Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 7 năm 2024 | 10:29

Làm vườn kết hợp du lịch, nông dân thu lợi nhuận kép

Để tăng thu nhập, nông dân miền Tây đã nâng cấp vườn cây ăn trái của gia đình thành điểm du lịch, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Làm vườn kết hợp du lịch

Nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất, góp phần phát triển kinh tế gia đình, chị Diễm Kiều - chủ Vườn dừa Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) - đã mạnh dạn cải tạo, nâng cấp khu vườn dừa 500 cây của mình thành địa điểm cho khách tham quan, trải nghiệm.

“Vườn dừa này do cha và ông tôi trồng cách đây đã hơn 10 năm. Lúc đầu, tôi chỉ mở quán nhỏ bán dừa cho khách qua đường và cung cấp cho một số nơi tại địa phương. Đến khi nhiều khách hàng bày tỏ sự thích thú, muốn tham quan, chụp ảnh trong khu vườn, tôi mới nảy ra ý tưởng kết hợp làm du lịch”, chị Kiều kể lại.

Chị Kiều cải tạo vườn dừa thành điểm du lịch cho khách tham quan. Ảnh: Mỹ Ly

Ngoài việc bố trí thêm bàn, ghế, võng, chị Kiều cũng cải tạo, dọn dẹp khu vườn sạch sẽ, thoáng đãng. Đồng thời, thuê nhân công nạo vét mương, thả cá, bố trí xuồng,….cho khách trải nghiệm.

Cũng làm du lịch trong vườn nhà, ông Nguyễn Văn Tấn – chủ Khu du lịch (KDL) sinh thái Vườn măng cụt 100 năm tuổi (xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) – chia sẻ, ý định này bắt nguồn từ việc nhận thấy mọi người thích tham quan vườn trái cây, nhất là rất ấn tượng với 2 cây măng cụt trăm tuổi của gia đình.

Ông Tấn cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái của gia đình thành điểm du lịch. Ảnh: Mỹ Ly

"Vợ tôi và những người bạn đưa dự án làm du lịch tại khu vườn của gia đình tham gia và đạt giải tại Cuộc thi Khởi nghiệp của Phụ nữ tỉnh Hậu Giang. Từ đó, vợ chồng có thêm động lực và quyết định đầu tư, phát triển du lịch trên chính khu vườn của mình”, ông Tấn nói.

Có thêm lợi nhuận

Từ khi áp dụng mô hình kinh doanh này, trung bình mỗi ngày, vườn dừa của chị Kiều đón khoảng 30 - 50 khách; riêng những ngày Lễ, Tết, cuối tuần, lượng khách có thể lên đến hàng trăm người.

“Ngoài người dân trong địa phương thì khách từ các tỉnh khác như Đồng Tháp, An Giang,… cũng tìm đến vườn dừa để tham quan, trải nghiệm. So với cung cấp cho các hàng quán thì bán dừa cho khách du lịch được giá hơn. Ngoài ra, tôi cũng có thể kiếm thêm thu nhập từ việc bán đồ ăn vặt, cho thuê xuồng”, chị Kiều chia sẻ.

Khách du lịch thích thú chèo xuống tham quan vườn dừa. Ảnh: Mỹ Ly

Chính thức đi vào hoạt động đến nay đã hơn 1 năm, vườn măng cụt của ông Tấn đã đón trên 3.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Tại đây, du khách có thể hái các loại trái cây, sinh hoạt văn nghệ, chụp ảnh lưu niệm, bơi xuồng, thưởng thức các món ăn đặc sản....

Theo ông Tấn, dù lợi nhuận chưa cao nhưng việc làm du lịch đã đem lại một nguồn thu khác cho kinh tế gia đình của ông Tấn. Sắp tới, ông Tấn dự định sẽ đầu tư, phát triển thêm cho khu vườn để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách.

Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết, KDL sinh thái Vườn măng cụt 100 năm tuổi đang từng bước hoàn thiện và có nhiều tiềm năng phát triển. Dự kiến, sắp tới, địa điểm này sẽ tiếp tục thu hút được nhiều khách tham quan. Địa phương đã có đề xuất với tỉnh sẽ kết nối với các đơn vị, công ty du lịch lữ hành để giới thiệu điểm du lịch này đến người dân trong và ngoài địa bàn. Đồng thời, chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện để chủ vườn hoàn thiện thủ tục, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, phát triển thêm một số hạng mục; kết nối các đơn vị làm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, phục vụ khách du lịch mua làm quà lưu niệm,...

 

Theo laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Top