Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2022 | 14:13

Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu hải sản do IUU

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính đến cuối tháng 11, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD - mốc kỷ lục lịch sử ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh “thẻ vàng” thủy sản của EC chưa được tháo gỡ, thị trường Nhật Bản gia tăng những quy định khắt khe hơn, đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành hàng này trong giai đoạn sắp tới.

Thu hẹp thị trường

VASEP cho biết, dù giá trị xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU vẫn tăng nhưng trong cả bức tranh chung xuất khẩu thủy sản, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp vì ảnh hưởng thẻ vàng IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp).

Theo thống kê của Cục Hải quan, hiện nay, khối thị trường EU27 (Liên minh châu Âu gồm 27 nước thành viên) chiếm 12% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đứng sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc).

Đến hết quý 3, thị trường EU đóng góp một gam màu tươi sáng với giá trị đã chạm mốc 1 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác biển chỉ chiếm 26% giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU, tăng 29%.

VASEP nhận định, năm 2022 đầy biến động như chiến sự Nga - Ukraina, lạm phát, mất giá tiền tệ…, doanh nghiệp thủy sản sẽ ảnh hưởng nặng nếu thẻ vàng IUU vẫn chưa được tháo gỡ hoặc xảy ra tình thế xấu hơn…

Không gỡ được thẻ vàng, thuỷ sản Việt Nam thiệt hại khoảng 180 triệu USD mỗi năm khi xuất khẩu sang EU.

“Bản thân thẻ vàng IUU có những ảnh hưởng, nhưng càng rõ nét hơn khi xung đột Nga - Ukraine khiến cho giá xăng dầu tăng vọt; ngư dân các tỉnh ven biển không thể ra khơi. Nguyên liệu khai thác vốn khan hiếm lại càng bị thắt chặt và riêng cho thị trường EU còn thiếu hụt hơn nữa vì những thủ tục làm giấy xác nhận, chứng nhận bất cập và khó khăn”, VASEP nhận định.

Hết quý 3, nếu như xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam đã mang về trên 3,4 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và thị trường dẫn đầu là Nhật Bản, tiếp theo là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc thì thị trường EU chiếm tỉ trọng thấp nhất (sản phẩm hải sản khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc, điệp, cá tuyết, ghẹ… hiện EU chỉ chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu).

Như vậy, dù giá trị xuất khẩu hải sản sang EU vẫn tăng nhưng trong cả bức tranh xuất khẩu thủy sản nói chung và hải sản nói riêng của Việt Nam, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của thẻ vàng IUU.

Nguyên nhân khác nữa là EU và nhiều thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản đang ngấm đòn lạm phát, những tháng cuối năm, giá cả hàng hóa và sinh hoạt đều tăng, do vậy, người tiêu dùng phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu. Vì thế, xuất khẩu thủy sản sang EU chững lại, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn lại.

Kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi

Nhật Bản đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam trong 10 tháng qua, đạt 1,4 tỉ USD (Mỹ 1,9 tỉ USD, Trung Quốc 1,3 tỉ USD). Nhật Bản nhập khẩu nhiều tôm, bạch tuộc, mực, cá ngừ,... từ Việt Nam.

Song theo Nafiqad, Nhật Bản hiện đang thừa nhận và áp dụng cơ chế tương đương về quy định Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Liên minh châu Âu.

Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu quy định của Việt Nam và Nhật Bản để ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ của doanh nghiệp nhằm kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi (khai thác, thu mua, vận chuyển, tiếp nhận, chế biến, bảo quản, xuất khẩu) và đảm bảo thông tin khả năng truy xuất nguồn gốc.

Cán bộ thực hiện kiểm soát IUU của các doanh nghiệp phải có kiến thức hiểu biết và nắm vững quy định của pháp luật, của doanh nghiệp, kỹ năng thực hành thực tế với nhiệm vụ được giao.

Do yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng IUU đòi hỏi xuyên suốt toàn chuỗi, các doanh nghiệp xem xét giao bộ phận đảm bảo chất lượng để liên kết với các bộ phận khác của doanh nghiệp (thu mua, kho bảo quản thành phẩm, nguyên liệu, bộ phận xuất, nhập khẩu…), tránh tình trạng đứt gãy thông tin, dữ liệu gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu truy xuất trên hồ sơ và thực tế sản xuất.

