Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 9 năm 2023 | 7:44

Mãn nhãn đêm khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023

Tối 8/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP. Quy Nhơn, Bình Định), diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung bình đẳng đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”.

Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 là sự kiện văn hóa với quy mô lớn được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ngày hội có sự tham gia hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên quần chúng của 11 tỉnh thuộc khu vực miền Trung.

Ngày hội thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước. Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung.

Ngày hội lần này có sự tham gia hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên quần chúng của 11 tỉnh thuộc khu vực miền Trung, gồm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Huế, Quảng Bình... Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phát biểu khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, cho biết: Bình Định là nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc: Bana Kriêm, Chăm Hroi, Hrê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, đã làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định. Những bản sắc văn hoá riêng đó đã trở thành nếp sống, trở thành các chuẩn giá trị được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong quá trình phát triển, các dân tộc thiểu số ở Bình Định đã hình thành nên những bản sắc văn hoá vừa mang đặc trưng riêng vừa mang đặc trưng chung của cộng đồng dân tộc. Cách đây hơn 200 năm, các dân tộc Kinh, Bana, Chăm, Hrê cùng sát cánh dưới lá cờ đào của ba anh em nhà Tây Sơn làm nên nghiệp lớn đánh tan giặc ngoại xâm, thu non sông về một mối. Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng theo Đảng, tương thân, tương ái, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Các ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; Y Vinh Tơr - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh BĐBP (thứ tự từ phải sang) tham dự Ngày hội.

Đại biểu các đoàn về dự

Những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và tạo nên các sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tỉnh Bình Định. 

Tiết mục văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc truyền thống của các đoàn.

Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 là cơ hội để tỉnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch của quê hương và con người Bình Định với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, gắn công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Bình Định hy vọng rằng những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú, hấp dẫn mà các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên mang đến ngày hội là những bông hoa tươi thắm góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trong vườn hoa văn hóa, nghệ thuật của nước nhà.

Ngoài lễ khai mạc và bế mạc, ngày hội còn tập trung giới thiệu những nội dung có tính tiêu biểu trong bản sắc văn hóa các dân tộc của các tỉnh miền Trung tham dự, với nhiều nội dung hoạt động phong phú gồm: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc; hoạt động du lịch.

Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 diễn ra đến hết ngày 10/9.

 

Dương Hùng - Triều Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Top