Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 7 năm 2024 | 9:35

Liên kết tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nam: Vai trò HTX được khẳng định

Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã và đang trở thành vấn đề được Chính phủ và các cấp các ngành quan tâm bởi sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân và HTX, doanh nghiệp.

Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị càng thấy rõ vai trò quan trọng của liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng. Tuy vậy, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các hợp tác xã.

Vai trò của HTXNN

Sản xuất nông nghiệp thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả chủ quan và khách quan: rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường khó định lượng, khâu tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế. Tình trạng “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa”, rồi những cuộc “giải cứu nông sản” vẫn còn.

Trồng nho VietGAP của HTX công nghệ cao Đồng Du - huyện Bình Lục.

Để đảm bảo nông sản sản xuất ra có thể tiêu thụ ổn định, đòi hỏi mỗi loại nông sản phải có khối lượng đủ lớn, chất lượng đồng đều, giá thành sản xuất hợp lý và đặc biệt phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, từng hộ nông dân không thể làm được điều này và quan trọng hơn nữa là việc bảo quản hay sơ chế nông sản hoàn toàn vượt ra khỏi khả năng của họ. Chính vì vậy, chỉ khi liên kết giữa nông dân với nông dân theo hình thức liên kết ngang, tạo thành tổ chức hợp tác (thành lập HTX), giữa tổ chức nông dân sản xuất (HTX) với các đơn vị doanh nghiệp theo hình thức liên kết dọc để thực hiện các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ hoặc một số khâu trong chuỗi liên kết nông sản sẽ giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và dần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản do chính mình làm ra, mới khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa”.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, các cấp, các ngành, cũng như HTXNN, doanh nghiệp và người nông dân cần chủ động tổ chức liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách bài bản. Đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, coi đây là động lực quan trọng trong việc mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam), cho biết: Để khuyến khích hợp tác tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Hội đồng Nhân dân (HĐND), UBND tỉnh Hà Nam ban hành các văn bản triển khai thực hiện (trong đó có đối tượng hỗ trợ là HTXNN), cụ thể: Nghị quyết số 27/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh Hà Nam quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 31/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh ban hành quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND ngày 24/12/2019 của UBND tỉnh Hà Nam ban hành quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam thăm mô hình sản xuất rau tại HTX nông sản sạch Bảo An - huyện Lý Nhân.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện ký kết các chương trình phối hợp với các sở ngành, hội đoàn thể trong tỉnh nhằm tuyên truyền, vận động thực hiện việc hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như: chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Hội Nông dân tỉnh Hà Nam trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025; chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Công Thương trong việc hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Hà Nam…

Liên kết tiêu thụ sản phẩm: Lợi ích cho các bên

Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX với doanh nghiệp đã mang lại thu nhập cao cho các bên tham gia, góp phần nâng cao đời sống thành viên HTX; đồng thời tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá cả phù hợp.

Đóng gói sản phẩm tại HTX Hoàng Trà (xã Phù Vân, TP Phủ Lý).

Một số HTXNN liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản điển hình ở Hà Nam như: HTX công nghệ cao Thanh Hà chuyên sản xuất rau mầm tại xã Đồng Du với diện tích 19,5ha; HTXCNC xã Đồng Du (huyện Bình Lục) chuyên sản xuất nho các loại, thanh long, bưởi với tổng diện tích 5ha theo quy trình VietGAP; HTXNN La Sơn (xã La Sơn, huyện Bình Lục) sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 10ha (sản xuất lúa ST25), HTX nông sản sạch Cát Lại (huyện Bình Lục); HTXNN Nhân Mỹ (xã Nhân Mỹ - huyện Lý Nhân) liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đối với sản xuất lúa thương phẩm với diện tích bình quân 50 ha/vụ, sản lượng thóc tươi được thu mua bình quân 300 tấn/vụ; đơn vị liên kết tiêu thụ là Công ty TNHH Long Vũ…

 Một số HTXNN thành lập mới, ít thành viên bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, bền vững, tạo ra các sản phẩm đảm bảo về an toàn thực phẩm, sản phẩm theo hướng hữu cơ, sạch và đã hình thành chuỗi liên kết giá trị theo hướng liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, tạo nên sự gắn bó chặt chẽ giữa HTX với thành viên và các doanh nghiệp, điển hình như các HTX: nông sản sạch Bảo An, dược thảo Minh Đức, bún phở khô Khánh Linh…

Sản xuất bún phở khô của HTX Khánh Linh - huyện Lý Nhân.

Đánh giá về chương trình liên kết chuỗi, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nam Nguyễn Hải Đăng cho biết: Việc ký kết hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, HTX đã mang lại hiệu quả cao cho các bên tham gia, gia tăng giá trị kinh tế; đồng thời tạo sự tin tưởng gắn bó của thành viên với HTX NN.

Đến nay, Hà Nam có 22 sản phẩm của 16 HTXNN tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên. Có 38 HTXNN tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Sản phẩm liên kết sản xuất, tiêu thụ chủ yếu là lúa gạo, rau sạch; ngô, bí các loại; nho mẫu đơn, nho hạ đen, thủy sản, bò sữa, gia cầm… Các HTXNN bước đầu có ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua việc gắn tem mác sản phẩm và đưa lên sàn thương mại điện tử.

Thời gian tới, để khẳng định vai trò của HTXNN trong phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và liên kết tiêu thụ sản phẩm nói riêng, HTXNN cần chủ động tổ chức cho thành viên quy hoạch, phát triển vùng sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm, tạo ra khối lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu của chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm cử cán bộ HTX tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng về thị trường, thương mại... Từ đó, HTXNN sẽ phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để tăng cường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Hà Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương kết nối đưa nông sản của Hà Nam ra các tỉnh, thành phố lân cận và đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm giới thiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tiếp tục hỗ trợ HTX, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ tại kênh phân phối hiện đại.

Song song đó, tiếp tục định hướng HTXNN tham gia xây dựng chuỗi liên kết theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 27/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh Hà Nam quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu mới. Đây thực sự là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, trong đó vai trò của HTXNN trong liên kết sản xuất và tiêu thụ là vô cùng quan trọng.

Trung Hiếu
Ý kiến bạn đọc
Top