phía sông, kéo dài ra.

Ông Võ Văn Lễ, Bí thư Chi bộ ấp Ninh Tiến cho biết, trên địa bàn ấp có 2 điểm sụt lún và sạt lở, với chiều dài gần 400m, đồng thời xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ khác. Người dân rất mong các cấp chính quyền sớm khắc phục các tuyến đường, điểm sụt lún trên.

Theo lãnh đạo huyện Hồng Dân, việc sụt lún đã gây khó khăn cho việc đi lại, giao thương của người dân trên địa bàn. Đối với những khu vực đã bị sụt lún, UBND huyện chỉ đạo địa phương khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn cho người dân, phương tiện… Địa phương cũng tăng cường kiểm tra hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn để kịp thời gia cố, sửa chữa các đoạn bị ảnh hưởng.

Trước đó, ngày 26/4, tại ấp Bà Hiên (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân), sụt lún đất đã làm một căn nhà cấp 4 của chị Đỗ Thị Huyền sụt hẳn xuống rạch. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mực nước trong rạch xuống thấp do ảnh hưởng bởi khô hạn. Rất may, vụ sụt lún không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản ước tính ban đầu khoảng 400 triệu đồng.

Vùng đệm U Minh Thượng Kiên Giang xảy ra sụt lún, sạt lở.

Tại Kiên Giang, đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận 404 điểm sạt lở, sụt lún với hơn 10.300m đường bị sụp, lún, trong đó đường tỉnh 965 sạt lở hơn 1.800m, còn lại là các trục giao thông nội đồng vùng đệm U Minh Thượng. Bên cạnh đó, có 38 căn nhà bị sạt lở, sụt lún, ước giá trị thiệt hại về vật chất hơn 4,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại thành phố Cần Thơ liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún. Khoảng 2h30 ngày 29/4, bờ sông Cái Sắn đoạn qua phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt xảy ra sạt lở, ảnh hưởng 2 căn nhà, trong đó 1 hộ bị sụp hoàn toàn căn nhà phía sau, thiệt hại tài sản hơn 700 triệu đồng. Cùng ngày 29/4, tại huyện Phong Điền xảy ra 2 vụ sạt lở. Trong đó, sạt lở bờ kênh Xáng Xà No (ấp Tân Thuận, xã Nhơn Nghĩa) dài 30m, ăn sâu vào bờ 4m, ảnh hưởng 1 căn nhà, và sạt hoàn toàn đoạn kè chống sạt lở được thi công trước đó. Hiện, điểm sạt lở này còn nhiều vết nứt, nguy cơ sạt thêm.

Còn tại rạch So Đũa (ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Nghĩa), đoạn sạt lở dài khoảng 36m, lấn sâu vào bờ 5m, làm sụp mái bờ kênh và một phần tuyến đường giao thông nông thôn. Tiếp đó, lúc 6h30 ngày 30/4, trên tuyến sông Thốt Nốt đoạn qua phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt bị sạt lở một đoạn dài 100m, làm 3 căn nhà tiền chế của người dân sụp xuống sông, thiệt hại tài sản hơn 80 triệu đồng. Các địa phương đã chỉ đạo huy động lực lượng giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng tháo dỡ, di dời khẩn tài sản; lắp đặt cảnh báo, thông báo rộng rãi cho người dân quanh khu vực được biết để phối hợp, chủ động phòng chống.

Trước đó, ngày 19/4, một vụ sạt lở gây sụt lún nghiêm trọng xảy ra tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng khiến việc lưu thông gặp khó khăn từ tuyến tỉnh lộ 921 nối từ quận Thốt Nốt đến huyện Cờ Đỏ. Toàn bộ phần mặt tiền của nơi này đã bị sụt lún. Thống kê cho thấy, khu vực sạt lở có chiều dài hơn 135m, rộng hơn 11m. Tổng diện tích hơn 1500m2. Thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Riêng trên tuyến tỉnh lộ 921, đoạn sạt lở dài khoảng 48m, chiều rộng hơn 3m.

Triển khai các giải pháp khắc phục

Trước tình trạng sụt lún, sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã chỉ đạo huyện Hồng Dân tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do sụt lún gây ra và triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng. Đối với những khu vực đã bị sụt lún khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn và lắp đặt biển cảnh báo đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sụt lún.

Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với UBND huyện Hồng Dân và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi diễn biến tình hình sụt lún ở các khu vực đã xảy ra, có nguy cơ xảy ra ở địa bàn các xã Ninh Quới, Ninh Quới A và thị trấn Ngan Dừa, để kịp thời có giải pháp ứng cứu, xử lý. Các địa phương, đơn vị thường xuyên báo cáo tình hình ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, thiếu nước và tình hình sụt lún đất, cũng như đưa ra các đề xuất kiến nghị về UBND tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kiên Giang ghi nhận 404 điểm sạt lở, sụt lún với hơn 10.300m đường bị sụp, lún (Ảnh: VOV).

