Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 3 năm 2023 | 10:26

Lên cao nguyên đá Hà Giang xem nông dân làm du lịch

Ngoài thiên nhiên, núi non hùng vỹ được tạo hóa ban tặng, cao nguyên đá Đồng Văn còn có bề dày văn hóa vô cùng độc đáo của các dân tộc anh em.

Những lợi thế này đã giúp người dân Hà Giang cùng nhau phát triển du lịch theo hướng đi riêng của mình, đó là: “Phát triển du lịch để giữ gìn bản sắc văn hóa”.

Ấn tượng trên từng vách đá

Sau nửa ngày trời, chúng tôi có mặt ở Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc này đó là “con người Hà Giang rất thân thiện và mến khách”. Một anh bạn đồng nghiệp cùng chuyến đi cho hay, lên với Hà Giang bây giờ mỗi ngày một khác, vì tốc độ phát triển rất nhanh. Đúng vậy, lên đây không ai ngờ rằng, nơi cao nguyên đá như thế này mà có một thành phố xanh, sạch đẹp và được quy hoạch rất quy củ và hiện đại.

Bản làng trên vách núi đá Đồng Văn.

Tạm rời phố thị Hà Giang, cuộc hành trình tiếp tục lên với Cao nguyên đá Đồng Văn (bao gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc), nơi được mệnh danh là “ở nơi trời thấp đất cao.” Để lên với cao nguyên đá Đồng Văn duy nhất chỉ có con đường độc đạo đó là QL 4C- nay được đặt tên mới là “con đường Hạnh Phúc”.

Chỉ cần trải nghiệm hai bên tuyến đường này thôi cũng đủ để hiểu được sức sống quật cường như thế nào của người dân Hà Giang. Chỉ có đèo cao, núi dốc và vực thẳm, ấy thế mà người ta vẫn làm du lịch được sao? Đó là câu hỏi luôn hiện lên trong đầu của mỗi người lạ khi lần đầu đặt chân đến với Hà Giang. Đúng thế, trong các thung lũng chủ yếu là núi đá, đường đi cũng trên vách đá, làm nhà sinh sống trên vách đá, lương thực làm ra của bà con nông dân cũng từ các vách đá. Điều đặc biệt hơn, bây giờ đồng bào còn biết “làm du lịch trên từng vách đá”.

Hoa cải được trồng trên vách núi đá.

Một người dân xã Sùng Là (huyện Đồng Văn) cho biết, ở đây, ngoài sản xuất nông sản ra, bất cứ người nông dân nào cũng có thể làm du lịch,  kiếm thêm tiền từ khách du lịch.

Ruộng nương của đồng bào nơi đây chủ yếu xen lẫn trong từng vách đá. Cứ sau mỗi vụ ngô, khoai, bà con còn biết gieo trồng nhiều loài hoa trên đó, như hoa tam giác mạch, hoa ly, hoa cải rừng… Chính vì thế mà bốn mùa trên cao nguyên đá Hà Giang, nhiều cánh rừng hoa bạt ngàn sóng sánh nối đuôi nhau từ rặng núi này qua rặng núi khác men theo từng vách núi đá trông rất đẹp là nhờ vậy.

Núi non hùng vĩ trên dòng sông Nho Quế - Hà Giang.

Được biết, từ cách làm này mà cao nguyên đá Đồng Văn đã “hút khách” du lịch ngày một đông hơn, từ khắp nơi, dòng người cứ kéo nhau lên đây chiêm ngắm vẻ đẹp hùng vĩ và đầy lãng mạn.

Theo quan sát của phóng viên, dọc theo hai bên con đường Hạnh phúc, thỉnh thoảng dưới chân sườn núi lại xuất hiện những bản làng nhỏ với những ngôi nhà được đồng bào nơi đây dựng lên cheo leo trông rất kinh hãi. Ấy thế bao đời nay người dân nơi đây không những mãi trường tồn mà còn ngày một phát triển rất mạnh .

Điều rất ấn tượng đó là, khắp trên tuyến đường dài này nhiều chỗ trở thành điểm dừng chân để du khách thưởng ngoạn. Hình ảnh người dân với trang phục những bộ đồ thổ cẩm rực rỡ sắc màu thu hút du khách. Bên cạnh đó, bà con còn biết gùi những giỏ hoa mà chính bà con trồng trên vách đá của núi rừng Đồng Văn tạo cảnh đẹp cho du khách có nhu cầu chụp ảnh.

