Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 10 năm 2023 | 8:45

Nghệ An tập trung định vị thương hiệu và hướng tới xuất khẩu sản phẩm OCOP

Không chạy đua theo phong trào, Nghệ An xác định phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng bền vững, lấy chất lượng và thương hiệu làm thước đo.

Dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại

Sau hơn 4 năm, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả thể hiện tính bứt phá, sáng tạo đã đưa sản phẩm nông nghiệp tịnh tiến theo hướng tích cực, dồi dào về số lượng lại phong phú về chủng loại, chất lượng, giá trị, mẫu mã. Thu nhập từ kinh doanh tăng vọt giúp chủ thể yên tâm gắn bó với nghề, đồng thời nâng tầm diện mạo nông thôn của địa phương.

Với 423 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, bao gồm 1 sản phẩm 5 sao, 43 sản phẩm 4 sao, 379 sản phẩm hạng 3 sao, Nghệ An đứng thứ hai cả nước về sản phẩm được gắn sao (chỉ xếp sau thành phố Hà Nội).

Nét độc đáo của Chương trình OCOP là tạo động lực thúc đẩy, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Đặc biệt, chương trình còn được xem là chất xúc tác hữu hiệu, qua đó đẩy nhanh quá thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể hóa bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải bài toán hoang phí quỹ đất lại nâng cao rõ rệt giá trị kinh tế.

Sản phẩm OCOP đa dạng cả về chủng loại lẫn mẫu mã, chất lượng. Ảnh: BA.

Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, cho biết, Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, bứt phá đi lên góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của Nghệ An dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại, chất lượng, giá trị, thu nhập ngày càng cao góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

“Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đã được người tiêu dùng trong cả nước đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu…”, ông Vinh nói.

Ông Vinh nhận định, “dòng chảy” phân hạng OCOP đã thổi một làn gió mới, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng, đặc thù ở các địa phương. Đơn cử, như các làng nghề truyền thống ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, TP. Vinh…, từ khi thực hiện chương trình đến nay, đã có 99 sản phẩm mới được ra đời và được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.

Quả ngọt từ Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.

Đối với các sản phẩm sau khi được công nhận đã thay đổi tư duy, lối nghĩ tích cực, đây được xem là chất xúc tác để các sản phẩm OCOP của Nghệ An lớn mạnh không ngừng. Nhiều dòng sản phẩm đã tăng lợi nhuận hàng năm từ 10 - 15% như: Sản phẩm thủy sản của Công ty cổ phần Biển Quỳnh; dược liệu của Công ty Dược liệu Pù Mát; lạc của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Sỹ Thắng; sen của HTX nông nghiệp Sen quê Bác; thịt bò giàng của HTX sản xuất và kinh doanh bò giàng Thảo Hảo; hương trầm của Công ty TNHH Hương trầm Liên Đức; giò bê Chung Tài của hộ sản xuất Lê Đình Chung...

Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát (Con Cuông) có 7 sản phẩm dược liệu đạt sao OCOP

Số lượng phải đi kèm với chất lượng, có như thế mới tạo ra chiều sâu, điểm nhấn và sức hút. Nhìn chung các sản phẩm OCOP của Nghệ An đều đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc. Điểm sáng trong cách làm có thể kể đến Công ty TNHH Đức Phong, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát, Công ty cổ phần Khoa học công nghệ tảo Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất ATC, HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác, Công ty Hasafood, Công ty cổ phần Tập đoàn BOMETA, Công ty TNHH MAMI FARM...

Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ

Chương trình OCOP nhằm mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị, được xem là đòn bẩy hữu hiệu trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tương Sa Nam ở huyện Nam Đàn đạt 4 sao OCOP vào năm 2019.

Để phát triển các sản phẩm đặc trưng theo hướng bền vững, nhất thiết phải “làm thật”. Dù vậy nếu đưa lên bàn cân, đong đếm chi ly sẽ thấy rõ không ít lực cản, bởi thế để khoác lên trên mình thương hiệu OCOP không thể triển khai dưới dạng vơ bèo vạt tép, ngược lại phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, từ đó phân loại, lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu nhất để tiếp tục “chăm bẵm”, “vun trồng”.

