Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 8 năm 2023 | 16:28

Mưa giông gây thiệt hại nặng ở nhiều địa phương

Do ảnh hưởng của mưa lớn, sạt lở đất, mưa lớn kèm giông lốc, sét trong những ngày qua đã gây thiệt hại tại nhiều địa phương. Theo báo cáo nhanh của các địa phương mưa lớn, ngập úng, sạt lở đất đã làm 5 người chết, 348 nhà ngập, gần 8.000 ha lúa, hoa màu ngập úng.

Nhiều địa phương thiệt hại nặng

Những ngày quan tại nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra mưa giông gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Mưa lớn kèm theo giông lốc, sạt lở xảy ra từ ngày 27-30/7 đã làm 1 người chết tại ấp Vĩnh Thạnh, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và 10 người khác bị thương (Bà Rịa-Vũng Tàu 2, Kiên Giang 5, Bạc Liêu 2, Cà Mau 1).

Mưa giông, sạt lở làm 268 nhà bị sập và tốc mái (Cà Mau 170 nhà, An Giang 9 nhà, Bà Rịa-Vũng Tàu 89 nhà); 657ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (Bình Thuận, Kiên Giang, An Giang); 210m đường giao thông nông thôn, 6m bờ kè, 160m tường rào bị ảnh hưởng và 20 cây điều bị ngã đổ (Bình Thuận). Riêng tỉnh Cà Mau, thiên tai xảy ra gây thiệt hại 7,4 tỷ đồng.

Đặc biệt, gần đây tại tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún và ngập úng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống người dân. Trong ngày 30/7, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã vùi lấp 3 chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ và 1 người dân. Cơ quan chức năng sau đó xác định cả 4 người đã tử vong.

Những ngày gần đây, mưa lớn xảy ra ở nhiều địa phương đã xảy ra sạt lở đất đá.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, từ ngày 27 - 31/7, mưa lớn, ngập úng, sạt lở đất đã làm 5 người chết (Lâm Đồng: 4, Bình Thuận: 1). Về nhà, 348 nhà ngập (Đắk Lắk: 128; Đắk Nông: 66; Lâm Đồng: 24; Bình Thuận: 126; Đồng Nai: 4). Trong đó, chính quyền các địa phương đã hỗ trợ di dời 112 hộ dân bị ngập sâu đến nơi an toàn (Đắk Nông: 66; Lâm Đồng: 24; Bình Thuận: 22).

Về nông nhiệp, 7.946ha lúa, hoa màu ngập úng (Bình Thuận: 2.984ha; Đắk Lắk: 4.366ha; Đắk Nông: 46ha; Đồng Nai: 550ha).Về chăn nuôi, thuỷ sản, 827 con gia cầm bị chết (Bình Thuận: 777; Đắk Lắk: 50); 168ha diện tích thủy sản thiệt hại (Bình Thuận: 49ha; Đắk Lắk: 6ha; Đắk Nông: 113ha); thiệt hại 58,3 tấn cá (Đồng Nai).

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thái Nguyên, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, từ ngày 27 - 31/7, mưa lớn kèm dông lốc, sét đã làm 2 người chết (Thái Nguyên: 1; Bạc Liêu: 1); 22 người bị thương. Đồng thời, 179 nhà sập đổ; 637 nhà hư hỏng, tốc mái.

Đánh giá về nguyên nhân sạt lở đất tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trong đó có Lâm Đồng, các chuyên gia về phòng, chống thiên tai cho rằng do mưa lớn, nước làm phân rã tạm thời các mối liên kết của đất đá, rễ cây, thảm thực vật, hoặc nước ngầm. Hiện nay, đa số các vụ sạt lở đất là do con người khai thác rừng quá mức.

Cánh đồng lúa trên địa bàn xã Buôn Tría (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) ngập sâu trong nước.

Theo Trưởng Phòng Dự báo thời tiết-Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, cũng tương tự như các sạt lở trước, thời gian qua, đặc biệt là khoảng thời gian từ ngày 27 đến 13 giờ ngày 30/7, trên khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ trong đó có tỉnh Lâm Đồng có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến trên 120mm, một số trạm có lượng mưa lớn như đèo Bảo Lộc 371mm, Thủy điện Đa M'bri 345mm, Lộc Tân 337mm, Đa Huoai 298mm.

Do đó, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xuất hiện hiện tượng đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở. Cùng với đó, mưa lớn kéo dài làm tăng lượng nước thấm vào khối đất, tăng mực nước ngầm trong khu vực bị sạt lở. Khu vực phát sinh sụt, nứt đất bất thường là nền đất mềm, yếu.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa to sẽ tiếp tục đến ngày 1/8, có nơi trên 170mm. Từ ngày 2-8/8, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất, sụt lún đất tại khu vực này.

Thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng

Để thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả sạt lở đất ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) và ứng phó với mưa lớn ở Tây Nguyên, Nam Bộ, các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương thực hiện nghiêm Công điện số 691/CĐ-TTg ngày 31/7 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại hiện trường vụ sạt lở xảy ra ở Lâm Đồng, lực lượng chức năng huy động nhiều máy móc cùng hơn 300 người tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Ủy ban Nhân dân các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả đợt thiên tai, mưa lớn vừa qua, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên, khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn những người bị mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách đối với các cán bộ, chiến sỹ cảnh sát bị nạn theo quy định; chỉ đạo đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố sạt lở; kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án chủ động bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20 và các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh.

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương, nhất là Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết và tuyến quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là mưa lũ, sạt lở đất, cung cấp kịp thời thông tin về thời tiết, thiên tai, nguy cơ sạt lở để phục vụ công tác ứng phó. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo chức năng quản lý nhà nước được giao…

Còn mưa trên diện rộng

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ ngày 1/8 đến đêm 2/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 60 - 120mm, có nơi trên 200mm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ngày 1/8 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 - 40mm, có nơi trên trên 70mm; từ chiều tối ngày 1 đến đêm 2/8 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40 - 80mm, có nơi trên 120mm.

Ngoài ra, trong ngày và đêm 1/8, ở Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 - 40mm, có nơi trên 60mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối). Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

Ngày và đêm 1/8, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng biển cao 2 - 4m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2.

Nhiều diện tích lúa hè thu ở ĐBSCL chưa thu hoạch của người dân bị sập gây thiệt hại năng suất.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 691/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ tập trung khắc phục sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, chủ động ứng phó với mưa lớn.

Tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện Công điện số 07/CĐ-QG ngày 30/7/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với nguy cơ ngập lụt trên các khu vực trũng thấp ven sông Đồng Nai.

Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lớn, sạt lở đất, dông lốc, sớm ổn định đời sống. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top