Điều đáng nói là, mỗi khi có du khách mượn bà con làm “diễn viên”… để chụp ảnh, không ai đòi hỏi lấy tiền của du khách. Sau khi phục vụ du khách xong, tùy tâm mỗi người tặng, thưởng bao nhiêu là tùy. Chính hành động nhỏ ấy thôi cũng đủ để góp phần tạo nên thương hiệu du lịch của người dân cao nguyên đá Hà Giang.

Chị Sùng Y Túa, người dân Mèo Vạc, cho hay, ngoài trồng hoa, gia đình chị còn trồng nhiều nông sản khác như: ngô, khoai và chăn nuôi lợn… Tất cả những thứ đó chủ yếu phục vụ du khách. Mấy người con nhỏ thì gùi hoa ra các điểm dừng chân giúp du khách chụp ảnh; chị Túa thì bày quầy ra bán ẩm thực. Tất cả những mặt hàng đó đều do gia đình sản xuất ra. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ngày một khá hơn so với trước đây.

Mưu sinh bên dòng sông Nho Quế

Lên với mảnh đất cao nguyên Hà Giang ắt hẳn không ai là không ước muốn một lần đến chiêm ngưỡng ngắm cảnh núi non hùng vỹ hai bên bờ sông Nho Quế. Chính vì thế mà bến sông này ngày càng nhộn nhịp du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn. Đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng nhìn xuống thấy dòng sông xanh yên bình đang uốn lượn qua từng ngọn núi đá dựng đứng trông rất đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình.

Mưu sinh bên dòng sông Nho Quế.

Anh Lữ Văn Ka, một người lái xe trung chuyển phục vụ du khách ở bến sông Nho Quế (xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc) cho biết, từ ngày hình thành công trình thủy điện ở đây, khúc sông này trở thành lòng hồ tuyệt đẹp, gần đây có ngày thu hút hàng nghìn du khách đến thưởng ngoạn. Chính vì thế mà chính quyền địa phương cho xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái rất hoành tráng.

Rất đông khách quốc tế đến với Hà Giang.

Để đưa khách du lịch du thuyền trong lòng hồ thủy điện, hàng trăm chiếc thuyền máy lớn, nhỏ liên tục hoạt động là thuyền của bà con nhưng hoạt động trong hợp tác xã có liên kết với Ban quản lý thủy điện Nho Quế I nên việc tổ chức, quản lý đảm bảo trật tự và an toàn. Bên cạnh đó là hai bãi đậu xe, một bãi xe của du khách và một bãi dành riêng cho hệ thống xe trung chuyển của khu du lịch này.

Anh Ka cho biết thêm, nhờ vậy mà người dân Mèo Vạc giờ làm du lịch khá và phát triển nhanh lắm. Rất nhiều gia đình nông dân mưu sinh bên dòng sông này.

Chị Sùa Y Tòng, người bán hàng cho biết, vì lượng du khách ngày một đông nên con gái cũng cùng ra phụ giúp bán hàng. Được biết, ngoài chị Tòng, dọc theo bến thuyền này hiện nay rất đông người dân dựng bàn ra bày bán sản phẩm. Các mặt hàng mà chị Sùa Y Tòng cũng như nhiều người dân bày bán nơi đây chủ yếu là đồ nướng như: ngô, khoai, cơm lam, thịt lợn, bò khô, xúc xích, chè, mía và các loại nước giải khát khác… Tất cả đều do người dân địa phương cung cấp. Mặc dù vậy nhưng thu nhập có khi hơn cả triệu đồng/ngày.

Theo quan sát thấy, người dân Mèo Vạc còn biết tận dụng bán nhiều mặt hàng khác cũng do chính bàn tay của họ làm ra. Ngay bên bến sông này, một số quầy hàng đồ lưu niệm cũng được hình thành.