Đặc biệt hơn, để nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định vững chắc thương hiệu, đồng thời tăng sức cạnh tranh, phần đa chủ thể kinh tế đã chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, chế biến và kinh doanh, qua đó từng bước nâng tầm rõ rệt sản phẩm con cưng.

Rõ nhất là Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát (Con Cuông), hiện đơn vị này có 7 sản phẩm dược liệu đạt sao OCOP. Giám đốc Phan Xuân Diện chia sẻ, để các sản phẩm khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, thời gian qua công ty không ngừng đẩy mạnh ứng dụng KHCN nhằm cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm. Mỗi công đoạn đều rất quan trọng, không thể làm sơ sài, qua loa.

Quy trình sản xuất Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát rất đáng chú ý, nguyên liệu sau khi thu hoạch sẽ được sấy khô trong 2 hệ thống máy sấy bơm nhiệt, máy sấy hơi bảo hòa để giảm thiểu tối đa quá trình phơi ngoài trời, đồng nghĩa giảm thiểu tối đá nguy cơ VSATTP.

Cam Vinh là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của Nghệ An.

Ghi nhận tổng quan của Nông nghiệp Việt Nam, những năm qua, Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, rõ nhất là thông qua những cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…, nói cách khác, luôn tạo ra chất keo kết dính hữu hiệu để các chủ thể vững tâm thực hiện hoạch định dài lâu.  

Nhà nước quan tâm, định hướng sâu sát, các chủ thể nhanh chóng bắt nhịp đã tạo nên bức tranh OCOP đầy nét tươi mới. Thành quả trước mắt mới chỉ là bước khởi đầu, tin rằng với nền móng vững chắc và sự chủ động cần thiết, thương hiệu OCOP Nghệ An còn vươn xa. 

Xây dựng thương hiệu, hướng tới sản phẩm chất lượng

Theo đánh giá Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, sản phẩm OCOP của địa phương chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm. Nghệ An vẫn thiếu sản phẩm thuộc nhóm du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sản phẩm làng nghề. Trong khi du lịch là mũi nhọn kinh tế, thị trường tiêu thụ bền vững cần sớm tận dụng.

Việc phát triển các sản phẩm được công nhận OCOP là không tự phát vì phải tuân theo một quy trình được chọn lọc từ cấp cơ sở, đủ tiêu chuẩn, điều kiện mới được công nhận, ví như theo quy định sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên phải tham gia thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra chưa ổn định xuất phát từ hạn chế là ở địa phương vẫn lúng túng để lựa chọn sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, xã để phát triển, nâng cao thương hiệu, chất lượng, kết nối với thị trường.

“Các sản phẩm OCOP dứt khoát phải đi theo hướng thương hiệu, chất lượng và phải liên kết cùng nhau để phát triển sản phẩm. Ngay chủ thể của các sản phẩm OCOP cũng phải chăm sóc sản phẩm của mình, cần quản lý được chất lượng. “Không có nhanh, nhiều, tốt rẻ”. Phải xác định sản phẩm OCOP bỏ qua giai đoạn là "sản phẩm giảm nghèo" mà định hướng tiến tới giúp các chủ thể làm ăn khá giả…”, ông Phùng Thành Vinh cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Hoá, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An nhấn mạnh hai yêu cầu để sản phẩm “ra biển lớn” là phải chuẩn hóa về tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn thương mại. Sản phẩm OCOP chưa phải là thương hiệu – đây chỉ là cơ sở, tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Vấn đề quan trọng nhất là đánh giá của thị trường, có những sản phẩm không "Sao” nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ rất tốt. Điều đó cho thấy, vấn đề quan trọng là xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu của sản phẩm nông sản.

Để sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả cao, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, từng bước xây dựng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm OCOP Nghệ An, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện và phát triển sản phẩm, trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm đã được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ, khó đáp ứng thị trường, tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, Nghệ An hướng tới chất lượng, tập trung vào việc định vị thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Ảnh: BNN

Thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án khuyến nông, khuyến công… để hỗ trợ người dân ứng dụng quy trình, máy móc trang thiết bị, quy trình, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử. Chủ trương của địa phương là hướng sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa, đưa vào hệ thống siêu thị và hướng đến xuất khẩu.

 

Ngọc Lan (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top