Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 5 năm 2023 | 23:43

Kiến nghị đưa hạng mục đền thờ vua Ngô Quyền vào Quy hoạch chi tiết Khu di tích Cổ Loa

Đây là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Ngày 18/5, Thường trực Thành ủy Hà Nội họp, nghe báo cáo, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của thành phố, trong đó có kết quả thực hiện Đề án thành lập quận và thành lập các phường thuộc huyện Đông Anh cùng một số nội dung khác của huyện.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: PV.

Với đề xuất của huyện Đông Anh liên quan Dự án thành phần tu bổ, tôn tạo Di tích cấp quốc gia đặc biệt Cổ Loa, ông Dũng đề nghị, trong tuần tới, các cơ quan liên quan phải tổ chức công bố kết quả khảo cổ học tại khu vực đất dự kiến xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền; đồng thời, UBND thành phố có văn bản báo cáo với Bộ VHTT&DL và Thủ tướng Chính phủ đề xuất, kiến nghị đưa hạng mục đền thờ vua Ngô Quyền vào Quy hoạch chi tiết Khu di tích Cổ Loa.

Ngô Quyền lên ngôi, xưng vương, định đô ở Cổ Loa là một mốc son đáng tự hào, xứng đáng được đời sau ghi nhận, tưởng niệm. Nhân dân tại nhiều nơi trên cả nước đã lập đền thờ Ngô Quyền. Khu vực có nhiều di tích thờ ông, nhất là vùng Hải Phòng, gần chiến trường Bạch Đằng năm xưa. Theo nhà nghiên cứu Đoàn Trường Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, hơn 50 di tích thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng có điểm chung là đều quay về hướng Tây - hướng về kinh đô Cổ Loa.

Kiến nghị đưa hạng mục Đền thờ Vua Ngô Quyền vào Quy hoạch chi tiết Khu di tích Cổ Loa

Tại chính mảnh đất Loa thành (Cổ Loa), nơi ông xưng Vương và chọn nơi đây làm kinh đô, xác lập vương quyền độc lập của dân tộc thì hoàn toàn không có một công trình thờ tự nhằm tôn vinh sự nghiệp to lớn của ông. Đây thật sự là một thiếu sót rất lớn, TP Hà Nội sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền để tôn vinh công lao của ông.

Đối với đề xuất Dự án xây dựng công viên di sản kết hợp quảng trường và công trình công cộng tại Khu di tích Cổ Loa, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhất trí phải thực hiện dự án, trên tinh thần kiên quyết không lùi, không bỏ và phải cố gắng triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Thành phố cũng đồng ý về chủ trương cho phép huyện Đông Anh lập Đề án đầu tư phát triển sông Thiếp trên địa bàn (dài khoảng 20km, diện tích khoảng 3.260ha), Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, phải giữ bằng được con sông này; nhất là sau khi phát triển Đông Anh thành trung tâm thành phố trực thuộc Thủ đô thì lại càng cần thiết, bởi: Giữ được con sông dài 20km vòng quanh trung tâm thành phố tương lai, trên bến dưới thuyền du lịch là điều tuyệt vời. Đây cũng chính là sinh kế mai sau, lâu dài của người dân.

Theo ông Dũng, vừa qua, huyện Đông Anh đã kè và giữ được 444 hồ, ao trên địa bàn; nếu giữ gìn và phát triển sông Thiếp, dòng sông nối với nhiều hồ ao lớn thì vừa bảo đảm môi trường, sinh thái, vừa tôn thêm cảnh quan đẹp mắt cho thành phố tương lai.

“Quan điểm của Thành ủy là phải ưu tiên giữ gìn môi trường. Không đưa các dự án sân golf vào đây”, ông  Dũng nêu.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Đề án lên quận, đến nay, huyện Đông Anh đã đạt 29/31 tiêu chí. Hai tiêu chí chưa đạt là trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị. Đây là hai tiêu chí thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố và có thể đạt được trước ngày 30/6/2023.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top