Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 11 năm 2022 | 10:37

Nhà giáo "mê" làm vườn

Gác lại những trang giáo án và nghỉ hưu, kết thúc hành trình dài trên bục giảng, vợ chồng cô giáo Phạm Thị Ánh Minh đã biến mảnh đất nông nghiệp của gia đình trở thành một trang trại nhỏ, đạt chuẩn mô hình “nhà sạch, vườn đẹp, kinh tế phát triển” của xã Quế Long (Quế Sơn, Quảng Nam).

Thầy giáo Lê Trí Bửu và cô giáo Phạm Thị Ánh Minh hẳn không còn xa lạ với những người con hiếu học của mảnh đất Quế Sơn. Dưới sự dìu dắt và ân cần dạy dỗ của cô thầy, bao thế hệ học sinh đã trưởng thành và đạt được nhiều danh vọng trong cuộc sống. Hành trình “gõ đầu trẻ” của hai vợ chồng giáo viên vùng nông thôn lần lượt khép lại vào năm 2020 và 2021, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, hai cô thầy đã trở về canh tác nông nghiệp, làm vườn trên mảnh đất rộng 3.000 m2 của gia đình tại thôn Lãnh An, xã Quế Long, huyện Quế Sơn.

Những ngày đầu, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây lúa mang lại không cao, vì vậy, thầy Bửu và cô giáo Minh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa vốn có của gia đình trở thành khu vườn với đa dạng các loại cây trồng, cùng với một trang trại nhỏ để chăn nuôi.

Thầy giáo Bửu chia sẻ do không ai có kinh nghiệm làm nông nên cả hai vợ chồng ngoài những giờ dạy kèm học sinh, còn phải tranh thủ học hỏi từ những clip hướng dẫn trên mạng, sách báo về nông nghiệp, nông thôn.

Cô giáo Phạm Thị Ánh Minh vui mừng vì năm nay được mùa đậu phộng.

Cô giáo Phạm Thị Ánh Minh vui mừng vì năm nay được mùa đậu phộng.

Vì đã nghỉ hưu, thời gian cho việc dạy học không còn nhiều nên vợ chồng thầy Bửu tranh thủ để thường xuyên ra vườn canh tác. Cô giáo Minh cho biết, trong những tháng đầu công việc rất vất vả khi buổi sáng dạy kèm cho học sinh, buổi chiều lại phải tranh thủ vào vườn để cầm cuốc vun gốc, tưới cây. Để tiết kiệm chi phí, thầy và cô đã tự mình vào nhà dân mua phân gà, phân bò, vỏ đậu để về làm phân bón sinh học, ôm máy phát cỏ,... Trong khi tối đến lại chong đèn để xem bài vở cho các học trò.

Sau quãng thời gian 2 năm xuống giống và chăm sóc vườn cây với rất nhiều khó khăn trong việc cải tạo đất, tìm nguồn nước tưới, trống lại cây trồng sau những ảnh hưởng của gió bão, những vất vả của 2 vợ chồng thầy cô bắt đầu được đền đáp khi những cây ổi, cây mít trồng theo phương pháp sinh học bắt đầu cho trái, đậu phộng trĩu hạt, vườn rau sạch của 2 vợ chồng nhà giáo cũng xanh mướt. Đến nay, mỗi mùa thu hoạch khu vườn của 2 vợ chồng đem lại doanh thu hơn 50 triệu đồng. Số lãi thu được tiếp tục được thầy cô tái đầu tư vào chăm sóc những loại cây ăn quả mới, dàn khổ qua, các loại đậu,…

Dù có thu nhập khá từ vườn cây, nhưng thầy cô giáo thừa nhận để làm giàu từ nông nghiệp là điều không dễ dàng và cần sự kiên nhẫn. Cô giáo Minh cho biết việc chăm sóc cây trồng theo phương pháp mới rất vất vả bởi phải làm tất cả các công đoạn của việc ủ phân, bón phân cho cây, xử lý cây trồng khi bị bệnh.

Bên cạnh đó, việc tưới nước cho cây trong mùa khô của miền Trung cũng rất cực bởi thời gian này thường kéo dài từ 3 đến 5 tháng. Vì tưới liên tục ngày nào cũng tưới, nên chi phí mua dầu rất tốn kém (mỗi ngày chạy máy bơm nước hết tới hơn 10 lít dầu), máy chạy liên tục từ 5, 6 giờ sáng đến 10, 12 giờ đêm mới tắt. Mỗi lần máy bơm bị hỏng thì rất vất vả và khó khăn trong việc tìm người sửa.

Không phụ lòng người, những sản phẩm nông nghiệp do cô và thầy làm ra được đón nhận và tin tưởng trên thị trường nông sản huyện Quế Sơn. Những buổi họp chợ huyện, chẳng ai xa lạ gì nữa với danh xưng “rau cô Minh”, “quả thầy Bửu”.

Được biết sắp tới, hai vợ chồng thầy cô sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm và phát triển thêm nhiều loại cây trồng lạ, mới trên điều kiện thổ nhưỡng miền trung, nhằm tạo nên sự đa dạng cho cây trồng và giống cây trồng ở khu vực Quế Sơn và rộng hơn nữa.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
Top