Chị Tâm, nhân viên bán hàng ở đây cho hay, hàng hóa ở khu chợ nổi của lòng hồ chủ yếu là quần áo thổ cẩm, trang phục đặc trưng của đồng bào các dân tộc anh em trên cao nguyên đá Hà Giang. Trong quá trình trưng bày ở đây, khách du lịch có thể mua, còn nếu ai có nhu cầu thuê để mặc chụp ảnh cũng được. Người dân bày bán ở đây không đặt nặng vấn đề doanh thu mà chủ yếu để quảng bá văn hóa, du lịch quê hương Hà Giang.

Phát triển du lịch để giữ gìn bản sắc văn hóa

Điều này thấy rõ nhất khi lên với cao nguyên đá Hà Giang, nhiều nơi kinh tế du lịch đang ngày một phát triển như hoa xuân đua nở nhưng bà con các dân tộc anh em vẫn rất biết giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa độc đáo của mình.

Ẩm thực được người dân Hà Giang làm ra để phục vụ du khách.

Minh chứng cho điều này là còn rất nhiều làng cổ, điển hình như làng Lũng Cẩm. Đi vào làng, hai bên đường người dân bày bán nhiều hàng nông sản. Đặc biệt, các giống cây hoa như tam giác mạch, cải rừng đủ các màu sắc để phục vụ du khách mang về nhân giống.

Tại đây, người ta đang bảo tồn ngôi nhà của Pao - ngôi nhà được làm bối cảnh quay của bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”. Chỉ vậy thôi mà nơi đây giờ trở thành tâm điểm du lịch thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày.

Trẻ em làng văn hóa Lũng Cẩm.

Hay tiến vào sâu hơn một đoạn, ngay ở trung tâm huyện lỵ của thị trấn Đồng Văn, một khu chợ cổ có lịch sử hàng trăm năm cũng được bảo tồn để trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Vào đây ta như lạc về thế giới ngày xưa của đồng bào các dân tộc anh em. Ngoài các mặt hàng lưu niệm, khu chợ còn nhiều gian hàng ẩm thực cũng được phục dựng nét cổ xưa để phục vụ du khách. Bên nồi “thắng cố”, du khách có thể ngồi nhâm nhi ly rượu ngô, men lá của đồng bào làm ra lại còn được nghe tiếng khèn, tiếng sáo Mèo…văng vẳng đâu đó vọng lại.

Nếu muốn hoài cổ hơn chút nữa, du khách có thể tiếp tục hành trình đi về thị trấn cổ Phó Bảng (hay còn gọi là Phố Bảng), thị trấn nhỏ nằm tại huyện Đồng Văn, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 110km. Cộng đồng dân cư sinh sống tại đây chủ yếu là người Mông và người Hoa. Phó Bảng còn mang vẻ đẹp bình yên đến lạ kỳ. Không cư dân đông đúc, không quá nhộn nhịp như phố cổ Đồng Văn mà Phó Bảng mang hơi thở của một cuộc sống bình dị, đơn sơ. Đến đây, người ta sẽ bị “hớp hồn” bởi những ngôi nhà mái ngói rêu phong, tường trình, khoác lên mình màu sắc cổ kính, huyền bí nhưng vô cùng quyến rũ và độc đáo.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết: “Mọi du khách đều cảm nhận được một Hà Giang an toàn, đậm đà bản sắc dân tộc và đầy thân thiện. Chúng tôi chắc chắn rằng, đây là những tiền đề để du lịch Hà Giang năm 2023 đạt mục tiêu đón trên 2,5 triệu lượt khách”.

Hà Giang được đề cử Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á

Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương mở cổng bình chọn (ngày 20/2/2023).

Theo đó, du lịch Hà Giang vinh dự được đề cử tại hạng mục: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á (Asia’s Leading Emerging Tourism Destination 2023). Việc được Giải thưởng Du lịch Thế giới đề cử là một sự ghi nhận chính xác và cũng cho thấy hình ảnh rất nổi bật của điểm đến du lịch Hà Giang, một trong những điểm đến luôn “hot” nhất cả nước trong những năm qua.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, chia sẻ: “Chúng tôi luôn chú trọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là điều thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Du khách đến với Hà Giang không chỉ chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ mà còn được thưởng thức những giá trị văn hóa đặc sắc. Chúng ta coi phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn. Muốn phát triển du lịch bền vững thì chúng ta phải nâng cao được chất lượng sản phẩm du lịch từ ý thức người dân”.
 

 

Phan Sáng
Ý kiến bạn đọc
Top