Lễ hội Cầu Ngư tại xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) là hoạt động văn hóa tâm linh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân vùng biển xã Ngư Lộc.
Ngày 31/3 (tức ngày 22/2 âm lịch), UBND xã Ngư Lộc tổ chức Lễ hội Cầu Ngư năm 2024. Ngay từ sáng sớm, người dân xã Ngư Lộc cùng đông đảo du khách thập phương tham dự lễ hội.
Lễ hội Cầu Ngư nét văn hóa truyền thống của người dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.
Theo các cụ cao niên trong làng, lễ hội Cầu Ngư ở xã Ngư Lộc xuất hiện từ thời nhà Lê. Trải qua nhiều thế kỷ, những nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Cầu Ngư đã trở thành tâm thức sâu đậm trong người dân, được toàn thể cộng đồng thể hiện và bảo vệ. Tháng 9/2017, Lễ hội Cầu Ngư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đông đảo du khách thập phương tới tham gia lễ hội.
Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã và cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Thanh.
Với quan niệm cá voi là chúa tể của biển cả, người dân xã Ngư Lộc đã lập đền thờ ngư Ông để tỏ lòng thành kính, do đó là lễ hội cầu ngư thường được tổ hàng chức hàng năm vào các ngày 22-24/2 âm lịch, để cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên bể lặng.
Đồng thời, còn giúp những người ngư dân an tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Ngư dân tỏ lòng thành kính dâng hương với chúa tể của biển cả, cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên bể lặng, tôm cá đầy khoang.
Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với lễ rước Long Châu từ thôn Bắc Thọ về khu vực lễ đài tại sân vận động xã Ngư Lộc. Hình tượng Long Châu là biểu tượng của ngư nghiệp. Long Châu là chiếc thuyền thờ, những người đến lễ, dâng lên các vị thần với mục đích tạ ơn các thần đã ban cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Nhân dân xã Ngư Lộc tổ chức trang nghiêm lễ rước Long Châu.
Phần hội được tổ chức sôi nổi, với các tiết mục như: biểu diễn nhạc lưu thủy, múa lân, màn trống hội, diễn xướng chầu văn; thi cờ tướng, thi câu mực... là dịp để người dân thể hiện tài năng giữa các thôn trong làng, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm, biểu dương lực lượng, sức mạnh của cư dân nhằm gắn kết cộng đồng làng xã.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 31/3 đến 2/4 (tức ngày 22 đến 24/2 âm lịch). Cuối ngày 2/4, Long Châu sẽ được hóa trước biển, nghi lễ này cũng là hoạt động sau cùng kết thúc lễ hội.