Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 1 năm 2023 | 21:43

Ngọt ngào rượu mận Sapa

Những giọt rượu đỏ sậm, ngọt lịm, nồng nàn thấm vào đầu lưỡi khiến tôi mê mẩn là động lực thôi thúc tôi phải tìm đến Lê Thị Hải Yến, người phụ nữ có tình yêu bền bỉ và khát vọng từ những mùa quả chín. Thành công của chị với rượu hoa quả là cảm giác vui sướng khi lan toả được tình yêu ấy tới mọi người.

Không khó khăn nào cản bước được đam mê

Trước khi gặp chị Yến ở Tả Phìn (Sapa, Lào Cai), tôi nghĩ việc sản xuất rượu đơn giản là nghề để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Và tôi cũng sẽ vẫn nghĩ như vậy khi bắt gặp chị ở khu vực nồi hơi chưng cất, thoắt cái đã có mặt trong phòng đóng chai, cài hộp.

Chị Lê Thị Hải Yến, chủ cơ sở sản xuất rượu hoa quả ở xã Tả Phìn.

Rồi, tuy xuất hiện trước mặt chúng tôi nhưng tâm trí chị đang nằm trong cuộc điện thoại với khách hàng ở vùng miền xa tít tắp nào đó. Nếu như, chị không trải lòng về hành trình gần chục năm trước khi chị còn là Quản lý chăm sóc khách hàng, Trưởng phòng thu cước Viễn thông của một Đài truyền hình. Vốn say mê mùi hương của các loại quả chín mà trên đường từ nhà đến chỗ làm, ngày nào chị cũng hít hà hương thơm của các loại quả mùa nào thức nấy, vì đi qua khu chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội).

Mận đỏ Sapa tạo nên hương vị rượu đặc trưng hiếm thấy.

Đối với chị, mùi hương của các loại quả chín nó quyến rũ hơn bất kỳ loại nước hoa nào trên đời, thôi thúc chị tìm cách lưu giữ. Trong nhà chị xuất hiện ngày càng nhiều các loại chai lọ đủ kích cỡ ngâm các loại quả: mơ, dâu, đào... Cũng rất tình cờ khi chị thấy bạn bè mình chuộng loại rượu mơ của Nhật, chị nghĩ hoa quả của Việt Nam cũng rất tuyệt vời sao lại không làm được như thế, rồi chị mày mò học cách tự chưng cất rượu hoa quả. Nhưng việc tự làm để dùng khác hẳn với việc đưa sản phẩm ra thị trường. Vì làm để dùng thì không theo quy chuẩn nào cả, nhưng khi đưa ra thị trường thì bắt buộc phải tuân theo quy trình kỹ thuật khắt khe.

Chị kể: “Tôi đặc biệt thích những chuyến du lịch về với thiên nhiên, với núi rừng. May mắn là chồng tôi cũng có chung sở thích nên khi nghỉ hưu ở cơ quan Nhà nước, chúng tôi hay cùng nhau rong ruổi trên những cung đường miền núi phía Bắc. Từ đỉnh Mẫu Sơn đến dãy núi Hoàng Liên Sơn, nơi đâu có rừng già, có quả thơm khác biệt là có dấu chân tôi. Ở vùng miền nào, chúng tôi cũng tìm hiểu, trải nghiệm các loại hoa quả đặc sản của nơi đó. Mỗi nơi có một đặc trưng riêng nhưng tôi ấn tượng nhất là quả mận đỏ của Sapa. Loại cây được đồng bào trồng hoàn toàn tự nhiên, mỗi nóc nhà chỉ có 1 cây và vị chát của quả mận rất thích hợp để tạo ra dòng sản phẩm rượu hoàn hảo. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn Sapa là nơi dừng chân để biến ước mơ thành hiện thực”.

Rượu mận Sapa được chưng cất theo bí quyết riêng giữ nguyên được màu đỏ sậm tự nhiên, vị ngọt nồng đậm, được khách hàng ở nhiều thành phố ưa chuộng.

Chị Yến cho biết, quá trình nhiều năm tìm hiểu từ tài liệu sách báo đến thực tế, chị cũng mở mang được khá nhiều kiến thức như: Loại rượu Mao Đài tuy sản xuất ở một thôn nhỏ ở Trung Quốc nhưng được khách hàng nhiều nước biết đến nhờ bí quyết chưng cất tuyệt đỉnh, phụ thuộc vào các yếu tố như: nước, khí hậu... Chị đã thử ở nhiều vùng đất thấy nước ở Bắc Kạn đạt 50% tiêu chí; nước, khí hậu tại đèo Giang Ma (Lai Châu) đạt 70%... Nhưng ở Tả Phìn có thể đáp ứng được 85% tiêu chí để làm rượu hoa quả.

