Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2022, cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới.
Cá tra của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản.
Tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 3 ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 23%, xuống khoảng 207 triệu USD.
Tính chung trong quý I/2023, xuất khẩu cá tra giảm sâu 32% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 447 triệu USD. Tuy vậy, tín hiệu tích cực của ngành cá tra đã xuất hiện khi nguồn cung được dự báo sẽ thiếu hụt trong quý III và IV trong khi các tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu đang cạn dần.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, qua khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thấy quý III và quý IV có thể thiếu cá nguyên liệu cục bộ do giá cá giống quá cao và chất lượng cá giống không tốt, tỷ lệ chết nhiều. Trong khi trước đó, do tình hình thị trường khó khăn nên doanh nghiệp đã giải phóng bớt lượng hàng tồn kho giá cao để đảm bảo dòng tiền và hiện hàng chỉ còn đủ dùng trong quý II.
Kiểm tra mã số được ứng dụng gắn chip điện tử vào cá để theo dõi cho sinh sản theo cặp bố mẹ, đảm bảo cho chất lượng con giống tốt nhất tại Khu nghiên cứu chọn lọc đàn cá bố mẹ và sản xuất cá tra giống công nghệ cao.
“Con giống được xem là “xương sống” của ngành cá tra nhưng nhiều năm qua vẫn còn nhiều hạn chế chưa được giải quyết. Việc sản xuất con giống chủ yếu là manh mún, tự phát, không theo một quy chuẩn cụ thể nào. Số lượng giống bố mẹ cũng không đủ đáp ứng nhu cầu”, bà Lan nói.
Giá con giống và thức ăn nuôi thuỷ sản tăng trong khi giá cá nguyên liệu giảm. Tính đến thời điểm đầu tháng 4, giá cá tra nguyên liệu khoảng 27.000 đồng/kg, sau khi chạm mốc gần 31.000 đồng/kg hồi tháng 2 nhờ kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy nhu cầu mặt hàng này.
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu cá tra năm 2022, thấy dù giá thức ăn tăng cao, nhưng xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng ấn tượng, từ 30% trở lên ở các thị trường; trong đó, thị trường Trung Quốc tăng trưởng 60%, thị trường Mỹ 45%, EU 94%; các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 57%.
Đặc biệt, Vasep chỉ rõ, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ ở Trung Đông có mức tăng đột phá, 115 - 429%. Nhờ xuất khẩu tăng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) cá tra có doanh thu và lợi nhuận bứt phá.
Đến thời điểm này, các đơn hàng đang có dấu hiệu quay trở lại đối với nhiều DN xuất khẩu cá tra.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Vasep nhận định, dù những tháng cuối năm 2022 có sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu, song sản phẩm cá tra đang có triển vọng khả quan trong năm 2023, nhờ tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.
Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số DN xuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, hơn 160 DN Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng xuất khẩu cá tra. “Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra”, bà Hằng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng hóa đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Đối với thị trường Mỹ, diễn biến cung cầu cá thịt trắng đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và các thương gia tại thị trường Mỹ đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Hai loài này đều có giá phù hợp và nguồn cung ổn định.
Thị trường Anh cũng được dự báo là rất tiềm năng cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm, Anh nằm trong số ít ỏi thị trường có tăng trưởng dương nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Trong khi xuất khẩu sang top 10 thị trường lớn nhất đều giảm 18 - 50% so với cùng kỳ, riêng Anh - thị trường lớn thứ 6 của Việt Nam, vẫn giữ mức tăng trưởng 22%.
Bà Hằng cho hay, tính tới giữa tháng 2/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt gần 7 triệu USD, chiếm 4,5% giá trị xuất khẩu đi các thị trường. Riêng nửa đầu tháng 2, xuất khẩu cá tra sang Anh tăng đột biến, với mức 142% so với cùng kỳ.
Năm 2022, Anh cũng nằm trong top 6 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 2,6% với gần 64 triệu USD, tăng 24% so với năm 2021.
Tin vui với người nuôi cá tra
Ở thị trường trong nước, con cá tra cũng đang nhận những tín hiệu vui. Giá cá tra nguyên liệu đang ở mức 30.000 - 31.000 đồng/kg, trong khi chi phí trung bình để sản xuất cá nguyên liệu khoảng 26.990 đồng/kg, người nuôi lãi 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Thời điểm này, người nuôi cá tra ở Đồng Tháp đang khá vui khi giá cá tra nguyên liệu tăng. Ông Trần Văn Thời (xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự) cho biết, gia đình ông có 9 ao với tổng diện tích hơn 9ha, giá cá tra xuất bán đang ở mức 30.000 đồng/kg, thu lãi hơn 4.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 22 DN chế biến cá tra xuất khẩu, tổng công suất thiết kế hơn 467 ngàn tấn thành phẩm/năm. Hiện nay, sản phẩm cá tra được xuất sang 134 quốc gia; trong đó có các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia... Cá tra không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Đồng Tháp đã và đang hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành, Hồng Ngự và Cao Lãnh. Các vùng sản xuất đã được cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 1.509 ha; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế. Nhiều vùng nuôi cá tra sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC... Đây là cơ sở để ngành cá tra tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu bền vững, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành cá tra xuất khẩu.
Giới chuyên gia cho rằng, để sản xuất phát triển và ổn định vùng nuôi cá tra, các DN cần hướng đến mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu. Khi đó, việc chinh phục thị trường khó tính và vững chân tại các thị trường quốc tế của ngành cá tra là trong tầm tay.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…