Tại Kiên Giang, ông Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, qua nắm tình hình thì ngay từ cuối tháng 3 tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục.

Thứ nhất, ngành đã thành lập một tổ công tác để cùng các địa phương, nhất là huyện U Minh Thượng đánh giá tình hình sạt lở, sụt lún và rà soát để công bố điều kiện thiên tai theo Nghị định 66 và Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ bản là chúng tôi phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn, các ngành chức năng đã đủ điều kiện và đã trình ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, đặc biệt cho vùng đệm với điều kiện khô hạn, sạt lở, sụt lún, có những điểm.

Thứ hai, ngành đã khẩn trương phối hợp với các ngành, trong đó có ngành giao thông vận tải báo cáo, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy xin chủ trương thực hiện sớm việc sửa chữa, nâng cấp ngay các trục giao thông để đảm bảo cho bà con lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Thứ ba, ngành đã triển khai rà soát các điều kiện theo Quyết định 19 của UBND tỉnh, thống kê các hộ, các điều kiện hạ tầng của vùng đệm để hỗ trợ địa phương bằng quỹ phòng, chống thiên tai. Một mặt để hỗ trợ địa phương có động lực, có nguồn lực để khắc phục ngay những sự cố không mong muốn do điều kiện thời tiết thiên tai và hỗ trợ 1 phần cho bà con.

Thứ tư, chúng tôi tập trung chỉ đạo địa phương chủ động ngay phương châm “4 tại chỗ”, tuyên truyền đến bà con người dân sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo tài sản, an toàn tính mạng đến mức cao nhất có thể. Chúng tôi tập trung phối hợp với các cơ quan xây dựng kịch bản ứng phó để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh.

Tại thành phố Cần Thơ liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún. 

Tại Sóc Trăng, tỉnh này đang rất khẩn trương triển khai các giải pháp để khắc phục nhanh sự cố sạt lở đê sông Nhu Gia, vỡ mang cống Tam Sóc thuộc xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú để bảo vệ cho hơn 11.000 ha đất nông nghiệp trước sự đe dọa bởi mặn xâm nhập.

Cống Tam Sóc là một trong các cống chủ lực của huyện Mỹ Tú, được Trung ương đầu tư cho tỉnh năm 1995 và đưa vào sử dụng vào năm 1997, mục tiêu ngăn mặn, ngăn triều cường cho khoảng 11.400 ha đất nông nghiệp, bảo vệ dân sinh và hạ tầng công cộng cho địa bàn 4 xã Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Mỹ Hương và xã Phú Mỹ. Sau hơn 27 năm đưa vào sử dụng, đã xuống cấp, hiện trạng thân cống đã bị chảy lòn đáy, mái tiêu năng bị sạt lở.

Để đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông qua lại cống, Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng đã phối hợp với địa phương làm cầu tạm để người dân và học sinh qua lại; rào cắm biển hạn chế xe 4 bánh qua khu vực sạt lở. Tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm đê sông Nhu Gia khu vực cống Tam Sóc.

Về công tác khắc phục căn cơ, lâu dài sạt lở đoạn đê 2 bên mang cống và sửa chữa đồng bộ cống Tam Sóc, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, phương án là đắp đập tạm phía trước cống (phía sông Nhu Gia) trên kênh Tam Sóc, bơm khô nước xử lý căn cơ hiện tượng chảy lòn đáy cống, sửa chữa mái đan cống… yêu cầu phải triển khai khẩn cấp để kịp hoàn thành trước tháng 10 năm nay tránh ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất trong quá trình thi công. Hiện nay, sở Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn cơ bản hoàn chỉnh phương án thiết kế công trình xử lý khẩn cấp sạt lở.

Ngày 4/5, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức cuộc họp với sở, ngành có liên quan để nghe báo cáo các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở nguy hiểm đê sông Nhu Gia, khu vực cống Tam Sóc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương triển khai thực hiện khắc phục khẩn cấp tình hình sạt lở nguy hiểm và công bố lệnh khẩn cấp đê sông Nhu Gia, khu vực cống Tam Sóc để bố trí nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp trong thời gian sớm nhất. Giao sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thống kê, rà soát, phân loại các cống đã hết hạn sử dụng trên địa bàn tỉnh để có hướng đề xuất, sửa chữa trong thời gian tới.

 

Tổng hợp từ nguồn: trithuc&cuocsong, TTXVN, tienphong, VOV.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    “Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.

  • Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Ngày 2/12, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, qua phát động đã có 15 ca khúc tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông.

  • Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.

Top