Đã có “nền móng, có gạch” nhưng để xây dựng ngôi nhà mơ ước thì không hề dễ dàng, chị Yến cũng không nhớ hết mình đã đổ đi bao nhiêu lít rượu mận, mơ, dâu tằm nguyên chất chỉ vì độ cồn thấp và không sử dụng chất bảo quản, không đạt chất lượng kiểm nghiệm các loại chỉ số... Cứ đổ đi rồi làm lại từ đầu, chị đã bán đi vài cái nhà, mấy mảnh đất chắt bóp bao nhiêu năm làm lụng để quyết làm bằng được loại rượu hoa quả đạt chất lượng giữ nguyên được vị thơm, thanh thuần khiết.

Chinh phục khách hàng bằng Niềm tin

Trong khu sản xuất rộng 2ha nằm giữa trung tâm xã Tả Phìn, gần 100 gốc mận được chị Yến “bứng” về trồng đã vươn lên xanh tốt, hầu hết là loại mận đỏ bản địa. Số lượng cây mà bà con trồng rất “khiêm tốn” vì không mang lại giá trị kinh tế cao, chúng sống tự nhiên như cây rừng, đón nắng núi, tưới sương giá. Từ khi chị thu mua thì mận bỗng trở nên đắt đỏ, có lúc lên đến 80.000 đồng/kg. Cứ khoảng cuối tháng 6 -7 hàng năm, chị lại có mặt ở các bản làng của đồng bào Mông thôn Sâu Chua, Tả Van, Lao Chải, Hầu Thào... thu mua vài chục tấn mận. Trước giá mận chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng nay chị thu mua với giá 35.000 - 65.000 đồng/kg. Cây mận trở thành nguồn thu nhập cao của nhiều gia đình. Ngoài quả mận, chị Yến còn sử dụng nhiều loại quả: mơ, dâu tằm, đào... lựa chọn kỹ ở những vùng khác nhau về chưng cất.

Những cô gái người Dao đang tỷ mỷ đóng rượu, làm tem mác để trả hàng cho khách.

Như thể cảm nhận được sự mê mẩn của tôi ngay khi nếm thử thứ nước sóng sánh, thơm ngát hương vị đặc trưng của thứ quả được nuôi dưỡng ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, chị bảo đó chính là sự quảng bá tốt nhất mà chị tâm huyết: “Cứ thưởng thức rồi bạn sẽ có sự lựa chọn cho mình”. 5 loại rượu chính mà chị thành công giữ nguyên được mùi, vị, sắc nguyên bản của quả: rượu mận 12-13 độ, rượu mơ Má Đào 13-14 độ, rượu dâu tằm 12 độ, rượu nếp cái 25 độ, rượu mận chưng cất brandy 35 độ, hoàn toàn được chưng cất bằng bí quyết riêng, có thể làm say lòng bất cứ ai thưởng thức.

Những ngày cuối năm, mặc cái lạnh giá buốt len lỏi, các chàng trai  người Dao cần mẫn vét bã quả ra bón cây, vệ sinh những chiếc nồi hơi to như téc đựng nước chuẩn bị cho mẻ chưng cất mới, rồi lại nhanh tay ủ rượu vào các thùng gỗ, chum sành. Các cô gái Dao khéo léo đóng rượu vào chai, buộc tem, mác, đóng thành những hộp quà xinh xắn. Rượu hoa quả của cơ sở chị Yến hiện  được khách hàng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh yêu thích. Lúc cao điểm, chị Yến phải cần đến gần 20 nhân công làm mới kịp trả hàng cho khách, thù lao khoảng 300.000 đồng/ngày, chưa kể 4-5 lao động chính thức lương gần 10 triệu đồng/tháng.

Càng gắn bó với bà con các dân tộc ở Sapa, chị Yến càng yêu mảnh đất này nên tìm cách mở rộng sản xuất, chế biến đa dạng sản phẩm; thu mua sản phẩm để nâng cao thu nhập, tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con. Chị đang hoàn thiện hồ sơ trình chính quyền địa phương để được chứng nhận sản phẩm rượu mận là sản phẩm OCOP, thêm một món quà tinh tuý của đất trời Sapa đến du khách mọi miền.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top