Thời điểm cuối năm, ngành Công Thương Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường. Nhờ vậy, các nhóm mặt hàng thiết yếu đã được chuẩn bị đầy đủ phục vụ nhu cầu của nhân dân; thị trường tiêu dùng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu vẫn tương đối ổn định, không có biến động nhiều.
Chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ Tết
Theo ngành Công Thương cho biết, dự báo cuối năm 2023 và dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sức mua dần hồi phục, cùng với nhiều chính sách kích cầu đã và đang được triển khai, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Các ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng (tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch, chương trình khuyến mại, kết nối cung - cầu….), góp phần tăng sức mua hàng hóa. Việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động áp dụng từ 1/7/2023 cũng giúp người dân tăng các khoản chi tiêu, góp phần vào chỉ số tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong các tháng cuối năm.
Tuy nhiên, sự bất ổn tình hình thế giới có thể khiến giá nguyên, vật liệu đầu vào biến động tăng, tạo áp lực cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do giá hàng hóa tiêu dùng có thể tăng lên. Người dân có xu hướng mua sắm tập trung vào các mặt hàng thực sự thiết yếu.
Các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn ở Nghệ An chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào phục vụ cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn, ngành Công Thương xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung - cầu trong dịp tết Nguyên đán sắp tới gồm thực phẩm tươi các loại; bánh kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát, xăng, dầu…
Hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh dịp Tết chủ yếu ở các kênh cơ bản: kênh bán hàng truyền thống, gồm 27 trung tâm thương mại; hệ thống siêu thị, hệ thống chợ, hơn 600 cửa hàng tiện lợi, hơn 3.000 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã; 17 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các kênh bán hàng đa phương tiện, gồm các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Ngành theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa và khả năng cung ứng, kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp bình ổn thị trường; chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết; tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Hàng hóa đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai
Cùng với đó, ngành phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng.
Ngành Công Thương Nghệ An đã rà soát dự kiến nguồn hàng cung ứng phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh 3 tháng trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn. Cụ thể: hơn 75 tấn gạo, hơn 19,4 tấn thịt lợn; hơn 11,4 tấn thịt bò; 13,5 tấn thịt gia cầm; 63,7 tấn rau, củ, quả;13,6 tấn thủy, hải sản; hơn 10 tấn thực phẩm chế biến; 15,2 tấn hoa quả; 3,3 tấn bánh, mứt, kẹo; gần 6,8 triệu lít dầu ăn; hơn 292 triệu lít bia, rượu, nước giải khát…
Nhìn chung, hàng hóa phục vụ Tết năm nay được các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh chuẩn bị dồi dào, mẫu mã phong phú, đa dạng, giá cả hầu hết các mặt hàng tương đối ổn định.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Nhìn chung, công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ Nhân dân đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm được các bộ, ngành, địa phương trên cả nước quan tâm và tập trung thực hiện.
Tại Nghệ An, ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và của UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sở đã triển khai kế hoạch bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm; tăng cường nắm bắt, cung cấp thông tin, định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ kết hợp thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ngành cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp, địa phương tăng cường công tác dự trữ, chuẩn bị tốt nguồn hàng, trong đó, chú trọng đến các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa; triển khai hiệu quả công tác bình ổn thị trường Tết gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Kiểm soát dịch tả lợn châu phi và đảm bảo nguồn cung thịt lợn dồi dào trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Sở Công Thương cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật nhằm thu lợi bất chính. Có phương án chủ động đối phó với các biến động thị trường bất thường; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm thuộc ngành quản lý trên địa bàn. Đảm bảo cung ứng điện và xăng, dầu phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân trước, trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, tổ chức bán hàng thường xuyên, liên tục, đa dạng hóa các hình thức bán hàng. Hàng hóa đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai, bán theo giá niêm yết, việc kinh doanh đảm bảo quy định.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tốt công tác phục vụ Tết dưới nhiều hình thức, đẩy mạnh các sự kiện kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, khuyến công, chương trình OCOP, chương trình khuyến mại tập trung… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Giải pháp đảm bảo bình ổn thị trường
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các sở, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục thực hiện nội dung Nghị quyết của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Sở Công Thương tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; kịp thời phát hiện, đề xuất UBND tỉnh xử lý những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện; Thường xuyên vận động các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng tham gia Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình đưa hàng về nông thôn, các khu công nghiệp để phục vụ nhân dân trong dịp Tết; Chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa đảm bảo lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết; Chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ổn định giá cả, cung cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Tết là thời điểm sản phẩm OCOP được bày bán và tiêu thụ mạnh.
Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, các đơn vị liên quan và UBND huyện, thành phố, thị xã thường xuyên khảo sát, theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả thị trường để làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật. Thực hiện chế độ báo cáo giá định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tài chính, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi. Phối hợp với Sở Công Thương đánh giá năng lực cung ứng, đề xuất phương án để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng khi cần thiết cho thị trường dịp Tết, công tác điều phối hàng hóa khi xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc đứt gãy hàng. Trường hợp qua theo dõi, mặt hàng có nguy cơ biến động mạnh về nguồn cung, cần thông tin kịp thời và khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thay thế để đảm bảo cung cầu, ổn định giá bán.
Sở Giao thông vận tải kịp thời hướng dẫn, tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu trên địa bàn đến và đi qua địa bàn Nghệ An đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để điều hành, bình ổn giá, kiểm soát lạm phát.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc cung cấp thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời triển khai tổ chức các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân.
Cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng và phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác tại địa phương để kịp thời kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, sản xuất và kinh doanh hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hành vi vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt về thị trường và các hành vi vi phạm; Chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Nguyên đán 2024, đồng thời cử cán bộ thường xuyên túc trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin về thị trường.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…