Đồng thời, xây dựng thủ tục và tổ chức theo dõi trừ lùi/cấn trừ và có đối chiếu dữ liệu theo dõi với thực tế sản xuất cho nguyên liệu đưa vào sản xuất, nguyên liệu còn lại, thành phẩm đã xuất khẩu, chưa xuất khẩu,... nhằm minh bạch khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi thực hiện quy định IUU, đảm bảo chống lẫn lộn giữa các lô nguyên liệu đưa vào sản xuất, giữa lô nguyên liệu đáp ứng quy định IUU và chưa đáp ứng đầy đủ quy định IUU.

Nafiqad đề nghị các trung tâm chất lượng nông – lâm - thủy sản vùng phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp về quy định mới của Nhật Bản và hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy định IUU.

Đồng thời, thực hiện thẩm định hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xác nhận cam kết nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu theo yêu cầu thị trường Nhật Bản theo đúng quy định.

Quyết liệt chống khai thác trái phép

Sau 5 năm bị áp “thẻ vàng”, thủy sản Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ. Mới đây, đoàn thanh tra của EC đã kiểm tra thực tế lần thứ 3 về tình hình chống khai thác IUU tại Khánh Hòa và làm việc tại Tổng cục Thủy sản.

Kết quả chuyến làm việc, phía EC đánh giá cơ quan Trung ương đã nỗ lực rất lớn trong việc theo dõi, phát hiện các tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá bị mất kết nối trên 10 ngày trên biển và kịp thời thông báo cho các địa phương để xử lý tàu cá vi phạm giám sát hành trình.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 10 tháng của năm 2022, xảy ra 412 lượt tàu mất kết nối VMS thì 108 lượt tàu/8 tỉnh, thành phố chưa xử lý đến cùng; 46 lượt tàu/9 tỉnh, thành phố không phản hồi kết quả xử lý.

Để sớm gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản rất cần sự vào cuộc kiên quyết của chính các địa phương có biển. Ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị phối hợp xử lý các trường hợp tàu cá mất kết nối giám sát hành trình 10 ngày trên biển. Yêu cầu này được đưa ra nhằm tăng cường trách nhiệm của chính quyền các địa phương ven biển trong việc quản lý tàu cá, chống khai thác IUU.

Theo đó, các địa phương cần báo cáo đầy đủ kết quả xử lý tới cùng vụ việc đối với các tàu cá bị mất kết nối trên 10 ngày trên biển trong năm 2021, 2022 trước ngày 30/11. Đây là động thái quyết liệt của cơ quan quản lý trung ương, sau chuyến làm việc của Đoàn thanh tra EC tại Việt Nam để kiểm tra về IUU hồi tháng 10.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Vì sao phân khu Quý Tộc vừa ra mắt đã khiến các gia đình trẻ đứng ngồi không yên?

    Vì sao phân khu Quý Tộc vừa ra mắt đã khiến các gia đình trẻ đứng ngồi không yên?

    Sức nóng của Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island đang gia tăng từng ngày cùng với tiến độ thi công thần tốc và các phân khu liên tiếp ra mắt. Nổi bật trong số đó, phân khu Quý Tộc khiến các gia đình trẻ mong sớm chuyển khẩu về đây để được trải nghiệm chất sống thượng lưu và môi trường phát triển toàn diện cho con trẻ.

  • BAC A BANK ưu đãi lãi suất vay - trao doanh nghiệp "đặc quyền vượt trội" để bứt phá kinh doanh

    BAC A BANK ưu đãi lãi suất vay - trao doanh nghiệp

    Với tâm thế đồng hành cùng các doanh nghiệp củng cố lợi thế cạnh tranh, tối ưu hiệu quả kinh doanh để hướng tới các mục tiêu tăng trưởng toàn diện, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) triển khai Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn “Tài chính vững vàng - Sẵn sàng bứt phá” với tổng hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng.

  • GenAI “made in Vietnam" giúp doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện

    GenAI “made in Vietnam

    Ra mắt từ cuối năm 2023, ViGPT - “ChatGPT phiên bản Việt" do VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) phát triển đã nhanh chóng trở thành một trong 4 mô hình có năng lực tiếng Việt tốt nhất. Đồng thời, bắt tay với hàng loạt các đơn vị hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, VinBigdata tiếp tục triển khai tích hợp AI tạo sinh (GenAI) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện của doanh nghiệp.

Top