Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 11:12

Nghị quyết số 20-NQ/TW: Khắc phục yếu kém, góp phần xây dựng nông thôn mới

Trong đó, nhận thức về phát triển KTTT, mà trọng tâm là hợp tác xã (HTX) trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Chính sách, pháp luật về KTTT được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới (ban hành ngày 16/6/2022) đánh giá, khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật.

Hỗ trợ HTX phát triển

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam (VCA), Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Trên cơ sở tổng kết đó, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

 

z3722973165572_169ccbdb48f2f42fcc1af2a9c79fac1a.jpg

Khu vực sản xuất của HTX Nông sản hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình, thành phố Rạch Giá. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

  

Có thể thấy rằng, Nghị quyết 20-NQ/TW có rất nhiều điểm mới và đột phá, kế thừa quan điểm, phù hợp với thực tiễn của Nghị quyết 13-NQ/TW. Nếu Nghị quyết 20 được thực hiện kịp thời, VCA kỳ vọng sẽ tạo đột phá về nhận thức của hệ thống chính trị và xã hội về vai trò của KTTT. Điều này sẽ khiến chất lượng và số lượng người dân, đại diện hộ gia đình, tổ chức cũng như doanh nghiệp tham gia HTX sẽ tăng lên đáng kể. Hơn nữa, khung khổ pháp luật cho HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX hoạt động sẽ được đổi mới, sửa đổi nhằm tạo môi trường hoạt động kinh doanh, sản xuất của HTX được thuận lợi hơn.

Nghị quyết cũng nêu rõ việc Nhà nước sẽ có chương trình tổng thể, dài hạn để hỗ trợ HTX phát triển; trong đó, có chính sách về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng, bảo hiểm, công nghệ, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX.

Nâng cao chất lượng

Chuyên gia kinh tế, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, để KTTT trở thành đòn bẩy của kinh tế nông thôn, một trong những đột phá quan trọng cần thiết nhất là đổi mới tư duy để nhìn nhận vai trò thật sự quan trọng của KTTT. Hiện, năng lực của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh... cho nên việc liên kết, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao còn chưa được chú trọng, nhất là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Do đó, cần phải có những đột phá một cách toàn diện nhằm tăng nguồn nội lực cho KTTT.

Ghi nhận tại HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), ngay từ năm 2018, HTX đã mạnh dạn đầu tư 2.000 USD/tháng để thuê chuyên gia nông nghiệp người Israel về trực tiếp “cầm tay chỉ việc” trồng dưa lưới trong nhà màng trong ba tháng liên tục cho xã viên. Với quy mô bốn nhà màng, mỗi năm đơn vị trồng ba lứa dưa, sản lượng đạt 12-15 tấn/lứa, lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Theo Giám đốc HTX Nga Hải - ông Lê Văn Bình, chế độ dinh dưỡng cung cấp cho dưa lưới đều được tự động hóa. Công nhân thao tác trên thiết bị, cứ đến giờ là máy sẽ tự động chăm sóc dưa. Ngoài ra, việc kiểm tra độ ngọt của dưa đều do máy móc đảm nhận, nhờ vậy, dưa lưới Nga Hải luôn đạt yêu cầu cao về chất lượng.

Chủ động đầu tư khoa học-kỹ thuật và đầu tư về con người cũng là chìa khóa để HTX Nông nghiệp bưởi da xanh tỉnh Bến Tre phát triển. Năm 2022, HTX đưa vào hoạt động khu phức hợp đa chức năng trị giá hơn 13 tỷ đồng, trên tổng diện tích 37ha bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và 14,7ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nguồn kinh phí này do Tổ chức SOCODEVI của Chính phủ Canada tài trợ thông qua Dự án phát triển HTX Việt Nam. Giám đốc HTX Nguyễn Quốc Bảo cho biết: Hiện, HTX cung ứng dịch vụ đầu vào là phân bón, giống và đầu ra là mua bưởi của thành viên với số lượng 30 - 35 tấn/tháng để cung cấp cho các siêu thị, chế biến nước ép… HTX đang xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với bưởi da xanh để chuẩn bị xuất sang thị trường châu Âu và Mỹ.

Thành công của HTX nông nghiệp Nga Hải hay HTX nông nghiệp bưởi da xanh đã thu hút được nhiều người dân tham gia vào HTX, bởi họ thấy được tiềm năng và cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp của mình.

Đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn

Để hỗ trợ KTTT, HTX nông nghiệp phát triển bền vững, Nghị quyết 20-NQ/TW có nhiều đột phá về chính sách đất đai, tài chính, nguồn vốn tín dụng, con người và khoa học - kỹ thuật, phát triển thị trường… Các địa phương cũng có những cơ chế, chính sách riêng để kích thích KTTT, HTX nông nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, tỉnh đã ban hành kế hoạch về thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý và thành viên HTX thông qua đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo nghề.

Không chỉ tăng nguồn lực về kinh tế hỗ trợ KTTT, các địa phương còn chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo hàng đầu như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường đại học Nông - Lâm Thái Nguyên… nhằm trang bị kiến thức quản trị HTX cho đội ngũ quản lý. Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan, mỗi chương trình đào tạo của học viện đều có chuẩn đầu ra cụ thể, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm nhất định tại các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Tư duy kinh tế nông nghiệp trong đào tạo được thể hiện thông qua từng nội dung bài giảng, môn học; ngoài trang bị kiến thức chuyên môn, còn cung cấp kỹ năng quản lý và sử dụng tài nguyên hiệu quả, theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông - Lâm Thái Nguyên Nguyễn Chí Hiểu cho biết, nhà trường luôn đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận những nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến trên thế giới ngay từ năm học đầu tiên. Đồng thời, nhà trường cũng luôn giữ mối liên hệ hợp tác với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng nhằm lắng nghe ý kiến về xây dựng, phân bổ chương trình đào tạo, tổ chức cho sinh viên đi thực tế để học hỏi kinh nghiệm... Qua đó, bổ sung, hoàn thiện chương trình đào tạo theo quy định, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, thị trường lao động.

Hiểu được tầm quan trọng của kiến thức, Giám đốc và các thành viên HTX Chè sạch Quang Minh (xã Phú Cường, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ kỹ thuật, coi trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật để xây dựng vùng sản xuất chè tập trung 5ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2021, HTX Chè sạch Quang Minh có doanh thu hơn 7 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động với thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc Liên hiệp HTX nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam tỉnh Thái Nguyên - Nguyễn Chí Công cho biết, khi được tham gia các lớp học quản trị HTX, ông và học viên đã áp dụng kiến thức nhằm liên kết sản xuất – tiêu thụ, biết cách tiếp cận khách hàng ngoài phạm vi của huyện, tỉnh.

Chị Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chè Kim Thoa (xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, sau khi tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, sản xuất, kinh doanh tại Trường đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, xã viên HTX đã sản xuất theo quy chuẩn an toàn và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Nghị quyết 20-NQ/TW xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết đề ra 5 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu: Thứ nhất nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng, cốt lõi khắc phục cho được tồn tại kéo dài và chậm được khắc phục trong thời gian vừa qua và xác định đây là nhiệm vụ trước tiên.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT, kế thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, cập nhật Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Đảng gần đây, Trung ương yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển KTTT, trong đó tập trung làm rõ hơn về các loại hình tổ chức KTTT, quy định về phát triển thành viên, nâng cao khả năng huy động vốn, quy định về phát triển doanh nghiệp trong các tổ chức KTTT, quy định về kiểm toán...

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nội dung rất khó trong quá trình thực hiện, nhất là trong việc xử lý các vướng mắc, tồn đọng, đồng thời nâng cao năng lực nội tại của HTX phù hợp yêu cầu mới.

Kiên quyết xử lý dứt điểm các HTX yếu kém, đồng thời đổi mới hình thức hoạt động của khu vực KTTT, tăng cường công khai, minh bạch, từng bước tạo lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với kinh tế tập thể.

Sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể. Khắc phục cho được quan niệm HTX là yếu kém.

Nhằm đa dạng hóa các mô hình hoạt động của KTTT, Nghị quyết lần này Trung ương cho phép nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn HTX hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực.

Tăng cường liên kết giữa tổ chức KTTT với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước.

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT. Trung ương yêu cầu xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về KTTT tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kinh tế tập thể).

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX Việt Nam đối với phát triển KTTT.

Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

 

Nghị quyết số 20-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2030: Cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 hợp tác xã thành viên; Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đến năm 2045: Phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức KTTT. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức KTTT, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức KTTT nằm trong bảng xếp hạng 300 HTX lớn nhất toàn cầu do Liên minh HTX quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức KTTT đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top